1. Ngồi suốt ngày
Người ta dành quá nhiều thời gian để ngồi, từ làm việc, ăn uống đến xem tivi. Các nghiên cứu khác nhau cho thấy ngồi nhiều là nguy cơ dẫn đến bệnh cao huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh tim và ung thư, tăng nguy cơ tử vong sớm.
Để giảm bớt nguy cơ, có đề nghị cách làm việc đứng, nhưng một nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí khoa học Ergonomics tháng qua cho thấy giải pháp này lại “tạo ra sự khó chịu, giảm bớt các phản ứng tinh thần, không tốt cho sức khoẻ và làm giảm năng suất lao động”. Giải pháp trung dung, theo Alan Taylor, chuyên gia vật lý trị liệu của đại học Nottingham (Anh quốc), là cứ sau mỗi giờ làm việc hãy đứng lên 10 phút để đi bộ tới lui.
2. Lệ thuộc điện thoại di động
Có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ khoá điện thoại di động để khỏi phải sử dụng trong vòng 60 phút? Dường như đây là điều không dễ làm vì con người thời nay ngày càng lệ thuộc vào những tiện ích mà điện thoại đi động mang lại.
Ước tính có đến khoảng 3 tỷ người trên thế giới online trên mạng xã hội và thường xuyên bỏ ra hai giờ mỗi ngày để gửi tin nhắn, ấn nút like, chia sẻ và cập nhật tin tức trên mạng xã hội. Các nghiên cứu đã chứng minh việc “lậm” mạng xã hội như facebook liên quan đến tình trạng lo âu, căng thẳng, tụt cảm xúc và trầm cảm.
Sal Raichbach, bác sĩ tâm thần lĩnh vực cai nghiện của trung tâm điều trị Ambrosia (Mỹ) nói: “Khi để mạng xã hội ám ảnh, người ta thường có cái nhìn lệch lạc về thế giới và sức khoẻ tâm thần sẽ bị tác động mạnh mẽ”. Raichbach khuyên xoá bỏ các ứng dụng mạng xã hội hoặc giấu vào một thư mục trên điện thoại để ít “ngó ngàng” đến chúng.
3. Ngủ không đủ
Thiếu ngủ có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khoẻ như cao huyết áp, đái tháo đường, trầm cảm, bệnh tim, béo phì, hiện tượng viêm tổn thương mô. Ngoài ra, một buổi tối ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến hoạt động não bộ, khiến năng suất làm việc giảm và phản ứng chậm chạp khi lái xe. Tại Mỹ, mỗi năm có hơn 100.000 vụ đụng xe và 1.500 ca tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến mệt mỏi do thiếu ngủ.
Thiếu ngủ làm giảm năng suất làm việc. Ảnh: TLCG
Để có một giấc ngủ tốt, các chuyên gia khuyên thực hành một số biện pháp thư giãn trước khi lên giường như tắm, tránh cà phê và rượu vài giờ trước khi đi ngủ, sử dụng nệm và gối nằm phù hợp. Một bí quyết khác là đi ngủ đúng giờ, ngay cả vào dịp cuối tuần. Pat Perryman, hiệu trưởng đại học điều dưỡng Carrington Colle (Mỹ) nói: “Chu kỳ ngủ đều đặn sẽ tạo ra một thói quen cho não bộ, từ đó cơ thể sẽ lấy lại năng lượng và khả năng tự chữa bệnh”.
4. Vệ sinh bàn chải đánh răng kém
Nhiều người xem thường bàn chải đánh răng vì nó nhỏ bé và không có vai trò đáng kể trong cuộc sống. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Lauren Aber, đại học Quinnipiac (Mỹ), công bố vào năm 2015 tại hội nghị thường niên của hội Vi sinh Mỹ, cho thấy dụng cụ làm sạch răng này là trung gian tiềm năng phát tán các mầm bệnh.
Aber nói: “Khi xả bồn cầu, vi khuẩn, ký sinh trùng trong phân người có thể bay theo không khí và bám vào bàn chải. Mối lo ở đây là nhà vệ sinh càng dùng chung cho nhiều người, bàn chải đánh răng càng nhiều nguy cơ nhiễm mầm bệnh của người khác. Khi dùng bàn chải, người ta vô tình đưa chúng vào trong người mình”. Để giải quyết, Chris Kammer, sáng lập viện Sức khoẻ răng miệng Mỹ, đề nghị không nên phơi bày bàn chải đánh răng ra ngoài trời trong buồng tắm.
Một sai lầm khác là cho người khác dùng chung bàn chải đánh răng, vì như thế các mầm bệnh có thể truyền qua lại. Cũng không nên dùng bàn chải quá lâu. Theo hiệp hội Nha khoa Mỹ, nên thay bàn chảy đánh răng sau mỗi 3 – 4 tháng và thay lập tức khi lông bàn chải bị hư. Nên đánh răng mỗi tối, đặt bàn chải xa nhau để không lây nhiễm chéo nếu để nhiều bàn chải chung một chỗ.
5. Không rửa tay sạch
Dù là việc làm đơn giản, nhưng không nhiều người có thói quen rửa tay với xà phòng trước và sau khi thực hiện một số hoạt động quan trọng. Theo ước tính của bộ Y tế Việt Nam, tỷ lệ người dân rửa tay với xà phòng trước khi ăn chỉ đạt 23% và sau khi đi vệ sinh là 36%.
Rửa tay với xà phòng dưới vòi nước sạch đang chạy giúp phòng ngừa nhiều bệnh. Ảnh: TLCG
Trong thực tế rửa tay sạch là một trong những bước quan trọng để tránh bệnh và truyền mầm bệnh cho người khác. Nhiều căn bệnh và vấn đề sức khoẻ bộc phát chỉ vì người ta không rửa tay với xà phòng dưới vòi nước sạch đang chảy.
Theo cơ quan Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, rửa tay sạch còn là cách để giảm bớt sử dụng kháng sinh và phòng ngừa tình trạng kháng kháng sinh. Bởi rửa tay có thể ngừa 30% bệnh liên quan đến tiêu chảy và 20% nhiễm trùng hô hấp, những bệnh mà không cần lạm dụng kháng sinh.
Châu Giang (Thế giới tiếp thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.