Mùa tựu trường: Lo bệnh tay chân miệng lây chéo

Thứ tư, ngày 17/08/2011 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công việc cấp bách đầu năm học mới ở nhiều địa phương là kiểm soát dịch bệnh tay chân miệng (TCM), không để tấn công vào trường học. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn làm đối phó...
Bình luận 0

Ông Trần Thanh Dương - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Tuy số ca mắc bệnh TCM có dấu hiệu giảm trong tuần thứ hai của tháng 8 với 2.287 ca mắc, và chỉ bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, song tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhất là vào mùa tựu trường tới đây.

Chính vì vậy, Cục Y tế dự phòng đã sẵn sàng lên cơ chế để ứng phó với những diễn biến mới, ngay cả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát và lan rộng ra cả các tỉnh phía Bắc”.

Trường lo, phụ huynh bối rối

Trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành ngày 19.7, khẳng định, bệnh TCM có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và thực tế có nhiều trường hợp trẻ trên 5 tuổi, thậm chí 11 tuổi cũng mắc bệnh TCM. Mùa tựu trường không chỉ bệnh TCM mà các bệnh khác có thể bùng phát do trẻ vẫn bị lây chéo. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh bối rối khi hỏi về việc phòng bệnh cho con.

img
Học sinh một trường tiểu học ở Hà Nội mùa đồ ăn bán dạo trước cổng trường - rất dễ lây nhiễm nhiều loại bệnh tật.

Anh Nguyễn Văn Huy đến đón con tại Trường Tiểu học Dương Minh Châu, quận 10 (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi cũng có nghe nói về bệnh TCM, biết là nguy hiểm vì rất dễ lây lan và có thể tử vong nhưng trẻ con thì phải đi học, khi nào nghe nhà trường thông báo có dịch sẽ tính”.

Theo khuyến cáo của nhiều bác sĩ, trường học với lượng học sinh tập trung đông đúc nếu không phòng bệnh đúng cách sẽ dễ lây lan dịch. Nhiều trường tiểu học trên địa bàn thành phố cũng đã nhanh chóng bắt tay vào việc phòng chống dịch, tuy nhiên việc này cũng chỉ làm theo mùa, kinh phí cũng có hạn.

Thầy Nguyễn Văn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lâm, quận 6 cho biết: “Trường đang phòng chống dịch theo kinh nghiệm rút ra từ các lần chống cúm, sốt xuất huyết chứ cũng chưa có văn bản chính thức nào về hướng dẫn phòng chống bệnh TCM trong trường học. Ngoài ra, thuốc khử trùng cũng không có nên cũng chưa biết xoay xở thế nào”. Tuy nhiên, cũng có tín hiệu mừng khi các trường đều tăng cường việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ra vào lớp, nước tẩy rửa để lau sàn theo hướng dẫn trên các báo…

Vẫn “chỉ đạo trên giấy”

Không quyết liệt như TP.HCM, tại Hà Nội, dù ngành y tế đã có văn bản nhưng các trường vẫn đủng đỉnh. Bà Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Mọi hoạt động chuẩn bị cho mùa tựu trường, chúng tôi đã chuẩn bị xong. Kế hoạch phòng bệnh TCM, trường cũng thực hiện theo như các công văn hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội. Tuy nhiên, giờ vẫn chưa thấy Sở hỗ trợ các vật dụng để tăng cường cho hoạt động phòng bệnh nên chúng tôi phải chờ”.

Tại Bình Dương vừa có thêm 1 trẻ em chết vì bệnh tay chân miệng (ở thị xã Thủ Dầu Một), nâng số ca tử vong ở tỉnh này lên 8. Trung tâm Y tế dự phòng cho biết toàn tỉnh đã có 1.256 ca bệnh tay chân miệng.

Ông Lê Quy Giao - Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở GDĐT Hà Nội cho biết: “Sở đã có công văn yêu cầu trường học thông báo kịp thời về học sinh có biểu hiện mắc bệnh TCM để kịp thời xử lý. Trẻ mắc bệnh, có thể để các cháu nghỉ học ít nhất 10 ngày để điều trị. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh thì cho cả lớp đó nghỉ học 10 ngày để hạn chế bệnh lây lan”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về cơ số thuốc khử trùng và hướng dẫn các trường, ông Giao khẳng định đó là việc của ngành y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem