Hai ngày qua, nhiều người tại TP.HCM cho biết khó tìm tài xế giao hàng hoặc đặt hàng hóa, thực phẩm thông qua dịch vụ đi chợ hộ trên các ứng dụng gọi xe công nghệ.
Khó nhận hàng trong ngày
Thông thường, chị Huỳnh Như (quận Phú Nhuận) vẫn sử dụng dịch vụ đi chợ hộ GrabMart, đặt hàng và nhận được ngay trong ngày thay vì đặt trực tiếp siêu thị, phải chờ 1-2 ngày. Nhưng hôm nay, hầu hết siêu thị từ Co.opmart, Co.opFood, Big C trên nền tảng GrabMart đều tạm ngưng nhận đơn.
Chị Như chọn được một cửa hàng thực phẩm thay thế để mua rau và thịt nhưng mãi vẫn không tìm được tài xế.
Khó tìm siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên ứng dụng GrabMart. Ảnh chụp màn hình.
Ghi nhận của Dân Việt cũng cho thấy, từ trưa, nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên Grab, Now đã tắt chế độ nhận đơn. Các nhà bán lẻ cũng cho biết, khi đơn hàng online tăng cao, chưa xử lý kịp các đơn hàng cũ, siêu thị, cửa hàng sẽ chủ động tắt để giải quyết các đơn hàng mà khách đã đặt.
Chiều 27/7, đại diện siêu thị Emart (quận Gò Vấp) cho biết đơn online đang quá tải nên sẽ đóng luân phiên để điều tiết lưu lượng. Khách hàng nên tải ứng dụng để được tự động cập nhật thời gian mở nhận đơn trở lại.
Emart cũng thông báo điều chỉnh khu vực giao hàng, chỉ giao trong nội quận Gò Vấp thay vì toàn TP.HCM như trước.
Để giải quyết các đơn hàng cũ, Aeon Việt Nam cũng tạm dừng hoạt động các kênh mua sắm online như mua hàng qua điện thoại, ứng dụng Aeon, Grab, Now…
Tại Aeon Tân Phú, từ ngày 7/7 đến nay, nhu cầu mua trực tuyến của người dân tăng cao đột biến, chỉ riêng kênh bán hàng qua điện thoại, số lượng đơn mới mỗi ngày tăng 500%.
Đại diện Aeon cho biết ngay từ sáng 26/7, quy định giảm mật độ lưu thông trên đường và siết các biện pháp giãn cách xã hội nên doanh nghiệp gặp khó trong tìm kiếm shipper giao hàng.
Một số hệ thống siêu thị khác cũng cho biết việc hạn chế đi lại giữa các quận khu vực nội thành TP.HCM, shipper chỉ hoạt động tại một quận huyện khiến nhiều shipper tắt ứng dụng, hạn chế nhận đơn. Điều này khiến các đơn hàng đến tay người dân cũng chậm hơn. Shipper của các sàn thương mại điện tử cũng gặp khó khi kho và đơn hàng của khách nằm tại nhiều quận khác nhau.
Đề xuất gỡ tắc đơn hàng online
Theo các nhà bán lẻ, với quy định tạm ngưng hoạt động từ 18h đến 6h sáng hôm sau, việc nhập hàng về kho cũng như đưa lên kệ cho ngày hoạt động tiếp theo khá khó khăn. Ngoài ra việc soạn đơn hàng online chậm hơn, dù nhu cầu tăng cao.
Đại diện Aeon cho biết doanh nghiệp rất mong các Sở ngành và UBND TP.HCM xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện để hàng hoá, thực phẩm được lưu thông phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân trong giai đoạn này.
Đồng thời, đề xuất, đối với nhân viên thuộc các hệ thống bán lẻ, có thể xem xét ban hành cơ chế cho phép đội ngũ nhân viên của hệ thống phân phối di chuyển thuận lợi qua các khu vực chốt kiểm soát, đảm bảo công việc được duy trì để phục vụ nhu cầu của người dân.
Các ứng dụng gọi xe công nghệ cũng cho biết để tài xế không quá lo lắng về việc có thể bị phạt khi ra đường thời điểm này, hãng đã thông báo các việc cần phải làm để tuân theo quy định mới của UBND TP.HCM.
Theo đại diện Grab, ngay hôm nay, hãng đã hướng dẫn tài xế làm thẻ đeo cứng, hãng cấp mã QR Code (có chức năng hiển thị đầy đủ các thông tin về shipper, phương tiện, địa chỉ công ty, nơi cư trú của shipper, giao hàng, người đặt hàng, lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu; chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển…). Ngoài ra, còn làm đeo băng tay nhận diện shipper, giới hạn mỗi tài xế hoạt động tại một quận ở TP.HCM.
Theo các ứng dụng, do gấp rút nên bước đầu có gặp một số trở ngại như in ấn, nguyên liệu băng đeo không phải hàng thiết yếu nên khó kết nối cung cấp. Nhưng trước mắt, các hãng vẫn tăng cường kết nối để hỗ trợ tài xế hoạt động theo đúng quy định trong mùa dịch.
Để giải tỏa khó khăn cho Tiki, Lazada, Shopee... Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đề xuất xây dựng cơ chế cho thương mại điện tử, cần có chỉ đạo cụ thể về một điểm tập trung nhận hàng để đảm bảo việc giao vận và quy tắc an toàn phòng chống dịch.
Cục đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 xây dựng phương án cụ thể duy trì hệ thống giao nhận thương mại điện tử. Trong trường hợp cần thiết, cần lập điểm tập kết hàng hóa cho thương mại điện tử ngay tại các khu cách ly tập trung hoặc các khu vực cư dân bị phong tỏa.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các phương án trên sẽ giúp cơ quan quản lý được nhân viên giao nhận hàng thông qua các sàn. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân, hạn chế việc người dân ra đường và giảm áp lực đối với hệ thống phân phối truyền thống trong bối cảnh dịch bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.