Nhật Bản chính thức ủy quyền giám sát xuất khẩu loại nông sản này cho Việt Nam, nông dân đợi thời thu nghìn tỷ

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 13/05/2021 08:19 AM (GMT+7)
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), phía Nhật Bản đã chính thức ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam giám sát vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Bình luận 0

Nhật Bản chính thức ủy quyền cho Việt Nam giám sát vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật cho biết, năm nay, Nhật Bản ủy quyền việc giám sát khử trùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam.

Do đó, khi nào có hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp.

Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã đi kiểm tra và đánh giá 2 cơ sở xử lý vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài các cơ sở đã được công nhận ở Bắc Giang thì vụ vải năm nay sẽ có thêm 2 cơ sở tại Hải Dương.

Hiện, tất cả các cơ sở đều đã sẵn sàng khử trùng vải thiều phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản. Các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… ở các địa phương đều đã sẵn sàng chuẩn bị xuất khẩu vải sang các thị trường.

Đối với các doanh nghiệp, ngoài các doanh nghiệp đã từng hợp tác xuất khẩu vải trong những năm trước, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp để phối hợp với các địa phương trong việc đăng ký các mã số vùng thu mua phục vụ cho xuất khẩu.

Nhật Bản chính thức ủy quyền giám sát xuất khẩu loại nông sản này cho Việt Nam, nông dân đợi thời thu nghìn tỷ - Ảnh 1.

Vườn vải của gia đình anh Ngô Văn Cường, xã Phúc Hòa (Tân Yên, Bắc Giang) được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Báo Bắc Giang.

Đến nay, các điều kiện về vùng sản xuất vải thiều và xông hơi, khử trùng đã được chuẩn bị đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản.

Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các huyện chỉ đạo mở rộng vùng sản xuất vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với 30 mã số vùng trồng, diện tích 219,4 ha, sản lượng khoảng 1.800 tấn, thời gian dự kiến thu hoạch vải thiều xuất khẩu từ ngày 20/5 đến 10/7/2021.

Để công tác xuất khẩu vải thiều tươi sang thị trường Nhật Bản năm 2021 được thuận lợi và bảo đảm yêu cầu về thời vụ thu hoạch, Sở đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tạo điều kiện bố trí chuyên gia lên giám sát vùng trồng vải xuất khẩu, việc xông hơi, khử trùng và công tác kiểm dịch thực vật tại tỉnh Bắc Giang trong thời gian thu hoạch vải phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Được biết, năm 2020, để xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật đã phải mời chuyên gia Nhật Bản sang giám sát quy trình xử lý khử trùng vải thiều để phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản.

Sau khi chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam, đảm bảo thời gian cách ly phòng chống Covid-19 theo quy định của Việt Nam, chuyên gia đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình xử lý khử trùng vải thiều, một quy định bắt buộc khi xuất khẩu sang Nhật Bản.

Chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao dây chuyền khử trùng xử lý vải thiều của Việt Nam. 

Sau đó, những lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang đã đến Nhật Bản, và cháy hàng ngay sau khi được giới thiệu ở siêu thị dù giá lên đến 500.000 đồng/kg.

Nhật Bản chính thức ủy quyền giám sát xuất khẩu loại nông sản này cho Việt Nam, nông dân đợi thời thu nghìn tỷ - Ảnh 2.

Những quả vải thiều Việt Nam xuất hiện trên đất Nhật Bản năm 2020. Ảnh: CTV.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4/2021 ước đạt 4,45 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Kiểm dịch thực vật "bám chốt", theo dõi sát diễn biến thị trường Nhật Bản, Trung Quốc

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong khi vụ thu hoạch một số loại rau quả như vải thiều đang đến gần, để tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm, đảm bảo chuỗi cung ứng xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Trung Quốc không bị gián đoạn, Bộ NNPTNT đã có những chỉ đạo "nóng".

Theo đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế và kịp thời thông báo những thay đổi trong quy trình chống dịch của Trung Quốc ảnh hưởng đến thời gian thông quan để kịp thời xử lý. 

Bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật để hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản tránh ùn tắc tại cửa khẩu…

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị báo cáo Bộ trưởng về cuộc họp trực tuyến với một số địa phương trọng điểm, các doanh nghiệp lớn nhằm bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ quả vải, nhãn và một số rau củ quả khác tại thị trường trong nước trước tác động của dịch Covid -19.

Khẩn trương báo cáo Bộ về kế hoạch thị sát tại các tỉnh biên giới trọng điểm về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu rau quả (trước mắt tại Móng Cái, Quảng Ninh và Lạng Sơn) để nắm bắt tình hình, kịp thời có giải pháp trước tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp.

Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản có nhiệm vụ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem