Mỹ- Triều Tiên: Cuộc chạy đua răn đe đầy kịch tính

Lư Phổ Ân Thứ năm, ngày 01/06/2017 15:00 PM (GMT+7)
Những biểu hiện bề ngoài này đều tạo cảm nhận là căng thẳng ở khu vực, đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục gia tăng, nguy cơ xảy ra chiến tranh chưa thuyên giảm.
Bình luận 0

img

Các hệ thống phóng rốc-két đa nòng của Triều Tiên trong một đợt tập trận. Ảnh Reuters.

Trong những ngày vừa qua, Triều Tiên lại liên tiếp phóng tên lửa, phóng loại tên lửa mới với công năng mới, lúc phóng về phía Nga, khi hướng về phía Nhật Bản. Mỹ đưa thêm tàu sân bay đến, di chuyển tàu cũ đi, thử nghiệm đánh chặn tên lửa ở Thái Bình Dương, tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản ở khu vực, tiếp tục triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (Thaad) trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Những biểu hiện bề ngoài này đều tạo cảm nhận là căng thẳng ở khu vực, đối đầu giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục gia tăng, nguy cơ xảy ra chiến tranh chưa thuyên giảm. Cả LHQ lẫn G7 đều có những tuyên bố hay động thái gia tăng áp lực đối với Triều Tiên. Cuộc khẩu chiến công khai giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn rất quyết liệt. Dù vậy, nguy cơ bùng phát đụng độ quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên ở khu vực này không còn nhãn tiền như đã từng có thể thấy trước đó. Không thể không thấy hai bên đã và vẫn đang dàn binh bố trận tỏ ra luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tấn công và phản công, cho đối phó với bị tấn công và trả đũa.

Nguyên do nằm ở hai khía cạnh. Thứ nhất, Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa nhưng không thử hạt nhân. Không phải phóng tên lửa mà thử hạt nhân của Triều Tiên mới là "lằn ranh đỏ" mà Mỹ đã tự đặt ra cho mình trong cuộc xung đột này. Có nghĩa là nếu Triều Tiên lại thử hạt nhân thì Mỹ không thể không hành động nếu như không muốn bị tổn hại về thể diện, bị coi là mất mặt và yếu thế trước Triều Tiên. Mỹ sẽ phải lựa chọn hình thức và mức độ phản ứng quân sự thích hợp cho dù thật ra không có nhiều sự lựa chọn. Mặt khác, nếu Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên trước thì Triều Tiên chắc chắn không chỉ trả đũa mà còn sẽ tiếp tục thử hạt nhân. Hay nói theo cách khác, cả hai phía hiện đều biết rất rõ giới hạn của nhau và của chính mình. Bên này biết bên kia muốn gì và hành xử như thế nào khi một trong hai bước qua "lằn ranh đỏ" của chính mình hay của bên này đặt ra cho bên kia.

Lý do thứ hai là cả hai bên đều đang tập trung chơi con bài răn đe lẫn nhau, bên này răn đe bên kia để không bị buộc phải hành động như bước qua "lằn ranh đỏ" này. Chẳng phải thế sao khi Mỹ đưa thêm tầu sân bay đến khu vực và vội vã triển khai hệ thống Thaad trên lãnh thổ Hàn Quốc. Mỹ đã vì đối phó Triều Tiên mà chuyển sang tranh thủ Trung Quốc, thể hiện rõ ràng "trọng Trung Quốc" mà "khinh EU và Nato", thậm chí còn bất chấp cả G7. Triều Tiên phóng loại tên lửa mới thì Mỹ thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa. Triều tiên không chỉ phóng tên lửa mà còn thử nghiệm cả hệ thống phòng không mới và cho triển khai trên khắp đất nước. Bên nào cũng chủ ý phô trương tiềm lực quân sự của mình, cũng đều úp mở còn có nhiều con chủ bài khác, đều hàm ý cho phía bên kia thấy "vỏ quýt dầy có móng tay nhọn". Bên này tung chiêu mới thì bên kia cho thấy luôn khả năng đối phó. Họ răn đe lẫn nhau nhằm cùng mục đích là ngăn cản xô đẩy lẫn nhau đến chỗ không còn dư địa để lùi, để không phải hành động với rủi ro rồi không còn kiểm soát được tình hình nữa. Hai bên đang làm cuộc chạy đua răn đe lẫn nhau.

Chủ ý này của hai bên cũng còn ẩn hiện ở việc họ vẫn để ngỏ cửa cho đối thoại, tức là vẫn không loại trừ hoàn toàn giải pháp chính trị cho vấn đề. Khó khăn ở chỗ bên này vẫn còn đặt điều kiện tiên quyết cho bên kia mà bên nào chấp nhận thì cũng đều bị coi là yếu thế và mất thể diện. Cái nghịch lý ở đây là vấn đề càng khó và càng thêm nhạy cảm, khẩu chiến và doạ dẫm lẫn nhau càng quyết liệt thì khả năng xảy ra đụng độ vũ trang lại không vì thế mà tăng theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem