Anh Bình mang trong mình bệnh hiểm nghèo bệnh viện trả về nhà, cùng mẹ già hơn 80 tuổi và người vợ bị ung thư 10 năm nay. Ảnh Ngô Hùng
Đến khu 3, phường Thanh Đình, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hỏi về gia đình anh Lê Quang Bình (SN 1971), không ai là không biết. Bởi lẽ, hoàn cảnh của gia đình anh đang trong cảnh bi đát, éo le hơn hết thảy mọi người xung quanh.
Chiều ngày 25.2, phóng viên Dân Việt đã có mặt tại gia đình anh Bình sống trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé, cũ kỹ thu mình trong cơn mưa phùn giá rét bên sườn đồi. Dưới ánh đèn điện công suất nhỏ leo lét hiện ra những đồ vật cũ kỹ nằm bên trong ngôi nhà.
Trên giường, anh Bình nằm yên một chỗ đắp chăn kín mít chỉ hở ra khuôn mặt hốc hác, xanh xao. Cạnh đó người vợ nhỏ bé với thể trạng yếu ớt và người mẹ già yếu hơn 80 tuổi. Điều khiến chúng tôi ám ảnh đến tận bây giờ là 3 người ngồi đó nhưnng nhìn về 3 hướng, cắn chặt môi im lặng, Hình như họ sợ nhìn vào mắt nhau sẽ không kìm được tiếng khóc.
Mang trong mình bệnh suy tim, tim thủng 3 lỗ, sơ gan, suy thận, phổi khô… bệnh viện mới trả về nên sức của anh khá yếu ớt.
Khi được hỏi về hoàn cảnh hiện tại, anh Lê Quang Bình im lặng hồi lâu, đưa tay lên vuốt ngực cho dễ thở rồi mới bật ra từng tiếng khó nhọc. Qua câu chuyện, số phận éo le của gia đình anh dần được hé mở.
Ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh Bình, nơi chứa đựng những nỗi khốn khổ, bi đát. Ảnh Ngô Hùng
Theo đó, khoảng năm 1992, anh kết hôn với chị Đinh Thị Tuyết, một người con gái ở địa phương có cùng hoàn cảnh là nghèo khó. Năm 1994, anh chị sinh đứa con gái đầu lòng trong niềm vui sướng với một ước muốn là cố gắng nuôi con được ăn học thành người.
“Có con, hai vợ chồng đều động viên nhau cùng cố gắng, chồng đi làm thợ xây còn tôi thì buôn bán lặt vặt. Do chịu khó, gia đình cũng gọi là bớt khó khăn, ngay cả khi có thêm 2 cậu con trai sinh năm 1997 và 2002. Nhưng cuộc sống ai biết trước được chữ ngờ…”, đưa tay lên gạt nước mắt, chị Đinh Thị Tuyết dừng câu chuyện giữa chừng vì những tiếng nấc.
Cũng theo chị Tuyết, cuộc sống gia đình chị đang dần ổn định, con cái được đi học đầy đủ, ngôi nhà cấp bốn vừa xây dựng xong thì năm 2007, chị được bác sỹ chuẩn đoán và cho biết chị bị ung thư vú.
“Nhận được thông báo, dù rất lo lắng, nhưng tôi vẫn động viên vợ yên tâm chữa bệnh. Dù vất vả, cật lực kiếm tiền, nhưng do bệnh tình nặng, chuyển biến xấu, di căn sang cả cánh tay nên số tiền chạy chữa lớn. Vay mượn, bán hết vật dụng trong gia đình cũng không đủ. Biết rằng không được học hành tới nơi tối chốn, cuộc đời của các con cũng chẳng khác bố mẹ là mấy nhưng vì hoàn cảnh tôi đành để cho 3 đứa con phải nghỉ học giữa chừng”, anh Bình giọng trầm hẳn xuống khi kể.
Vợ bị ung thư 10 năm, chồng lại bị bệnh viện trở về. Ảnh Ngô Hùng
Vợ 10 năm bị bệnh, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, mỗi tháng phải xạ trị 2 lần ở viện K, gia cảnh của gia đình anh Bình cũng vì thế mà càng bi đát. Nhưng số phận nghiệt ngã chưa dừng lại ở đó, sau một thời gian thấy khó thở, năm 2016, đi khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, kết quả như sét ngang tai cho biết anh bị bệnh suy tim nặng.
“Khi bác sỹ cho biết bị bệnh nặng, tôi thấy mọi thứ trước mắt mình chỉ là màu tối tăm, không còn một tia sáng. Đặc biệt, bệnh của tôi ngày càng chuyển biến xấu, không vay mượn được ở đâu nữa, gia đình đành phải thế chấp ngôi nhà mà gia đình đang sinh sống. Hiện số tiền vay nợ đã lên hơn 160 triệu đồng”, anh Bình tâm sự.
Số tiền vay mượn, thế chấp nhà để vay ngân hàng dùng để chạy chữa trọng bệnh cho 2 vợ chồng chỉ thời gian ngắn đã hết veo. Mấy đứa con đi xách vữa, đi phụ điện nước đều phải ứng tiền trước để dành tiền chữa bệnh cho bố mẹ chẳng thấm vào đâu, nhà còn con lợn nái cũng cầm tiền của người ta chờ ngày đến bắt.
“"Tôi sống được chỉ tính bằng ngày nhưng còn đó bao điều day dứt khi người vợ bị ung thư đang phải xạ trị, mẹ 80 tuổi già yếu và 3 đứa con không có công ăn việc làm ổn định. Nhà chắc cũng bị ngân hàng thu vì không còn ai trả nợ", anh Bình thều thào nói.
Đơn thuốc của bệnh viện đưa cho, nhưng vì không đủ tiền nên gia đình chỉ mua được khoảng 1 nửa, hết số thuốc này anh Bình có thể phải dừng hẳn liệu trình. Ảnh Ngô Hùng
Chị Tuyết vợ anh Bình cũng cho biết, gia đình khó khăn là vậy, nhưng từ năm 2015 đến nay, không hiểu chính quyền xét duyệt thế nào mà lại cắt mất chính sách hộ nghèo. Dù tiền hỗ trợ hộ nghèo cũng không đáng là bao, tuy nhiên, được thêm chút hỗ trợ nào là tốt chút đó.
“Hôm 23.2 vừa rồi, bệnh viện cho chồng tôi về nhà điều trị theo đơn thuốc. Bác sỹ cũng nói uống thuốc sẽ giúp bệnh nhân còn cầm cư được. Tuy nhiên, do thuốc đắt, 2 loại thuốc mỗi loại 30 viên, mỗi viên 600.000 đồng, gom hết tiền tôi cũng chỉ mua được một nửa số thuốc đó. Hết số thuốc này, nếu không được hỗ trợ hay vay mượn được ai, chắc cũng phải dừng liệu trình điều trị thôi”, chị Tuyết ôm mặt khóc.
Mọi sự hỗ trợ anh Lê Quang Bình xin gửi về:
Báo Nông Thôn Ngày Nay - Số tài khoản: 1506311002117
Tại: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Tây Hồ (Hà Nội)
Xin ghi rõ: "Hỗ trợ gia đình anh Lê Quang Bình (khu 3, Thanh Đình, TP.Việt Trì, Phú Thọ)"
Hoặc chuyển trực tiếp đến gia đình Lê Quang Bình tại địa chỉ trên.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.