Một thế hệ nông dân số sẽ giúp chấm dứt chuyện "được mùa mất giá"

Bình Minh Thứ hai, ngày 03/01/2022 07:48 AM (GMT+7)
Nông dân là trung tâm của chuyển đổi số trong nông nghiệp, quyết định thắng lợi công cuộc chuyển đổi số. Xây dựng được một thế hệ nông dân số sẽ giúp chấm dứt chuyện "được mùa mất giá".
Bình luận 0

Niên vụ 2021, nhãn lồng Hưng Yên với diện tích đạt khoảng 4.800 ha, sản lượng ước đạt 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 đến 20%. Nỗi lo dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ. Nhưng khi người nông dân được đào tạo tham gia chuyển đổi số nông nghiệp thì bài toán đã tìm ra được lời giải. Tại Hưng Yên hàng ngàn hộ dân được tập huấn, kết nối với sàn thương mại điện tử Postmart.vn để tiêu thụ.

Trước đó, vào tháng 5/2021, trong vụ vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương, hơn 350.000 tấn vải đến kỳ thu hoạch rơi đúng đợt dịch bệnh lần 4, việc tiêu thụ lượng vải này là nhiệm vụ cấp bách. Nhiệm vụ khó khăn đó đã được hoàn thành nhờ ứng dụng công nghệ số, từ cập nhật mọi thông tin về giống, quy trình chăm sóc, phân bón, thu hái, đóng gói, tem nhãn, đến việc hướng dẫn cách bán hàng trên môi trường điện tử...

Một thế hệ nông dân số sẽ giúp chấm dứt chuyện "được mùa mất giá" - Ảnh 1.

Năm 2021, Hội ND tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ nông dân huyện Lục Ngạn lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ảnh: Hoàng Phương

Trong vụ quýt từ tháng 11 đến nay, bà Ma Thị Chú ở huyện Mường Khương (Lào Cai) đã xây dựng fanpage, trang Facebook cá nhân để bán quýt của gia đình. Hiện nay, fanpage chuyên bán hàng của bà có hơn 17.000 lượt người thích, hơn 32.000 lượt người theo dõi. Mỗi lần livestream bán quýt, bà đều "chốt đơn" và bán được 500 - 800 kg.

Một thế hệ nông dân số sẽ giúp chấm dứt chuyện "được mùa mất giá" - Ảnh 2.

Ma Thị Chú trong buổi livestream bán quýt, ảnh cắt từ clip. FB Ma Thị Chú

Tính đến tháng 11/2021, đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa đưa lên các sàn thương mại điện tử. Hàng ngàn giao dịch được thực hiện. Nhờ áp dụng chuyển đổi số, những nông dân số sẽ không phải "trông trời, trông đất, trông mây" để sản xuất như truyền thống, mà có thể trông vào dữ liệu để có kế hoạch sản xuất phù hợp.

"Chuyển đổi số cho phép nông dân bán cả sự trải nghiệm. Chẳng hạn trước kia bán nải chuối, bà con mang ra chợ bán trực tiếp cho người mua, nhưng áp dụng công nghệ số, vườn chuối được kết nối trên mạng thì người nông dân có thể bán cho người mua cả quy trình chăm sóc cây chuối đó ngay từ khi còn nhỏ, đến khi ra hoa, trổ buồng, để người mua có thể trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm", ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định cũng cho rằng, người nông dân muốn giảm thiểu rủi ro vì tình trạng được mùa, mất giá thì không còn con đường nào khác đó là phải cùng nhau tham gia vào các chuỗi liên kết. Thông qua đó, sản xuất có kế hoạch, cung đủ cầu và tiết giảm được các khâu trung gian; đồng thời, trong quá trình sản xuất cũng phải tuân thủ theo các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc.

Thêm một vấn đề cốt lõi đặt ra đó là vai trò và trách nhiệm của người nông dân trong ngành nông nghiệp nước nhà cần phải được xác định rõ ràng. Đất đai nông nghiệp đại bộ phận là do nông dân được giao quản lý và sử dụng. Vì thế, vai trò của người nông dân là lớn nhất và trách nhiệm của nông dân cũng phải là cao nhất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem