Bắc cung Hoàng hậu nhà Tây Sơn là ai mà đến nay vẫn còn nghi vấn về cuộc đời, cái chết của bà?

Thứ bảy, ngày 23/12/2023 14:00 PM (GMT+7)
Nguyễn Huệ không chỉ say mê sắc đẹp, đạo hạnh của công chúa Lê Ngọc Hân (con gái 16 tuổi trăng tròn của vua Lê Hiển Tông) mà rất trọng thị tài năng của nàng về văn chương, nhạc họa, những hiểu biết về thời cuộc, về tình hình Bắc Hà mà ông cần nắm vững.
Bình luận 0

Tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), chủ tướng Tây sơn là Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc diệt nhà Trịnh. Ngày 26 tháng này, Nguyễn Huệ vào bệ kiến vua Lê Hiển Tông. 

Nhà vua tiếp đãi ân cần trọng thị, vài ngày sau, ngài thiết lễ đại trào ở điện Kính Thiên chính thức đón tiếp vị tướng Tây sơn giúp triều Lê đánh đổ nhà chúa lộng quyền, biến các vua Lê chỉ là bù nhìn. 

Hôm sau, vua ban chiếu phong Nguyễn Huệ làm Nguyên soái, Phù chính dực vận Uy quốc công. Nguyễn Huệ rất bất bình cái chức tước hão trên. Nhưng nhờ mỹ nhân kế của mưu sĩ Nguyễn Hữu Chỉnh nên Nguyễn Huệ rất vui lòng cưới cô công chúa cưng mới 16 tuổi, tài sắc bậc nhất trong số công chúa chưa chồng của vua Lê Hiển Tông.

Nguyễn Huệ không chỉ say mê sắc đẹp, đạo hạnh của công chúa Lê Ngọc Hân mà rất trọng thị tài năng của nàng về văn chương, nhạc họa, những hiểu biết về thời cuộc, về tình hình Bắc Hà mà ông cần nắm vững.

Năm 1789, đánh tan quân xâm lược nhà Thanh, chủ tướng Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín trốn về Bắc quốc, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, phong bà vợ họ Phạm người cùng ấp Quy Nhơn, chị cùng mẹ khác cha của Thượng thư Bùi Văn Nhất và Thái sư Bùi Đắc Tuyên làm chính cung hoàng hậu. 

Bà có 3 con trai, Nguyễn Quang Toản được phong Thái tử, sau nối ngôi, tức hoàng đế Cảnh Thịnh, 2 hoàng tử em ruột Quang Toản là Quang Thùy và Quang Bàn đều được phong chức tước cao. Công chúa Ngọc Hân được phong Bắc cung hoàng hậu.

Bắc cung Hoàng hậu nhà Tây Sơn tức công chúa Lê Ngọc Hân sinh cho vua Quang Trung 2 con là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Ngọc.

Bắc cung Hoàng hậu nhà Tây Sơn là ai mà đến nay vẫn còn nghi vấn về cuộc đời, cái chết của bà? - Ảnh 1.

Đền Ghềnh thờ công chúa Lê Ngọc Hân (Bắc cung Hoàng hậu nhà Tây Sơn) có tên chữ là “Thiên Quang linh từ”, ở ngay mép sông Hồng, gần cầu Chương Dương, trước thuộc thôn Ái Mộ, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 2, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.

Tuy nhiên, cái chết của bà và 2 người con nhỏ, còn nhiều nghi vấn. Trước kia có một số nhà nghiên cứu cho rằng vua Gia Long sát hại 3 mẹ con Bắc cung Hoàng hậu triều Tây Sơn Lê Ngọc Hân.

Nhưng giáo sư Trần Quốc Vượng phủ nhận hoàn toàn thuyết nà: tại Hội thảo khoa học về nhà Nguyễn tháng 8 - 1996 tại thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư căn cứ vào sách Đi tìm lăng mộ Quang Trung của Nguyễn Bắc Xuân, thơ văn Phan Huy ích, Gia phả họ Nguyễn Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền…để khẳng định: sau khi vua Quang Trung mất (1792), để tránh sự kỳ thị của phe Thái sư Bùi Đắc Tuyên, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã ra ở chùa Tiên gần lăng mộ Quang Trung. 

Công chúa Lê Ngọc Hân qua đời năm 1799, hai con bà mất năm 1801. Gia phả còn cho biết, Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, thông qua con gái thứ Lê Ngọc Bình, trước lấy vua Nguyễn Quang Toản triều Tây Sơn; khi Nguyễn Ánh (Gia Long) hạ thành Phú Xuân say mê sắc đẹp công chúa đã lấy làm vợ, xin di táng mộ công chúa Ngọc Hân và 2 con về quê Phù Ninh an táng và xây mộ phần. 

Vua Gia Long đồng ý. Mãi đến thời Thiệu Trị (1840 - 1847), có tên cường hào tranh giành ngôi thứ với họ Nguyễn đem tố cáo với quan trên nên ngôi “mả ngụy” Ngọc Hân bị đào lên quẳng xuống sông Hòng, rồi dạt vào làng Ghềnh, huyện Gia Lâm. Dân làng vớt lên mai táng, lại lập đền thờ. Tương truyền rất thiêng.

Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng đồng tác giả sách Các triều đại Việt Nam(tái bản lần thứ 8, Nxb Thanh niên, 2005), Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi, họ ngoại chuyên quyền, nội bộ triều Tây sơn lục dục rồi mất. Công chúa Ngọc Hân và 2 con phải đổi tính danh sống lẫn với dân chúng ở Quảng Nam. 

Không lâu sau, bị phát hiện và bị bắt, Ngọc Hân uống thuốc độc quyên sinh, 2 con bị thắt cổ chết, đó là năm Kỷ Mùi (1799) khi bà mới 29 tuổi… 

Được tin…. Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền thuê người vào Quảng Nam lấy trộm được xác 2 con và 2 cháu ngoại đem về mai táng tại làng, rồi dựng miếu thờ. 

Gần 50 năm sau, dưới thời Thiệu Trị miếu bị đổ nát. Một ông tú người làng Nành nhớ công ơn Chiêu nghi họ Nguyễn đó quyên tiền tu sửa ngôi miếu. Không ngờ có tên phó tổng cùng làng vốn thù riêng với ông tú đã cất công vào Huế tâu vua về việc thờ “ngụy Huệ”. 

Bắc cung Hoàng hậu nhà Tây Sơn là ai mà đến nay vẫn còn nghi vấn về cuộc đời, cái chết của bà? - Ảnh 2.

Chùa Kim Tiên ở Huế xưa là phủ của công chúa Lê Ngọc Hân – Bắc cung Hoàng hậu nhà Tây Sơn.

Triều đình Huế liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu, quật 3 ngôi mộ, vứt hài cốt xuống sông. Ông tú kia bị trọng tội, Tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Đăng Giai cũng bị giáng chức. Phần chú thích về năm mất của công chúa Ngọc Hân, hai soạn giả có dẫn Quốc sử di biêncủa Phan Thúc Trực (1): Lê Ngọc Hân mất năm Giáp Tý (1804) tại quê mẹ làng Phù Ninh.

Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế trong Từ điển nhân vật Việt Nam cũng cho rằng công chúa Ngọc Hân mất năm 1799, được vua Nguyễn Quang Toản nhà Tây Sơn “truy tôn miếu hiệu là Như ý trang thận trinh nhất Võ hoàng hậu”.

Chúng tôi đối chiếu với Quốc sử di biên thấy, Phan Thúc Trực chép khác:

“Năm Bính Dần (1806) tháng 5: Công chúa nhà cựu Lê là Ngọc Hân tạ thế - Nguyên năm Bính Ngọc (1786) niên hiệu Cảnh Hưng, vua Lê gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Đến khi nhà Tây Sơn mất, công chúa lui về ở quê mẹ là làng Phù Ninh. Tại đây, công chúa từ trần. Kẻ hàng thần nhận chức quan tại huyện Đông Ngàn xin làm tang lễ cho cố công chúa, nhà vua chấp thuận. Dân làng Phù Ninh làm từ đường thờ cố công chúa”.

Như vậy, công chúa Ngọc Hân mất năm 1806, chứ không phải 1799 như cố giáo sư Trần Quốc Vượng và Quỳnh Cư - Nguyễn Đức Hùng ghi công chúa mất tại quê mẹ, chứ không phải ở Phù Xuân hay Quảng Nam. 

Còn việc tổng đốc Nguyễn Đăng Giai bị giáng chức do trong hạt mình có “mả ngụy” Tây Sơn cũng không phù hợp với truyện Nguyễn Đăng Giai trong Đại Nam liệt truyện,quyển 13, mục thứ III.

Ông là con cả công thần Nguyễn Đăng Tuân, năm 1820 đỗ cử nhân làm quan trong triều ngoài trấn: Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Ninh, năm 1840 làm quyền tổng đốc Ninh Thái. Năm 1848, thăng Hiệp biện Đại học sỹ về kinh giữ chức Thượng thư Bộ Hình. 

Suốt thời gian Thiệu Trị, Nguyễn Đăng Giai không hề bị kỷ luật, trái lại năm 1844, vua cho ông thực thụ chức tổng đốc Sơn Hưng Tuyên. 

Vua Thiệu Trị tặng thêm một cấp trác dị và các hạng kim tiền, nhẫn ngọc, lại cho một tập thơ vua sáng tác có đóng bìa vàng, hộp gấm để làm gia bảo. Các soạn giả liệt truyện ca ngợi công lao, tài cán, đức độ Nguyễn Đăng Giai hết lời, chỉ chê ôgn là nhà nho mà mê đạo Phật dựg chùa lớn Báo Ân (2) ở Hà Nội, phí nhiều của cải, mê hoặc lòng người.

Tóm lại, về ngày mất, nơi mất, lý do mất của công chúa Ngọc Hân còn tồn nghi, nhưng đóng góp cho nền văn học dân tộc của bà thì giới nghiên cứu đều đánh giá cao tác phẩm Ai tư vãnvì bà là nhân chứng lịch sử có điều kiện trực tiếp chứng kiến diễn tiến lịch sử từ khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, đại phá quân Thanh, 6 năm ở ngôi hoàng đế, nhất là tài năng đức độ, vị anh hùng dân tộc.

Chú thích:

1/ Phan Thúc Trực (1808 - 1852), người huyện Yên Thành, Nghệ An, ông, cụ, cố nội đều đỗ cử nhân triều Lê, ông đỗ Đình Nguyên Thám hoa năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) làm quan ở Viện Hàn lâm, Viện tập hiền sung chức Kinh diên khởi cư chú. Năm Tự Đức thứ 4 (1851), vâng lệnh ra Bắc sưu tầm sách cũ còn sót lại. Năm 1852, trên đường về kinh mắc bệnh qua đời, được truy tặng Hàm thị Độc học sĩ. Như vậy, ôgn chuyên làm việc ở Viện Nghiên cứu, có điều kiện tiếp xúc với sử, sách của triều đình lại làm quan suốt thời Thiệu Trị liên quan đến công chúa Ngọc Hân.

2/ Chùa Báo Ân, nay chỉ còn một tháp nhỏ ở Hòa Phong bên bờ Hồ Gươm.

Tài liệu tham khảo:

1/ Phan Thúc Trực , Quốc sử di biên, tập Thượng, Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1973.

2/ Quốc sử quán triều Nguyễn Đại Nam chính biên liệt truyện,Bản dịch T3, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 1993.

3/ Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu và Việt Nam thi văn hợp tuyển, Trung tâm học liệu, Bộ Giáo dục, Sài Gòn 1973.

4/ Phan Huy Ích , Dụ am ngâm lục, Bản dịch của Ban Hán Nôm. UBKHXH, H. 1978.

5/ Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm, Quang Trung - Anh.

Vusta.vn (Cổng TTĐT Hội LH các Hội KH&KT Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem