Mua xăng dầu về tích trữ dùng dần có vi phạm pháp luật?
Bảo Linh
Thứ hai, ngày 21/02/2022 15:51 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi tích trữ xăng dầu dù không nhằm mục đích kinh doanh vẫn là trái quy định của pháp luật. Hành vi này có thể bị xử lý hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như Dân Việt thông tin, từ 15h hôm nay (ngày 21/2/2022), mỗi lít xăng tăng 960 đồng, đánh dấu lần tăng giá thứ năm liên tiếp từ đầu năm.
Sau điều chỉnh, liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21/2 là 25.530 đồng một lít (tăng 960 đồng); RON 95 là 26.280 đồng một lít (tăng 960 đồng).
Trước đó, nhiều người có tâm lý mua tích trữ xăng dầu. Hành vi tích trữ xăng dầu không phải kinh doanh có vi phạm pháp luật?
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Thế Anh - Công ty luật XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho biết: "Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 sửa đổi bổ sung 2013 quy định sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm.
Do vậy, hành vi tích trữ xăng, dầu dù nhằm mục đích kinh doanh hay không nhằm mục đích kinh doanh vẫn là hành vi trái quy định của pháp luật".
Xăng dầu là hàng dễ cháy, nổ nếu không có hệ thống lưu cất quy chuẩn. Do đó, việc tích trữ mặt hàng này phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC), nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Với trường hợp việc tích trữ xăng dầu lại không đảm bảo các điều kiện an toàn gây ra cháy nổ, thiệt hại đến người và tài sản thì ngoài bị xử phạt hành chính, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
Tích trữ xăng dầu bị xử phạt thế nào?
Về xử phạt hành chính, theo Khoản 4 Điều 32 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Thứ nhất, người có hành vi tàng trữ xăng dầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy", theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tuỳ theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy thể bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù.
Khung hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù, trong trường hợp: Làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 05 năm.
Thứ hai, đối với hành vi tích trữ số lượng lớn xăng, dầu nhưng không bán ra ngoài cho người tiêu dùng nhằm mục đích chuộc lợi, gây ảnh hưởng tới cộng đồng thì có thể bị xử lý hình sự về "Tội đầu cơ" theo quy định Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá có giá trị từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc bán lại để thu lời bất chính từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 - 60.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khung hình phạt cao nhất bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm trong trường hợp hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên; hoặc thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; hoặc tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt từ 300.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động một số lĩnh vực nhất định, thậm chí là bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.