Mối lo ngại trên được đưa ra sau khi công ty Trung Quốc Huawei Marine - một chi nhánh của "gã khổng lồ" Huawei - công bố nỗ lực để giúp phát triển một dự án cáp internet mới dưới biển. Hai nguồn tin nói với Reuters rằng giá thầu của Huawei Marine thấp hơn tới "hơn 20%" so với các đối thủ khác trong dự án. Các nhà phân tích cho rằng công ty này đang ở thế mạnh để giành được hợp đồng phát triển ít nhất một phần của dự án.
Các quan chức ở Washington đã cảnh báo các quốc đảo ở Thái Bình Dương rằng, Huawei Marine sẽ bị Bắc Kinh yêu cầu "bắt tay" với các cơ quan tình báo của Trung Quốc, các nguồn tin cho biết thêm.
Việc phát triển mạng lưới cáp dưới biển - được gọi là dự án Cáp Đông Micronesia - chủ yếu sẽ liên quan đến việc thúc đẩy mạng lưới thông tin liên lạc của ba quốc đảo Thái Bình Dương - Nauru, Liên bang Micronesia (FSM) và Kiribati. Dự án được Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng hỗ trợ dự án này.
Tuy nhiên, dự án này được cho là cũng sẽ được liên kết với một cáp ngầm dưới biển có tên HANTRU-1 được sử dụng bởi chính phủ Mỹ cũng như căn cứ quân sự Guam ở Thái Bình Dương.
Chính phủ FSM nói rằng họ đang thảo luận với các đối tác song phương trong dự án và "một số đã đề cập nhu cầu đảm bảo cáp không ảnh hưởng đến an ninh khu vực".
Một phát ngôn viên chính phủ Nauru cho biết hồ sơ dự thầu đang được kiểm tra và các bên liên quan đang giải quyết "các vấn đề kỹ thuật, hành chính" để đảm bảo tiến độ dự án mà không cần trình bày chi tiết.
Trong khi đó, các nguồn tin cho biết Kiribati, quốc đảo thứ ba tham gia dự án, xem việc Huawei Marine tham gia đấu thầu là có lợi. Quốc đảo này năm ngoái cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để ủng hộ Trung Quốc. Chính phủ Kiribati hiện từ chối bình luận chính thức về vấn đề này.
Các công ty khác đã nộp hồ sơ dự thầu để phát triển dự án bao gồm công ty Alcatel Submarine Networks của Pháp và NEC của Nhật Bản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.