Nặn tượng ông gì mà thợ ở nơi này của TT-Huế làm không hết việc, luôn chân luôn tay ngày giáp Tết?
Nặn tượng ông gì mà thợ ở nơi này của TT-Huế làm không hết việc, luôn chân luôn tay ngày giáp Tết?
Hương Đồng
Thứ hai, ngày 09/01/2023 05:21 AM (GMT+7)
Những ngày này, người thợ ở làng Địa Linh, phường Hương Vinh, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế), lại lấm lem bùn đất, khẩn trương nặn tượng ông Công ông Táo để kịp cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán 2023.
Trong những ngày giáp Tết, chúng tôi tìm về làng Địa Linh bình yên trên con đường về phố cổ Bao Vinh để tận mắt chứng kiến những người thợ đang cần mẫn, nhọc nhằn bên những đống đất sét, nhào nặn, phơi khô, để cho vào lò nung, quét màu sơn. Ai cũng quần quật làm việc với đôi mắt mệt mỏi vì thiếu ngủ.
Chị Nguyễn Thị Linh, ở làng Địa Linh, phường Hương Vinh, thị xã Hương Trà (làm nghề lâu năm), cho biết: "Nghề làm ông Công ông Táo rất vất vả, bởi những người thợ phải thức ngày thức đêm, có khi quên cả ăn uống, nghề này còn cần sự tinh tế, khéo léo và đặc biệt phải kiên nhẫn".
Để tạo ra một ông Công ông Táo hoàn chỉnh, cần phải trải qua 5 công đoạn: Đạp đất, lọc sỏi, lên khuôn, nung và sơn, hoặc vẽ màu.
Đất sét được khai thác trong làng, người thợ phải lọc sạn mịn trước khi nhào trộn nhuyễn. Đất sét càng nhào nặn kỹ, mới có thể tạo ra tượng ông Công ông Táo đẹp, theo như ý muốn.
Công đoạn dập khuôn, khi đất sét đã được nhào nặn kỹ, sau đó đất sét được đem vào khuôn đúc để in ra hình ông Công ông Táo. Khi đất còn dẻo, người thợ phải phơi khuôn đất ngoài nắng để giữ cố định. Ngày trời không nắng, người thợ phải dùng quạt điện làm cho tượng ráo nước, khô nước.
Khi tượng ông Công ông Táo thành khuôn mẫu, người thợ sẽ cho vào lò nung 4 đến 6 ngày. Để tượng ông Công ông Táo khỏi vỡ, méo mó, ở giữa mỗi lớp tượng người thợ bỏ một lớp trấu. Để tượng ông Công ông Táo đưa ra thị trường, là cả một quá trình gian nan, vất vả của người thợ.
Công đoạn cuối cùng hết sức quan trọng quyết định giá thành của sản phẩm, là vẽ màu hoặc sơn mài. Người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn để trang trí gian thờ của gia đình.
Để có được sản phẩm kịp cung ứng thị trường Tết Nguyên đán, người thợ Địa Linh phải "vào vụ" từ mấy tháng trước. Dịp cuối năm, mỗi ngày người thợ lâu năm ở làng Địa Linh có thể làm được từ 500 đến 600 tượng ông Công ông Táo, bán với giá 6.000-10.000 đồng/tượng.
Cần giữ lấy nghề ông Công ông Táo
Ngày 23 tháng chạp hằng năm, mỗi gia đình đều làm lễ cúng đưa ông Công ông Táo về trời báo cáo những chuyện trong đời sống gia đình, nhất là chuyện bếp núc. Sau đó các gia đình sẽ thay bức tượng táo quân mới đề cùng đồng hành với một năm tràn đầy hy vọng.
Tục thờ cúng ông Công ông Táo mang nhiều ý nghĩa nhân văn, hướng con người tích cực làm việc tốt, sống lương thiện. Theo góc nhìn tâm linh, Táo thần là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò tay chân của Ngọc Hoàng, thường ngày ghi lại những công tội, tốt xấu của mọi người để hàng năm vào 23 tháng Chạp lại trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng.
Tượng ông Công ông Táo đẹp đặt ở mỗi gian bếp còn nhằm góp thêm chút hương xuân ấm áp cho Tết cổ truyền người dân Việt.
Bà Lê Thị Vân, ở Địa Linh, phương Hương Vinh, trăn trở: "Dù số lượng ông Công ông Táo cung cấp không ra thị trường, nhưng giá thấp lắm. Chúng tôi làm chủ yếu để muốn giữ lại cái nghề của ông cha, không biết vài năm nữa thế hệ trẻ còn có ai theo đuổi nghề này nữa không.
Thiết nghĩ, cũng đã đến lúc các ban ngành vào cuộc để có chiến lược thổi hồn vào các làng nghề truyền thống nói chung, nghề làm ông Công ông Táo trên đất Địa Linh nói riêng, nhằm không ngừng duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống này trên đất cố đô".
Tục thờ cúng ông Công ông Táo có từ lâu đời. Nghề làm ông Công ông Táo là một cách giữ lửa cho bản sắc văn hóa thuộc về đời sống tâm linh của dân tộc. Giờ đây, những con người nơi miền quê nghèo, bình yên luôn đau đáu với hồn xưa dân tộc.
Những ngày giáp Tết, theo chân các o, các chị là đôi quang gánh nặng trên vai dạo bán tượng ông Công ông Táo bên những nhành hoa giấy Thanh Tiên lung linh sắc màu. Nhìn những tượng ông Công ông Táo ở những phiên chợ Tết bỗng thấy lòng ấm lại.
Dù người thợ làm ông Công ông Táo nhọc nhằn, những nỗi niềm nghề xưa để lại vẫn khát khao, nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại, những ngọn lửa nóng cháy từ lò nung và cả đôi tay rám nắng điêu luyện, say mê để tạo ra tượng hình ông Công ông Táo trên đất Địa Linh ở vùng đất sông Hương núi Ngự này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.