Một trời vó ngựa…

Thứ bảy, ngày 08/02/2014 14:48 PM (GMT+7)
Vùng xứ Nẫu Bình Định – Phú Yên có truyền thống dùng ngựa trong đời sống hằng ngày. Qua một thời chinh chiến, ngựa ở đây giờ được dùng nhiều để kéo, cưỡi, thồ và là nỗi đam mê rần rật của những kẻ đắm tình các giải đua mùa Xuân…
Bình luận 0
Linh ứng ngựa xe

Bởi có nhiều giống tốt, chạy nhanh và dẻo dai nên hồi trước ngựa xứ Nẫu hay được chọn dâng cho triều đình, xếp vào hàng “ngựa dụng”. Trong đó, ngựa Phú Yên đã được xem là “giống tốt nhất Trung kỳ”.

  Những kỵ sĩ chân đất ở Hội đua ngựa Gò Thì Thùng (Tuy An, Phú Yên).
Những kỵ sĩ chân đất ở Hội đua ngựa Gò Thì Thùng (Tuy An, Phú Yên).

Trước khi có quốc lộ 1 và đường sắt xuyên Việt, người xứ Nẫu thường đi lại bằng kiệu, ngựa (nhà giàu, khá) còn nhà nghèo thì chủ yếu đi bộ. Sau bao bể dâu, nhiều vùng miền núi, đồng quê xứ Nẫu, ngựa vẫn còn lam lũ cùng người cưỡi, thồ hàng, kéo xe,... Lang thang từ vùng Tuy Hòa, Tuy An, Sơn Hòa, Đồng Xuân,... (Phú Yên) đến vùng Vân Canh, An Lão, An Nhơn, Phù Cát,... (Bình Định), vó ngựa vẫn lóc cóc trong nắng sớm mưa chiều.

Ngang vùng Tuy An, vẫn vang lời mẹ ru “Chiều chiều mượn ngựa ông Đô / Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về /Cô về chẳng lẽ về không /Ngựa ô đi trước, ngựa hồng theo sau/Ngựa ô đi tới Quán Cau/Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau Gò Điều”. Bảng lảng không khí vừa kiêu sang, vừa quen thuộc một thuở ngựa xe qua núi, qua đèo một thời trấn biên Nam Trung Bộ.

Địa danh Quán Cau bây giờ đặt cho con đèo trên đường thiên lý Bắc Nam, nhìn xuống thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan; Gò Điều giờ thuộc xã An Hòa (Tuy An). Dọc dài vùng bán sơn địa này, người dân vẫn còn nuôi, kinh doanh và sử dụng ngựa thồ thường ngày. Không tấp nập giữa thời cơ khí nhưng hàng trăm ngựa thồ vẫn lặng lẽ cùng dân quê “mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”.

  Ông Thái Văn Út ở Đông Hòa (Phú Yên) đang chăm sóc ngựa.
Ông Năm Cai (Nguyễn Hữu Chi) đang chăm sóc ngựa.

Cũng chính những “cô, chú” ngựa thồ này cứ mỗi kỳ tết đến là được chải lông “làm nước” để tiến về Gò Thì Thùng (cao nguyên An Xuân, Tuy An) để dự lễ hội đua ngựa truyền thống Mùng 8 tháng Giêng, được duy trì hàng trăm năm nay. Tôi nói “cô ngựa đua” là bởi “giới tính” áp đảo trong các hội thi là ngựa cái.

Riêng giải đua ngựa trong Đại hội TDTT huyện Tuy An, thể lệ yêu cầu 100% phải là ngựa cái, nhằm tránh sự “lộn xộn, giành gái” của mấy chú ngựa đực. Ông Mười Châu – một người nuôi ngựa kỳ cựu ở Tuy An, lý giải: “Dân đây nuôi ngựa cái có lãi hơn ngựa “nam”. Bởi vừa thồ hàng, vừa tiện việc sinh sản. Với giống ngựa tía này, “trai” hay “gái” thì dáng vóc cũng gần như nhau”.

Thăng trầm làng ngựa


Loanh quanh về làng Phú Lễ (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, Phú Yên), làng nuôi ngựa một thời tấp nập, giờ chỉ còn trong ký ức người đứng tuổi. Thế nhưng tôi được hướng dẫn đến gặp anh em ông Thái Văn Sáu – Thái Văn Út (ở thôn Phước Lộc 2, Hòa Thành) vẫn còn giữ nghề buôn ngựa. Điện thoại, ông Sáu thì đang đi Trà Kê để chọn mua ngựa, ông Út thì đang chăn ngựa ngoài đồng.

Bà Đặng Thị Leo (mẹ ông Út) mơ màng: “Hồi trước, dân mình hay kình con “đồ lông nhông như ngựa Phú Yên!”. Đi đâu cũng gặp ngựa làm ăn đủ chuyện, làng nào ở Phú Yên cũng nuôi ngựa bầy. Đàn ông, đàn bà đều cưỡi ngựa, như người ta đi Honda bây giờ. Hồi trước thì tải hàng ra trận, sau giải phóng (1975) ngựa vùng này vẫn còn dùng nhiều trong việc kéo lương thực cho các kho nhà nước. Rồi kéo gỗ, vật liệu cát nhà, xây kênh mương, chở khách, chở hàng ra chợ… tất tần tật đều dùng ngựa.

Thế rồi các loại xe cộ cứ cạnh tranh, thay dần xe ngựa…”. Cũng chưa xa, ngã ba Phú Lâm (Tuy Hòa) từng được gọi là Ngã ba Xe Ngựa, ngược lên Hòa Bình thì có Xóm Ngựa, qua Hòa Đồng thì Bến Ngựa; bến xe cạnh chợ Tuy Hòa cũng từng được gọi là Bến Xe Ngựa,… Chợt nhớ, vùng Đập Đá (An Nhơn, Bình Định), địa danh Ngã ba Bến Xe Ngựa vẫn còn ghi trên nhiều bảng hiệu.

Ở tuổi 63, ông Năm Cai đang là người chơi ngựa nổi tiếng nhất ở Phú Yên và là kỵ sĩ cao tuổi nhất trong các mùa đua gần đây. “Tết Giáp Ngọ năm nay, tui lại lên lưng ngựa đua giải Gò Thì Thùng”- ông Năm cảm khái.

Ông Út từ đồng phóng xe máy về. Hóa ra dẫu lặng lẽ một góc nhưng thị trường ngựa vẫn còn khá xôm tụ. Bởi nghề ngựa kéo, ngựa thồ, ngựa du lịch… vẫn “lắc cắc” duy trì ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ. “Làm ăn được, bởi giờ ít người buôn ngựa. Chủ yếu lúc này, anh em tui săn mua ngựa ở vùng núi trong tỉnh.

Trước đây, có mua ngựa từ Đà Lạt nhưng giá hơi cao. Mua về là có người tới coi bắt ngay”. Ông Út cho biết, vừa mua gom về hơn chục ngựa cả lớn lẫn bé, phần lớn là các giống đạm, tía, hồng,... Lúc này, ngựa nhỏ (cỡ 6 tháng tuổi) có giá khoảng 10 triệu đồng/con, ngựa từ 3 năm tuổi (chạy thồ, kéo xe được) thì từ 15 – 20 triệu đồng/con tùy tướng tá “đẹp, xấu”.

Chỉ ra chiếc thổ mộ cũ kỹ trước nhà, ông Út cho hay: “Vừa nghỉ chạy 2 năm nay. Xe tải cạnh tranh quá, nhất là loại nhỏ 1,5-2 tấn”. Thế nhưng đến những vùng bán sơn địa, miền núi Phú Yên, nghề ngựa thồ vẫn còn phổ biến. Nhà ông Năm Cai ở xã An Hiệp (Tuy An) luôn có trong chuồng 5 – 7 ngựa lớn bé, trong đó có 3 con được ưu tiên làm việc nhẹ hơn để “dưỡng phong” cho mùa đua mỗi dịp Xuân.
Hùng Phiên (Hùng Phiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem