Myanmar trải qua ngày đẫm máu nhất kể từ sau đảo chính
Myanmar trải qua ngày đẫm máu nhất kể từ sau đảo chính
Minh Nhật
Thứ năm, ngày 04/03/2021 10:35 AM (GMT+7)
Ít nhất 38 người đã thiệt mạng ở Myanmar trong ngày mà Liên Hợp Quốc (LHQ) mô tả là "ngày đẫm máu nhất" kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra một tháng trước.
Đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener cho biết, đã có những thước phim gây sốc từ Myanmar khi quân đội đàn áp người biểu tình đẫm máu. Ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong ngày chết chóc nhất 3/3 kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra một tháng trước.
Hai thiếu niên 14 và 17 tuổi, nằm trong số những người thiệt mạng, tổ chức Save the Children cho biết. Một thiếu nữ19 tuổi cũng nằm trong số những người thiệt mạng.
Một tình nguyện viên y tế nói với hãng tin AFP ở Myingyan rằng, có ít nhất 10 người đã bị thương ở đó.
"Họ bắn hơi cay, đạn cao su và đạn thật. Họ không phun vòi rồng vào chúng tôi để cảnh báo chúng tôi giải tán, họ chỉ xả súng", một người biểu tình trong thành phố chia sẻ với Reuters.
Trong khi đó, bà Schraner Burgener cho biết, ít nhất 50 người đã thiệt mạng "và nhiều người khác bị thương" kể từ khi cuộc đảo chính ở Myanmar bắt đầu.
Bà cho biết đã có một video gây sốc cho thấy cảnh sát đánh đập một đội y tế tình nguyện không vũ trang. Một video khác cho thấy một người biểu tình bị bắn và có thể đã bị giết chết trên đường phố, Đặc phái viên LHQ về Myanmar nói.
Các cuộc biểu tình hàng loạt đã nổ ra trên khắp Myanmar kể từ khi quân đội nước này tiến hành đảo chính, bắt giữ các lãnh đạo dân sự để nắm chính quyền vào ngày 1/2.
Những người biểu tình kêu gọi chấm dứt chế độ quân sự và trả tự do cho các lãnh đạo chính phủ được bầu của đất nước - bao gồm bà Aung San Suu Kyi.
Cuộc đảo chính và việc đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhưng quân đội Myanmar cho đến nay vẫn phớt lờ.
Quân đội Myanmar tuyên bố không sợ lệnh trừng phạt
Trong các cuộc trò chuyện với Phó Tổng tư lệnh Myanmar Soe Win, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, Schraner Burgener đã cảnh báo rằng quân đội Myanmar có khả năng phải đối mặt các biện pháp mạnh mẽ và cô lập từ một số quốc gia vì đảo chính.
"Ông ấy trả lời rằng: 'Chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt và chúng tôi đã sống sót", bà Burgener nói với các phóng viên ở New York ngày 3/3. "Khi tôi cảnh báo rằng họ sẽ bị cô lập, ông ấy đáp: 'Chúng tôi phải học cách đi cùng chỉ vài người bạn".
Bà Burgener cho biết thêm, Tướng Soe Win đã nói với bà rằng Myanmar sẽ tổ chức một cuộc bầu cử khác sau một năm. Lần gần đây nhất Schraner Burgener nói chuyện với ông này là vào ngày 15/2 và bà đang liên lạc với quân đội Myanmar bằng văn bản.
"Rõ ràng, theo quan điểm của tôi, chiến thuật của họ bây giờ là điều tra các lãnh đạo đảng NLD để bỏ tù họ. Cuối cùng NLD sẽ bị cấm và sau đó họ tổ chức một cuộc bầu cử mới. Họ muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đó và có thể tiếp tục nắm quyền", bà Burgener bình luận.
Bà Burgener tin rằng quân đội "rất bất ngờ" trước các cuộc biểu tình phản đối đảo chính. "Ngày nay chúng ta có những người trẻ đã sống trong tự do 10 năm, họ có mạng xã hội, có tổ chức tốt và rất quyết tâm. Họ không muốn quay trở lại chính quyền quân sự và cô lập", bà nói.
Các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu, đã thực hiện hoặc đang xem xét các biện pháp trừng phạt diện hẹp nhằm gây áp lực với quân đội Myanmar và các đồng minh kinh doanh của họ.
Sau ngày đẫm máu ở Myanmar hôm qua, Anh đã kêu gọi một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào thứ Sáu 5/3, trong khi Mỹ cho biết họ đang xem xét hành động tiếp theo chống lại quân đội Myanmar.
Các nước láng giềng của Myanmar cũng thúc giục quân đội nước này kiềm chế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên đã bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp, nhưng không lên án cuộc đảo chính vào tháng trước vì sự phản đối của Nga và Trung Quốc, những bên coi diễn biến này là vấn đề nội bộ của Myanmar.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.