Bên lề hội nghị G20 ở Argentina ngày 1.12 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump nhất trí sẽ giữ mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD mà không tăng lên 25% như dự kiến vào ngày 1.1.2019.
Tuy nhiên, về phần mình, Trung Quốc cũng đồng ý mua "một lượng rất lớn" các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng từ Mỹ để giảm bớt sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước, vốn lên đến 375 tỷ USD hồi năm ngoái.
Thời hạn quá tham vọng
Việc hai bên tạm thời đình chiến trong 90 ngày đã để lại những vấn đề khó khăn nhất cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Thời hạn 90 ngày đồng nghĩa là hai bên phải đạt được thỏa thuận vào tầm 1.3.2019, ngay trước kỳ họp Quốc hội hàng năm của Trung Quốc. Đây là thời điểm các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh rất cảnh giác với việc nhượng bộ các nước khác.
Một số chuyên gia cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được “thỏa thuận đình chiến thương mại” trong cuộc gặp Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Argentina, động thái được đánh giá là giúp tháo gỡ những “nút thắt” khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào đối đầu suốt nhiều tháng qua.
Mỹ - Trung đạt thỏa thuận đình chiến thương mại
Tuy nhiên, việc Mỹ và Trung Quốc ngưng chiến 90 ngày chỉ là bước đi tạm thời giữa 2 cường quốc này.
Để đạt được thỏa hiệp lâu dài, Trung Quốc ngoài việc cải thiện thương mại với Mỹ còn phải đáp ứng một số điều kiện như chấm dứt việc ăn cắp bản quyền và mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ vào Trung Quốc một cách tự do thoải mái. Đây là hai việc khó khăn đối với Trung Quốc. Chính vì vậy, nhiều khả năng sau 90 ngày đình chiến, cuộc chiến thương mại sẽ tiếp tục leo thang và thậm chí căng thẳng sẽ lớn hơn hiện tại nhiều lần.
Cuộc chiến thuế quan tạm dừng là tín hiệu tốt nhưng sẽ không thay đổi xu hướng va chạm căn bản giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai.
Đặc biệt, xung đột thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần do Trung Quốc xuất siêu lớn vào Mỹ. Sâu xa hơn, đây là cuộc cạnh tranh chiến lược để giữ vị trí siêu cường số 1 của Mỹ. Vì thế, cuộc chiến sẽ khó dừng sau một vài đợt đàm phán.
Theo tính toán, cứ 100 tỷ USD đánh thuế trong xung đột thương mại, kinh tế thế giới giảm 0,14% tăng trưởng và thương mại giảm 4%. Đây là nguyên nhân dự báo kinh tế 2019 sẽ "không đẹp như năm 2018".
Mỹ - Trung đình chiến, Việt Nam không được hưởng lợi?
Theo phân tích của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cuộc chiến thương mãi Mỹ - Trung, về cơ bản 2 nước mới chỉ ngừng chiến chứ không phải chấm dứt hoàn toàn. Sau 90 ngày Mỹ hoàn toàn có khả năng tăng lên toàn bộ hàng áp thuế hoặc tăng từ mức thuế 10% lên tới 25% đối với hàng hóa của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa rằng, bức tranh xuất nhập khẩu hiện nay của Việt Nam về bản chất là chưa có gì thay đổi.
Tuy nhiên, BVSC cũng nhấn mạnh, “Việt Nam vẫn phải tính đến khả năng cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang khi đó một số mặt hàng của chúng ta cũng có khả năng được lợi nhưng chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn đó là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam để xuất sang Mỹ sẽ gia tăng gây bất lợi cho Việt Nam”.
Hoạt động xuất nhập khẩu chịu tác động 2 chiều từ cuộc chiến thương mại
Cùng quan điểm, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng thừa nhận, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động rất mạnh tới Việt Nam do đây là 2 đối tác thương mại lớn nhất ở cả hai chiều. "Việt Nam lâm vào thế lưỡng nan khi xu hướng tác động cả tích cực, tiêu cực đều rất mạnh", ông Thiên nhận xét.
Một góc nhìn khác, một chuyên gia kinh tế cho rằng có chiến tranh thương mại thì Việt Nam vừa được lợi vừa bị hại nhưng khi không có chiến tranh thương mại thì những cái ảnh hưởng tiêu cực sẽ ít đi nhưng cái được lợi của Việt Nam cũng sẽ không còn gì nữa.
"Ví dụ như dòng vốn FDI giữa Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch từ Mỹ sang các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Nếu như bây giờ không có chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung thì sẽ không có sự chuyển dịch này nữa, và Việt Nam sẽ không được hưởng lợi từ dòng vốn này nữa. Thực tế, nền kinh tế của Việt Nam vẫn là nền kinh tế có sự phụ thuộc lớn vào dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nên đây sẽ là thiệt thòi”, vị chuyên gia này phân tích.
Ngoài ra, cơ hội chuyển hướng thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường ngoài Trung Quốc cũng sẽ không nhiều nếu như Mỹ và Trung Quốc đi tới thỏa thuận “ngưng chiến lâu dài”. Tuy nhiên, việc ngưng chiến lâu dài rất khó xảy ra.
Bài toán nông sản
Để đạt được thỏa thuận “ngưng chiến”, Trung Quốc cũng đồng ý mua "một lượng rất lớn" của Mỹ trong đó có sản phẩm nông sản.
Theo nhìn nhận từ BVSC, việc thu mua nông sản của Trung Quốc theo thỏa thuận giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ không tác động nhiều tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bởi mặt hàng nông sản Trung Quốc thu mua của Mỹ sẽ chủ yếu là đậu tương. Trong khi đó, đậu tương lai không nằm trong nhóm hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, công ty chứng khoán SSI
Còn theo tính toán của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, công ty chứng khoán SSI, trong vài tháng trở lại đây một số mặt hàng nông sản như đậu nành, ngô, lúa mì… là những mặt hàng chế biến thức ăn chăn nuôi xu hướng tăng trong cán cân nhập khẩu của Việt Nam. Điều này lý được lý giải chính là do việc Trung Quốc không thu mua những mặt hàng nông sản này từ Mỹ do chính sách thuế cao Mỹ đang áp dụng đối với Trung Quốc đã khiến cho giá những mặt hàng này đi xuống, tạo điều kiện thu mua cho các quốc gia khác trong đó có Việt Nam.
Cũng không loại trừ khả năng, Trung Quốc thu mua những mặt hàng này thông qua Việt Nam và chuyển về Trung Quốc nhằm trốn thuế.
“Hiện nay Mỹ là 1 trong số những cường quốc có lượng nông sản như đậu nành, ngô… lớn. Việt Nam chúng ta cũng nhập khẩu nhiều mặt hàng này để chế biến thức ăn chăn nuôi. Một khi chiến tranh thương mại leo thang, người chăn nuôi trong nước sẽ hưởng lợi và ngược lại ” ông Linh nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.