Một mùa bơ với những trái tròn tròn, bổ ra là một màu vàng óng đan lẫn màu xanh lá, mịn màng từng thớ mỏng như một lớp sáp đầy cuốn hút. Và tôi biết, cái hương vị thanh bùi, man mác đắng mà đậm sệt thơm thơm ấy chắc chắn đã phải đánh đổi bằng công sức của biết bao người, như những con người nhỏ bé ở chân vùng đất bazan ở Lâm Hà, Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng) mà tôi từng sống cách đây nhiều năm ấy.
Bơ sáp Lâm Đồng.
Đó là một vạt đồi bạt ngàn bơ. Có cây tuổi đời chừng nửa thế kỷ bên cạnh những cây chỉ mới trồng được một vài năm nhưng cứ sau tết là chúng đậu bông, kết nụ rồi cho trái. Bắt đầu từ cuối tháng Năm đầu tháng Sáu, những trái non ấy đã lớn dần, chuẩn bị cho một mùa bơ sắp tới.
Với những người dân ở ngay chân đèo Pren này, bơ gần như là một đặc sản, là cây trồng chính của mọi nhà. Tuy nhiên, không riêng gì vùng đất Lâm Đồng mà gần như khắp cả dải đất Tây Nguyên bạt ngàn kia, cây bơ cũng đều có đất sinh sôi, nảy nở.
Nhớ lần đi lên miền thượng, khi qua khỏi đèo, những trái bơ khuất trong tán lá mà phải quan sát thật kỹ mới thấy khiến chúng tôi vô cùng thích thú. Ở đó, dưới gốc bơ, những người lớn thì hái trái còn những đứa trẻ nhỏ, cứ nô đùa dưới gốc cây cùng vài trái bơ sáp trong tay, vừa ăn vừa cười thích thú. Tuổi thơ của chúng, cũng như những trái bơ kia vậy. Vừa đậm đà lại vừa phảng phất một chút đăng đắng của cái nghèo xơ xác vùng bán sơn địa này.
Bơ được bán nhiều ở thành phố hiện nay.
Được biết, cũng như nhiều vùng đất đỏ bazan khác, bơ ở Lâm Đồng cũng luôn mang vị béo ngậy, dẻo quanh đặc trưng. Những trái bơ cầm thì nhẹ tênh mà ăn thì chắc mịn như một trong những đặc sản độc đáo của vùng thung lũng xen lẫn núi đồi này. Có lẽ, chỉ khi cắn đến ngập chân răng những trái bơ đầu mùa người ta mới hiểu và thấy nhớ cái vị bơ sáp nơi đây.
Có một gia đình nông dân ở Đơn Dương đã tâm sự cùng tôi. Mỗi năm, mùa bơ chỉ có một lần, kéo dài chừng 3 tháng là hết. Đó cũng là khoảng thời gian hạnh phúc trong năm của gia đình và sáu đứa con nhỏ của chị. Ngoài những trái bơ đậm đà, chúng có thêm quần áo mới, những bữa cơm nó, cũng từ những trái bơ ấy. Rồi, như một thói quen, một tập quán ngàn đời còn sót lại của vùng rừng núi này, họ thường không giữ được tài sản trong nhà mà tiêu tốn cho nhiều việc không tên khác để khi mùa bơ đi qua, cái đói nghèo lại ập xuống. Những người cha, người mẹ lại hối hả lên rừng, xuống suối kiếm đủ mọi thứ có thể ăn được cho đám trẻ và mong chờ một mùa bơ sang năm.
Ngồi ở một góc khuất, nhìn những trái bơ phía bên kia đường, tôi đang hình dung ra niềm hạnh phúc của những đứa trẻ nơi vùng đồi đất hoang vu dưới chân đèo Pren nơi ấy. Bây giờ, mới chớm màu bơ nên chắc chắn chúng, những đôi mắt treo veo ấy đang được hưởng những tiếng cười, niềm vui ngây thơ. Và tôi chợt hi vọng những mùa bơ cứ kéo dài mãi hoặc đơn giản hơn, những con người lam lũ nơi ấy biết chắt chiu, toan tính hơn một chút trong cuộc sống để những trái bơ nhỏ bé không chỉ thơm hương với cuộc đời mà còn là cả với những đứa trẻ, chủ nhân trong một ngày không xa của những nương đồi bạt ngàn bơ nơi ấy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.