Hái dừa cũng phải có chuyên môn mà muốn đăng ký người vào Bến Tre hái dừa cũng không được

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 29/07/2021 17:57 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T về những khó khăn trong việc thiếu hụt lao động thu hoạch nông sản phục vụ chế biến tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19” do Bộ NNPTNT tổ chức chiều 29/7.
Bình luận 0

Lưu thông được gỡ thì thiếu lao động thu hoạch, vận chuyển nông sản, thiếu shipper

Tại Diễn đàn, đại diện Sở NNPTNT một số tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho biết, sau khi có sự vào cuộc của Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT, Tổ công tác của Bộ Công Thương, nhiều vấn đề trong khâu lưu thông nông sản đang được tháo gỡ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cái khó của nhiều địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp hiện nay là thiếu lực lượng lao động thu hoạch, vận chuyển nông sản, shipper vì vướng nhiều quy định phòng chống dịch.

Ông Châu Tiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, hiện tỉnh đã thu hoạch được 40% diện tích lúa hè thu với sản lượng dự kiến vụ này đạt 800.000 tấn. Tổ phản ứng nhanh của tỉnh đã kịp thời gỡ rối khiến việc lưu thông, vận chuyển khá ổn định.

Muốn người dân ngồi yên trong nhà phải cho shipper hoạt động - Ảnh 1.

Nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội gặp khó khi thiếu nhân công thu hoạch nông sản. Trong ảnh: Nông dân huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) thu hoạch nhãn. Ảnh: Nha Mẫn.

"Tuy nhiên, cái khó của địa phương hiện nay là việc tiêu thụ lúa gặp khó khăn do thương lái không thể đến thu mua, khâu thu hoạch cũng đang vướng vì nhiều nơi nông dân không được ra đồng nên thiếu lao động trầm trọng. Nếu không giải quyết kịp thời có thể làm đứt gãy vụ thu đông, ảnh hưởng đến nguồn cung lúa gạo" - ông Thọ nói. 

Đây cũng là trăn trở của đại diện Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng. Tại Sóc Trăng, nhiều loại trái cây và lúa hè thu đang vào cao điểm thu hoạch nhưng hiện tại ghe, thương lái rất khó vào Sóc Trăng mua lúa cho bà con. 

"Đề nghị các tỉnh trong khu vực khi có giấy giới thiệu của Sở NNPTNT thì tạo điều kiện cho ghe thu mua lúa gạo đi qua các tỉnh" - đại diện Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng kiến nghị. 

Trong khi đó, Hợp tác xã Mỹ Thạnh (Thủ Thừa, Long An) lại đang gặp khó với quy định giờ giới nghiêm không được ra đường sau 18 giở ở TP.Hồ Chí Minh.

Đại diện hợp tác xã cho biết, sau khi được Tổ công tác 970 của Bộ NNPTNT kết nối, hợp tác xã đã ký được đơn hàng 100 triệu đồng với siêu thị ở Đồng Nai, tiếp đó là nhiều đơn hàng trị giá 50 - 250 triệu đồng ở các địa phương, mỗi ngày hợp tác xã đang cung ứng 15 - 20 tấn rau, củ và đã có những nhóm hàng thiếu cục bộ. 

Tuy nhiên, quy định 18 giờ không được ra đường ở TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương khiến hợp tác xã vô cùng khó trong vận chuyển. 

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cũng đang gặp khó khăn này. Ông Tùng cho biết, đội ngũ công nhân thu hoạch  của công ty đi từ 6 giờ sáng, qua được các chốt kiểm soát để đến được trang trại có khi cũng gần trưa, làm được một lúc lại lo về trước giờ giới nghiêm.

"Mỗi ngày chúng tôi chỉ làm được 20 – 30% công suất trong khi trái cây tươi phải cân ngay sau thu hoạch. Tôi đang lo sắp tới thu hoạch nhãn ở Cần Thơ mà cứ quy định như thế thì không biết làm thế nào. Chúng tôi kiến nghị gia hạn cho đội thu hoạch được đi sớm hơn và đội sản xuất đi trễ hơn chẳng hạn" - ông Tùng nói.

Đáng chú ý, để duy trì việc thu hoạch, công ty của ông đăng ký "3 tại chỗ" nhưng nhiều nơi không tiếp nhận. Như tại Bến Tre, công ty đăng ký 30 nhân sự hái dừa áp dụng "3 tại chỗ" nhưng không được.

"Hái dừa cũng phải có chuyên môn chứ không phải ai cũng làm được. Dù chúng tôi đảm bảo công nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả âm tính, đảm bảo "1 cung đường 2 địa điểm" nhưng cũng không được. Nếu không duy trì sản xuất thì nguy cơ mất thị trường nên chúng tôi rất lo" - ông Tùng nêu một thực tế.

Thiếu shipper khó duy trì cung ứng

Đó là kiến nghị của đại diện nhiều siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm ở các tỉnh phía Nam.

Đại diện một siêu thị ở Đồng Nai cho biết, qua sự kết nối của Tổ công tác 970, hàng hóa cho siêu thị đã rất dồi dào nhưng đơn vị lại đang gặp khó trong việc bảo đảm nguồn nhân lực và đội ngũ giao hàng.

"Nhân viên bán hàng, giao hàng siêu thị cứ 3 ngày phải xét nghiệm một lần, chờ đợi mất cả buổi, trong khi khách hàng đặt online nhiều do họ không được ra khỏi nhà thì lực lượng shipper lại không được hoạt động" - đại diện siêu thị này nói. 

Muốn người dân ngồi yên trong nhà phải cho shipper hoạt động - Ảnh 2.

Shipper đi giao hàng trên địa bàn TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đây cũng là kiến nghị của bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam. Bà Hậu cho biết, ở Hà Nội, các siêu thị được duy trì một lượng shipper nhất định để vận chuyển hàng hóa nhưng do nhu cầu của người dân lớn nên thường xuyên chậm đơn hàng, quá tải. 

Trước nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, siêu thị, ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các tỉnh, thành phố đang tự làm đứt gãy chuỗi cung ứng bằng những quy định không thống nhất. 

"Dù yêu cầu thực hiện Chỉ thị 15 hoặc 16 nhưng Chính phủ cũng giao cho các tỉnh linh hoạt tùy từng địa phương để áp dụng, ví dụ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương thuộc vùng đỏ thì cần thiết phải siết chặt nhưng những nơi khác thì vừa áp dụng nghiêm các điều kiện phòng chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo cho lưu thông hàng hóa" - ông Tuấn nói. 

Ông Tuấn cũng đề nghị, các địa phương nên cho đội ngũ shipper chuyên nghiệp của các doanh nghiệp bưu chính, vận chuyển lớn hoạt động và quản lý, giám sát chặt đội ngũ này vì "muốn người dân ngồi yên ở nhà thì phải cho shipper hoạt động mới đảm bảo chuỗi cung ứng".

Lấy câu chuyện tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều khi đang là điểm nóng dịch Covid-19, ông Tuấn cho rằng, các tỉnh cũng phải tạo luồng xanh cho tiêu thụ nông sản.

"Đang là điểm nóng dịch Covid-19 nhưng Bắc Giang vẫn tiêu thụ hết hàng trăm nghìn tấn vải thiều nhờ họ áp dụng cực kỳ linh hoạt nhiều biện pháp. Ví dụ, họ yêu cầu nhà cung cấp cho xe nằm vùng, ra đến cửa ngõ thì chuyển hàng, tuy giới nghiêm nhưng nông dân vẫn được đi hái vải nếu đáp ứng đủ điều kiện" - ông Tuấn nói.

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương phía Nam, từ bài học của Bắc Giang có thể giao cho Sở NNPTNT các địa phương chịu trách nhiệm ký xác nhận tính an toàn của lô hàng, xe đi đến đâu, lái xe, lô hàng an toàn với dịch Covid-19 để khơi thông những đứt gãy trong chuỗi cung ứng phía Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân, hợp tác xã chia sẻ với những khó khăn của các tỉnh phía Nam đang gặp phải, tiếp tục kết nối, tiêu thụ nông sản, hỗ trợ bà con lúc khó khăn và cũng tạo nền tảng hình thành chuỗi giá trị lâu dài.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem