Theo ông, các biểu tượng văn hoá cần thiết cho đời sống chúng ta như thế nào?
- Biểu tượng văn hoá rất cần thiết cho đời sống đương đại, làm phong phú cho cuộc sống tinh thần mỗi người: Hiểu được các chiều kích của đời sống tâm linh, nghệ thuật của cha ông, những gì mà cha ông gửi gắm tâm hồn vào từng nét hoa văn, từng khối tượng tròn, từng ngôi chùa làng...
|
PGS.TS Trịnh Sinh (đứng thứ 4 từ trái sang) trong một cuộc khai quật khảo cổ học tại Quảng Ngãi tháng 1-2011. |
Biểu tượng văn hoá còn giúp các nhà nghiên cứu, hoạ sĩ có những "vốn" khai thác di sản ngàn năm, giúp các nhà quản lý văn hoá, các nhà khoa học hiểu được bản sắc dân tộc ta là gì để mà duy trì bản sắc đúng là của... dân tộc, tránh mọi sự lai căng, bắt chước trong thời buổi hội nhập nhanh chóng mà vẫn nên giữ bản sắc.
Như những gì chúng tôi thấy thì hệ thống biểu tượng văn hoá phần lớn tập trung ở địa bàn nông thôn?
- Đúng thế, hệ thống biểu tượng văn hoá phần lớn thể hiện ở địa bàn nông thôn, nông nghiệp và nông dân vì nước ta có nền nông nghiệp trồng lúa nước đã hàng ngàn năm. Các đình chùa miếu mạo ở Thăng Long, chẳng hạn cũng nhiều khi là di dời hoặc “chép” từ theo "nguyên mẫu nào đó" ở làng quê của mình. Ví dụ các đình của phố cổ là do người các làng nghề ở các tỉnh quanh Hà Nội di dân ra mà lập lại mái đình xưa ở chốn thị thành.
Ông và GS Biền đã phải lao động, khai thác các nguồn tư liệu và khảo sát thực tế như thế nào?
Năm 2010, PGS.TS Trịnh Sinh còn viết cuốn "Hà Nội thời Hùng Vương - An Dương Vương". Cuốn "Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc" đang in, sắp xong. Cả hai cuốn sách này ông đều tự dịch các phần cốt yếu ra tiếng Anh.
- Chúng tôi phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" khi đi điền dã suốt hơn 40 năm qua cũng như khai thác khá nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước. Chúng tôi cùng học một lớp: Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ra trường năm 1971 và "làm nghề" từ bấy đến nay.
Nói về chuyện lao động, thì dường như ẩn trong mỗi trang sách đều lấp lánh các hạt muối đọng từ những giọt mồ hôi của các tác giả. Chúng tôi chỉ dám tự hào là đã lao động hết mình, còn tự tác phẩm sẽ nói lên và độc giả sẽ đánh giá.
Thực tế là hầu như chỉ các nhà khoa học mới có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu cặn kẽ về các biểu tượng, còn người dân thì ít có cơ hội hiểu điều đó. Ông có ý tưởng nào giúp mọi người?
- Chúng tôi dựa vào người dân khá nhiều nên mới có kiến thức để hiểu các biểu tượng văn hoá. Bên cạnh tham khảo thư tịch, vốn cổ của dân khá phong phú, nhận thức của họ truyền miệng ngàn đời cũng giúp các nhà khoa học hiểu hơn cha ông.
Ví dụ, biểu tượng cóc trên trống đồng thì chính người dân đúc kết: "Con cóc là cậu ông trời" - cóc giúp kêu gọi trời mưa - mối liên hệ biểu tượng cóc trên trống là cầu mưa; biểu tượng phồn thực trên các cặp trai gái trên trống Đào Thịnh cũng chính là giải mã qua các lễ hội Nõ Nường, ông Khiu bà Khiu, trò Trám...
Trong tương lai, hai ông có kế hoạch gì cho việc tiếp tục nghiên cứu các biểu tượng ở các địa phương khác?
- Hiện chúng tôi mới giải mã các biểu tượng ở Hà Nội là chính nhưng cũng dựa trên nền tảng của văn minh Việt trên địa bàn cả nước để tham khảo. Hy vọng, nếu có dịp sẽ giải mã các biểu tượng của các địa bàn khác tiếp theo.
Ví dụ các biểu tượng văn hoá cổ ở đất Tổ, văn hoá Chăm ở miền Trung, Khmer, các dân tộc ít người… Nhưng, cũng còn một vấn đề khác nữa, ngoài khoa học: Chỉ Hà Nội mới dám "chi" cho các nhà khoa học một khoản kinh phí đủ để bỏ công sức nhiều mà tổng kết vấn đề. Còn thì... chưa tỉnh nào làm được điều đó. Mà nếu tự bỏ tiền ra in sách, thì các nhà khoa học chỉ có cách... đi tu mà viết sách thôi (cười)!
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Thi (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.