Nạn bấm còi vô tội vạ ở Thủ đô, thuốc nào trị được?

Đinh Thành Trung (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) Thứ ba, ngày 07/01/2020 10:55 AM (GMT+7)
Còi xe được chế tạo với mục đích là báo hiệu sự hiện diện của xe và xin đường, nhưng hiện nay trên đường phố Thủ đô, tiếng còi xe lại thường xuyên được dùng với mục đích khác hẳn, đó là ... dẹp đường.
Bình luận 0

Bấm còi vô tội vạ

Đoạn đường từ nhà tôi ra bờ hồ độ 5 km nhưng cứ đến gần ngã tư là tiếng còi xe bỗng nhiên vang lên chát chúa liên tu bất tận. Điểm nút Điện Biên Phủ - Lê Duẩn - Trần Phú ngày nào cũng đông đúc do các dòng xe qua trung tâm liên tục lưu thông qua đây. Cũng vì thế mà người đi qua lúc nào cũng bị tra tấn bởi tiếng còi xe. Nổi bật hơn cả là tiếng còi xe ôtô.

Còi xe được chế tạo với mục đích là báo hiệu sự hiện diện của xe và xin đường, nhưng hiện nay trên đường phố thủ đô, tiếng còi xe lại thường xuyên được dùng với mục đích khác hẳn, đó là... dẹp đường. Cứ muốn đi xuyên qua dòng xe lại lại bấm còi inh ỏi, bất kể xe máy, ô tô. Đó chính là đặc trưng của còi xe nước ta.

Việc bấm còi một cách vô tội vạ đã trở thành thói quen lâu năm của một bộ phận không nhỏ trong những người tham gia giao thông trên đường phổ Thủ đô. Tại các đường phố đông đúc như Trường Chinh, Khâm Thiên, Nguyễn Chí Thanh..., tiếng còi kêu inh ỏi trên đường từ sáng đến tối, may ra chỉ có buổi trưa đường vắng hơn mới bớt tiếng còi.

img

Ảnh minh họa. I.T

Tiếng còi còn thể hiện sự mất kiên nhẫn của người tham gia giao thông mỗi khi bị cản lối đi. Người viết từng chứng kiến nhiều tiếng còi rất vô duyên, vô lý của một vài người vô ý thức: đèn đỏ còn đến 3,4 giây mà đã bấm còi để giúc người phía trên đi; đèn vàng người phía trước dừng lại nhưng vẫn bị người phía sau bấm còi inh ỏi giục đi tiếp kèm theo câu quát: "Mới đèn vàng mà dừng?". 

Những hành động đó cho thấy việc bấm còi bừa bãi đang dần trở thành hiện tượng đáng lo ngại cho giao thông Thủ đô. Nếu không có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này sẽ không thể hình thành văn hoá giao thông.

Nỗi ám ảnh âm thanh

Không quá khi gọi tiếng còi xe là nỗi ám ảnh ở Hà Nội của khách du lịch khi đến đây. Không ít du khách đã phàn nàn với tôi về sự khó chịu mà họ gặp phải trên đường. Khi hỏi ở Hà Nội nhớ nhất điều gì, một khách du lịch nước ngoài đã nói rằng: rất ấn tượng với cuộc sống và văn hoá nơi đây, nhưng cũng lo sợ vì tiếng ồn trên đường, trong đó có tiếng còi xe "không thể tưởng tượng nổi".

Cũng chính vị khách đó trao đổi với tôi, để các du khách nước ngoài không còn ám ánh với sự ồn ào trên đường cần kiên quyết xử phạt người cố tình bấm cói xe không vì mục đích gì. Đó là một biện pháp nhưng ở nước ta rất khó thực hiện, đơn giản vì số lượng người sử dụng còi xe quá nhiều, đến mức không thể kiểm soát nổi.

img

Một số người vô tư vượt đèn đỏ trên phố Lương Văn Can. Ảnh: Thành Trung

Người viết đã làm một cuộc thử nghiệm nhỏ ở 3 tuyến đường có mật độ giao thông cao là Trần Duy Hưng, Trường Chinh và Xuân Thuỷ và thu được kết quả đáng ngạc nhiên: đa số người được hỏi, cũng chính là những người có thói quen sử dụng còi lại là những người ghét phải nghe tiếng còi của người khác.

Phần lớn trong số họ cũng khẳng định họ buộc phải bấm còi khi người phía trước đi quá ngang ngược hoặc không có ý thức đi đúng phần đường của mình. Khi được hỏi bản thân họ có chú ý đến việc nhường đường cho người khác hay không, nhiều người thừa nhận rằng có lúc họ cũng mắc lỗi khi đi ra đường và không nhường đường cho người khác dù người ta đã bấm còi xin đường.

Vậy có thể thấy rằng, nhận thức về việc sử dụng còi xe của người tham gia giao thông thủ đô không hề kém, nhưng cách họ thể hiện trên đường lại không ổn. Để giảm thiểu hành động lạm dụng còi xe trên đường chúng ta phải kết hợp giữa nhiều biện pháp chứ không chỉ chú trọng vào một vài biện pháp nhất định.

Cần kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ để giảm bớt tiếng ồn trên đường như: CSGT nhắc nhở, vận động từ khu phố, cơ quan, giáo dục tại trường học... Bên cạnh đó cần tổ chức nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động để người tham gia giao thông không sử dụng còi xe bừa bãi.

Như cuộc vận động không hút thuốc tại nơi làm việc đã đạt được thành công. Tương tự, nếu cả xã hội kiên trì vận động, kiên trì thuyết phục thì thói quen bấm còi xe chắc chắn sẽ giảm, tiến tới không còn ô nhiễm tiếng ồn trên đường phố Hà Nội.

Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt. 

Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0982340700.

Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem