Nạn chen lấn ở các lễ hội đầu năm: Tiềm ẩn thảm họa

Thứ hai, ngày 21/02/2011 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngoài rất nhiều những biến tướng, tiêu cực ở các lễ hội mà Dân Việt phản ánh thời gian qua, những ngày này dư luận đang lo lắng với nạn chen lấn, xô đẩy nghẹt thở ở các lễ hội.
Bình luận 0

Mù quáng và lỏng lẻo

Về với đền Trần xin ấn đêm 16.2, ai nấy phơi phới “quyết tâm”, nhưng sau khi trở về từ Nam Định, ông Nguyễn Văn Hùng (46 tuổi), sống tại phố Đội Cấn (Hà Nội) xuất hiện với đôi giày mới và vẻ mặt “buồn như mất cắp”.

img
Chen lấn và giẫm đạp lên nhau để “mua” ấn tại đền Trần (Nam Định).

Ông kể lại đêm kinh hoàng dự lễ đền Trần: “Mình đã tính từ trước là phải đi bộ nhiều, nên đã nghiến răng, đi luôn đôi giày Adidas giá 4,7 triệu đồng. Mới gần cửa chính thì người tự nhiên ào lên, chiếc giày bên chân trái tụt ra, mình không cúi được xuống vì chật cứng. Nếu chỉ cúi xuống được để nhặt giày là bị người ta trèo lên đầu lên cổ ngay. Nhỡ đâu chỉ vì chiếc giày mà chết bẹp, thế là đành bỏ của mà chạy lấy người!”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau đêm khai ấn ở đền Trần, có đến hàng chục người phải đưa vào trạm cấp cứu dã chiến, cả nghìn chiếc giày dép được chất thành đống.

Theo báo cáo của Bộ VHTTDL trình Chính phủ, các lễ hội năm nay đều quá tải. Tính đến ngày 11.2, hội Yên Tử có 310.000 lượt người tham gia, hội chùa Hương có 230.000 lượt người đi lễ; đền Cửa Ông đón 130.000 lượt, Côn Sơn Kiếp Bạc đón 140.000 lượt.

Ngày mùng 1 Tết - ngày “kiêng đủ thứ”, Phủ Tây Hồ (Hà Nội) vẫn có hàng vạn người chen lấn với mục đích cuối cùng đặt chân vào phủ, đặt lễ lên ban thờ. Lễ hội chùa Hương, nhiều người chen nhau đến mệt nhoài trên đường vào động. Lễ cầu an ở chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), người người chen nhau vào chùa, dàn kín cả đường phố khiến giao thông ùn tắc nhiều giờ...

Ngay sau khi xảy ra tai nạn thảm khốc ở lễ hội té nước diễn ra tại Phnôm Pênh, Campuchia đêm 22-11-2010 làm chết gần 400 người, PGS Phạm Đức Dương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đã cảnh báo: Việt Nam có nhiều lễ hội, ở những nơi diện tích nhỏ thường tập trung đông người, nhất là lại có những nơi nhiều hồ, ao, cần phải hành động để không lặp lại thảm cảnh này. Nhưng lời cảnh báo ấy có vẻ chưa được các cơ quan chức năng lắng nghe.

Tiền lệ xấu?

Ngay trước mùa lễ hội năm nay, Bộ VHTTDL và cả các nhà nghiên cứu cũng đã thể hiện quan điểm không nên tổ chức phát ấn ở đền Trần, và cần nghiên cứu để có cách thức tổ chức phù hợp. Nhưng phải chăng với Nam Định, đây là “đặc sản địa phương” nên “người ngoài” không can thiệp được? Thực tế, việc phát ấn ở đền Trần mới diễn ra được mấy năm nay.

Trước lễ khai ấn, ông Đỗ Thanh Xuân - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định nói, lễ hội dân gian ở nước ta còn được công nhận là di sản văn hoá thế giới, huống chi lễ khai ấn đền Trần là triều đại có thật. Chúng ta cần xây dựng và phát triển lễ hội xứng với công lao và tầm vóc của các vua Trần...

Nhưng liệu thực tế hỗn độn đã xảy ra, có như ông kỳ vọng? Sau đêm khai ấn, chúng tôi hỏi, ông Xuân lảng tránh: “Việc tổ chức, tỉnh đã giao cho TP.Nam Định rồi, có hỏi gì thì hỏi bên thành phố”.

Cứ đà tự phát các thứ lễ lạt và không kiểm soát được sự quá tải như vậy thì biết đâu mai kia, mỗi địa phương đều vin vào cái lý “phát tích”, “khởi nghiệp triều đại”, “hoàng gia, hoàng tộc”… mà “đẻ” ra những thứ lễ lạt đình đám, lôi kéo sự mê tín đến mức dị đoan của người dân thì hậu quả không biết đến đâu mà lường!

Sự lộn xộn và nguy cơ mất an toàn của lễ hội một phần do nhu cầu tín ngưỡng tâm linh đã đến mức mù quáng của một bộ phận quần chúng và sự quản lý lỏng lẻo, dễ dãi của các cơ quan quản lý. Quan điểm “để xảy ra hậu quả, phải xử lý nghiêm người có trách nhiệm” mà Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở Vương Duy Bảo trao đổi với Dân Việt mới đây, rất cần được áp dụng triệt để. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem