Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, phần lớn những người nông dân tiêu biểu này đều đến sân bay rất sớm (10 giờ bay nhưng các nông dân đã đến lúc 7 giờ 30 phút) và vô cùng phấn khởi, hãnh diện về những thành tích mà mình cố gắng đạt được trong thời gian qua.
Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng (ấp Long Hưng, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đã đến sân bay sớm nhất. Bà Hồng chia sẻ niềm vui: “Nhận được thông báo từ Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tôi được chọn là nông dân xuất sắc, tôi rất vui mừng và khoe với bạn bè, hàng xóm. Tôi rất hãnh diện với huyện nhà của mình. Thời gian tới, tôi sẽ tích cực học hỏi, mở rộng quy mô vườn quýt hồng và cam xoàn - mô hình đã giúp tôi được tôn vinh”.
Nông dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến sân bay Cần Thơ từ rất sớm
Nông dân Võ Trung Thành (nông dân xuất sắc ở tỉnh Hậu Giang) xem thời gian khởi hành trên vé máy bay
Ông Hồ Ba Phiêu (khu Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) chia sẻ: “Tôi cũng rất vui mừng vì đại diện cho nông dân giữa trung tâm ĐBSCL đi ra Thủ đô. Chuyến đi này tôi sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị, nhiều cách làm ăn mới về phục vụ cho việc sản xuất và bán lúa giống của mình. Hiện tôi có 12 ha diện tích trồng lúa giống nhưng trong năm 2015 tôi sẽ mở rộng thêm 100ha, nâng số lượng giống cung cấp lên 1.000 tấn/vụ”.
Các nông dân xuất sắc trao đổi danh thiếp với nhau
Còn ông Nguyễn Hoàng Liệt (ấp bình Quới, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) – nông dân xuất sắc với mô hình trồng xoài và sản xuất dưa chua từ xoài non thì có nguyện vọng: “Tôi mong rằng khi ra Hà Nội sẽ gặp được nhiều đồng nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, được học hỏi và bổ sung thêm được nhiều kiến thức mới hơn. Ngoài ra, tôi còn muốn gặp được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói lên nhiều nguyện vọng cụ thể, sát thực từ người dân tỉnh An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung”.
Trao đổi về việc sản xuất, lai tạo giống lúa
Đoàn đại biểu nông dân xuất sắc vùng ĐBSCL làm thủ tục tại sân bay
Khi được hỏi về suy nghĩ của mình khi được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014, ông Nguyễn Văn Tính (ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) với mô hình lai và chọn tạo giống lúa thông tin: “Đầu tiên tôi rất cám ơn lãnh đạo các cấp, các đơn vị tổ chức chương trình này. Tôi cũng như ông Liệt, muốn gặp được lãnh đạo của đất nước, nói lên trăn trở bấy lâu nay của dân. Đó là vấn đề được mùa mất giá, làm cho người dân chúng tôi đứng ngồi không yên trong thời gian qua. Tôi hy vọng, các cấp lãnh đạo sẽ có biện pháp khắc phục tình trạng trên để giúp cho người dân có thêm thu nhập”.
“Trong thời gian tới, riêng bản thân tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu lai và chọn tạo ra nhiều giống lúa cho năng suất cao hơn, đặc biệt là chống chịu được phèn, mặn ở khu vực vùng ven biển. Tôi cũng mong có được sự hỗ trợ từ Nhà nước trong công tác lai tạo của mình về kỹ thuật cũng như về nguồn vốn” – ông Tính nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.