"Đôi chân tròn" lăn qua biến cố, lan tỏa điều tích cực

Nguyễn Thanh Nam (TP HCM) Thứ sáu, ngày 21/08/2020 11:29 AM (GMT+7)
Từng là một giảng viên đại học, diễn giả của nhiều chương trình tâm lý được giới trẻ yêu thích, vì bị căn bệnh suy tủy và thiếu canxi cuộc sống của Đặng Hoàng An (29 tuổi, ở Long An) bị đảo lộn hoàn toàn.
Bình luận 0

Biến cố oan nghiệt…

Giữa năm 2016, khi đang là thạc sĩ, giảng viên khoa Tâm lý học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), Đặng Hoàng An bị té cầu thang ở nhà trọ. Chấn thương nặng nên ảnh hưởng đến tủy, hệ thống miễn dịch cũng suy giảm nhiều. 

Trước đó, An bị sốt suy giảm tiểu cầu. Thế nên An không thể tương thích với những phác đồ điều trị phẫu thuật khớp. An được bệnh viện trả về với đôi chân bị liệt hoàn toàn.

An nghĩ, "còn nước còn tát", nên khi nghe mọi người giới thiệu ở đâu có thầy thuốc giỏi thì An nói cha mẹ đưa đến để chạy chữa với kỳ vọng được "cứu" lấy đôi chân.

 Hai năm trời ròng rã, An và gia đình lây lất khắp các tỉnh, thành trên cả nước, cầu cứu cả trăm thầy thuốc. Nhưng đều vô vọng. Nhìn những cái lắc đầu của các thầy thuốc, tim An như bóp nghẹt, vụn vỡ.

"Đôi chân tròn" lăn qua biến cố, lan tỏa điều tích cực  - Ảnh 1.

Đặng Hoàng An đã trải qua biến cố oan nghiệt

An là Thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học, là người được tiếp cận khoa học về tâm lý con người, là diễn giả, chuyên gia dạy kỹ năng sống tích cực cho học sinh, sinh viên. Nhưng An thừa nhận, khi đứng trước biến cố, cú sốc quá lớn ấy, An đã không đủ sức để tải.

"Khoảng thời gian đó, tôi lúc nào cũng ủ dột, thường có với xúc cảm tiêu cực. Vì tôi thấy tương lai của mình dần khép lại trong tâm tối, mịt mờ. Cuộc đời đang bị bủa vây bởi thương đau, nước mắt. 

Nhiều lần tôi cứ ước giá như mình may mắn hơn thì không phải chịu đựng những cơn đau hành hạ. Còn bây giờ, đôi chân có phần tiến triển và đã xuất hiện cảm giác trở lại. Nhưng không thể nào đứng, đi, chạy, nhảy. Đôi lúc đau phải dùng thuốc giảm đau tức thời", An tâm sự.

Khiếm khuyết chỉ là bất tiện chứ không phải bất hạnh

Không chấp nhận cuộc đời bị rơi vào ngõ cụt, An cậy nhờ chiếc xe lăn. Với "đôi chân tròn", An quyết tâm "lăn qua biến cố", "lăn bánh" được đến với những ước mơ mà An ấp ủ.

An bảo, thời gian không thể nào quay ngược được. Chẳng thể nào "giá như", "ước gì" đôi chân không bị liệt. "Bây giờ, tôi đã lựa chọn cách sống bằng lòng, chấp nhận và sống cùng với một thực tế, đó là đôi chân đã không còn linh hoạt như ngày xưa", An tâm sự.

An nhìn nhận, rằng khiếm khuyết về đôi chân chỉ là sự bất tiện chứ không phải bất hạnh. 

"Đôi chân dẫu không thể đi lại, nhưng tôi nghĩ mình còn khối óc và trái tim ấm nồng, biết rung cảm trước cuộc sống đã là may mắn. 

Thế nên, tôi quyết tâm và cố gắng sống tích cực, lạc quan để mỗi ngày trôi qua đều ý nghĩa. Dù cho nghịch cảnh có trớ trêu đến đâu, nỗi đau có lớn đến nhường nào chỉ cần tôi không buông xuôi thì tôi có thể làm được nhiều điều, và tương lai sẽ có phép màu xuất hiện", An nói.

"Đôi chân tròn" lăn qua biến cố, lan tỏa điều tích cực  - Ảnh 2.

... và đang tích cực với các ý tưởng khởi nghiệp

Trong những ngày "làm bạn" với "đôi chân tròn", An nảy ra ý tưởng phải khởi nghiệp. Chàng thạc sĩ tâm lý đã mày mò, tự nghiên cứu và tìm hiểu qua các mô hình trồng nấm sạch bào ngư xám rồi sau đó tập trung sản xuất. 

"Khởi nghiệp là xu thế, nên bản thân tôi còn trẻ, tôi không muốn đứng ngoài cuộc. Khi khởi nghiệp, tôi có thêm thu nhập phụ giúp sinh hoạt phí cho gia đình. Ngoài ra, trồng nấm để cung cấp thực phẩm sạch, an toàn", An tâm sự

Bên cạnh đó, An vẫn miệt mài dấn thân vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ cho giáo dục. 

Ngoài ra, An còn là chuyên gia tâm lý tư vấn viên cho chuyên mục Phát thanh học đường của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long. Thời gian rảnh, An còn viết bài cộng tác cho các báo về những vấn đề xoay quanh lĩnh vực giáo dục, vấn đề liên quan đến tâm lý người và về giới, hay làm diễn giả cho các chương trình kỹ năng sống ở các trường học…

Đặc biệt, hai vòng tròn của bánh xe trên chiếc xe lăn đã thành cảm hứng để An lập kênh YouTube Đôi chân tròn.

Gặp sóng gió để biết cách lèo lái, đứng lên

An bảo, trong những thời khắc biến cố oan nghiệt ập đến, An được tiếp thêm động lực sống của nhiều người.

An kể: "Cha mẹ tôi bên cạnh để làm chỗ dựa vững chắc, giúp tôi không ngục ngã. Cha mẹ luôn ôm tôi thật chặt vào lòng. Vừa ôm vừa vỗ về: Có cha với mẹ ở đây rồi con sẽ không sao đâu".

"Đôi chân tròn" lăn qua biến cố, lan tỏa điều tích cực  - Ảnh 3.

Hay các thầy cô ở Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM cũng đã giúp "phá vỡ cơ chế tuyệt vọng trong tôi". GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã động viên: "Nếu như ta chỉ còn một ngày để sống thì An hãy sống thật ý nghĩa với một ngày trọn vẹn. An hãy sống trong tâm thế sống còn với ngày còn sống. Đừng bỏ cuộc An nhé, đồng đội luôn bên em".

An cho biết đang viết quyển tự truyện. "Đây là điều tôi rất tâm huyết. Tôi muốn mang câu chuyện của mình gửi đến mọi người cũng như truyền cảm hứng sống đến những người còn bi quan và lạc lối giữa dòng đời. Giúp họ tìm thấy sự đồng cảm và vững vàng hơn trước nghịch cảnh cuộc đời", An tâm sự.

Trải qua đủ đầy những thăng trầm cuộc sống, An đúc kết: "Nếu không có sóng gió, vấp ngã, biến cố cuộc đời, thì chúng ta chẳng bao giờ biết cách lèo lái, đứng lên và trưởng thành. Biến cố dẫu có quá sức chịu đựng thì vẫn cứ đối diện bằng sự lạc quan. Và rồi mọi thứ buồn đau sẽ qua"

Mong An luôn vững vàng

Bà Đỗ Thị Thu Nga, Biên tập viên chương trình phát thanh học đường, Đài PTTH Vĩnh Long cho hay: Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long có chương trình phát thanh giáo dục do thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cộng tác thu hút đông đảo bạn nghe đài. Đặc biệt là giúp phụ huynh trong việc giáo dục con em tuổi vị thành niên ở nhiều lĩnh vực như bạo lực học đường , nghiện game, giới tính, về sức khỏe sinh sản...

"Thạc sĩ An đã hỗ trợ các em có thêm kiến thức cũng như kỹ năng sống trong giai đoạn chuẩn bị bước vào đời, giúp các em có những quyết định đúng khi chọn nghề, chọn trường. 

Mỗi khi thính giả gọi điện thoại có nhu cầu cần được tư vấn chia sẻ, thì thạc sĩ An vẫn nhiệt tình tham gia ngoài giờ, với tinh thần trách nhiệm cao. Ban biên tập của Đài đánh giá cao tinh thần hợp tác và những đóng góp của thạc sĩ An để có một chương trình thành công", bà Nga cho biết.

PGS.TS. Nguyễn Thị Tứ - Trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM,  nhớ lại: "Khi còn là sinh viên, An học lớp do tôi làm chủ nhiệm. Tôi ấn tượng vì An là cậu học trò thông minh, thẳng thắn và rất nghiêm túc trong học tập. 

Khi An là giảng viên của Khoa Tâm lý học, tôi ấn tượng vì An rất được đồng nghiệp và sinh viên yêu qúy bởi năng lực giảng dạy và cả năng lực hoạt động công tác Đoàn. 

Khi An gặp biến cố trong cuộc sống, tôi ấn tượng vì nghị lực sống mạnh mẽ và ý chí vượt khó để vươn lên sống đẹp, sống tốt, sống có ích và cống hiến cho đời một tấm gương vượt khó.

Và trên tất cả, tôi luôn cảm nhận được lòng tốt và sự thiện tâm trong con người của An. Dù hoàn cảnh của An đầy khó khăn và thách thức như thế nhưng em vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện và cả hoạt động chuyên môn". 

Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt trân trọng mời quý độc giả tham dự cuộc thi "Làm báo cùng Dân Việt" nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Điện tử Dân Việt.

Bài dự thi gửi về Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt Lô E2 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội; email: bandocdanviet2010@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0857.835.666.

Tác phẩm gửi về đề nghị ghi rõ: Tham dự cuộc thi Làm báo cùng Dân Việt, kèm theo số điện thoại, địa chỉ của tác giả để tòa soạn liên hệ.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 5 triệu đồng; 01 giải nhì trị giá 3 triệu đồng; 01 giải ba trị giá 2 triệu đồng. Mỗi tháng, Ban tổ chức sẽ lựa chọn tối đa 3 tác phẩm có chất lượng của tháng. Mức thưởng 1 triệu đồng/01 giải xuất sắc, giải bài viết chất lượng 500.000 đồng/giải.

Các bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem