Những tiếng kêu, tiếng hò cổ vũ “rét…rét...” vang động khắp nơi khiến người lớn cũng phải lại gần xem trò chơi tuổi thơ tưởng chừng như đã mai một.
Chọi dế, trò chơi tuổi thơ đầy hấp dẫn!. (Ảnh: BCT)
Nhìn các cháu chăm chú hăng say với trò chơi này, ký ức tuổi thơ trong tôi chợt ùa về như một khúc phim quay chậm về những kỷ niệm thời ấu thơ lúc còn ở dưới quê. Mỗi khi hè đến, anh em tôi được về quê ngoại và cùng các bạn nơi đây qua cồn bắt dế.
Những bãi đất cát ven sông mầu mỡ ở quê tôi quanh năm được các cô, cậu làm rẫy, khi tỉa hạt xong phải phủ rơm lên. Và đây là những chỗ trú ngụ lý tưởng cho lũ dế (dế than, dế lửa,…). Mỗi khi nghe tiếng gáy của lũ dế vang lên, bọn chúng tôi liền xông xuống những liếp rẫy, rồi tinh nghịch lấy tay tốc rơm ra bới dế. Chẳng may chủ ruộng bắt gặp liền quát mắng, thế là chúng tôi “vắt giò lên cổ” mà chạy. Tưởng rằng thoát nạn, nhưng chiều đó khi về nhà ăn cơm xong liền bị những trận đòn roi do má đánh vì bị “mắng vốn”. Nhưng “chứng nào tật nấy” cũng vẫn không chừa!...
Có được những con dế trong tay, tôi quí hơn vàng, mỗi khi đi ngủ để hộp dế trên đầu giường để nằm nghe tiếng gáy. Sau đó tôi tuyển chọn những con dế hăng chiến nhất, sung nhất để tỉ thí thử sức, con nào thắng sẽ cho vào một hộp riêng và có những thức ăn đầy đủ (cỏ non, dưa leo, giá sống,…) và mang đi thách đấu với các bạn trong xóm.
Ấn tượng trong tôi nhất vẫn là con dế than toàn thân màu đen trũi, 2 càng mụ mẫm bóng loáng, tiếng gáy mãnh liệt có độ vang rất lớn. Những con như thế, tôi đặt tên là “võ sĩ than hầm”. Mỗi khi tỉ thí với đối thủ chỉ cần nhe hai bàn nạo (hàm răng) sắc nhọn, tiếng gáy “rét… rét” vang lên là đối thủ “xếp re” tìm đường chaỵ trốn. Chính “võ sĩ than hầm” này làm tôi nổi tiếng trong xóm vì đã lập nhiều chiến công hiển hách, mang lại cho tôi nhiều chiến lợi phẩm là những võ sĩ bại trận (đá bắt xác).
Tiếng lành đồn xa, một hôm có thằng Tí ở cuối xóm có con dế lửa (toàn thân dế có màu vàng) đem đến rủ rôi xin tỉ thí. Trước khi vào trận, Tí tỏ vẻ là người sành sỏi đá dế, trước hết cậu ta nhổ sợi tóc trên đầu, xếp đôi và đưa tay vào hộp bắt dế, đưa sợi tóc móc vào một càng dế rối quay vòng vòng làm cho dế say (chóng mặt) nổi khùng rồi bỏ vào hộp. Dùng cây ráy (làm bằng tăm nhang, trên đầu có quấn mấy sợi tóc) se se nơi đầu dế (nơi 2 sợi râu) làm cho dế tức giận nhe 2 hàm răng gáy to lên đi tìm đối thủ. Khi nghe tiếng gáy lạ, con than hầm của tôi không sợ sệt mà hùng dũng thẳng tiến tới và nhe hai hàm răng xung trận. Sau vài giây giằng co, con than hầm hút con lửa văng xa và thua cuộc, cu Tí lủi thủi xách hộp dế ra về trong tâm trạng buồn thiu…
Một hôm, mở hộp ra cho thêm thức ăn cho dế, tôi sững sờ thấy con “võ sĩ than hầm” nằm yên bất động trong hộp. Một nỗi buồn đâu đó tràn ngập trong tôi. Tôi nhớ mãi, nhớ mãi con than hầm uy nghi, hùng dũng và xem nó như một người bạn thân thiết trong những ngày hè ở quê. Tôi báo tin với ngoại, con “võ sĩ than hầm” đã qua đời. Ngoại vuốt đầu tôi an ủi: ”Đây là vòng đời ngắn ngủi của một sinh vật, là qui luật của tự nhiên, không ai tránh khỏi được cả, cháu a!. Lớn lên, cháu sẽ cảm nhận được điều đó!”. Tôi chỉ biết cúi đầu im lặng và trên đôi mắt rưng rưng hai giọt lệ!...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.