Khởi đầu, vấn đề thành lập một Tòa án Hiến pháp được coi là một trong những vấn đề trọng tâm của các cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp và hứa hẹn có nhiều triển vọng thiết lập vào đợt sửa đổi Hiến pháp lần này. Tuy vậy, những người đề xuất mô hình này ngày càng thấy nản lòng khi đề xuất này ngày càng bị đẩy xa so với những ưu tiên sửa đổi.
Thay vì thiết lập Tòa án Hiến pháp, những người có thẩm quyền ủng hộ duy trì quyền kiểm hiến mang tính chính trị của Quốc hội. Lựa chọn thiết lập một cơ quan chuyên trách trực thuộc Quốc hội (Hội đồng Hiến pháp) để giúp Quốc hội thực hiện chức năng bảo hiến được thấy trong phương án 1 của nhiều báo cáo, dự thảo đề xuất sửa đổi Hiến pháp 1992. Dự thảo đã lựa chọn mô hình này khi quy định tại Điều 120.
Theo quy định này, Hội đồng Hiến pháp không phải là một cơ quan tài phán hiến pháp độc lập mà hoàn toàn là một cơ quan chính trị: Hội đồng Hiến pháp không độc lập do được Quốc hội thành lập, giúp Quốc hội thực hiện chức năng bảo hiến; Hội đồng Hiến pháp không có quyền tài phán mà chỉ có quyền kiến nghị Quốc hội và các cơ quan Nhà nước xem xét khi phát hiện các vi phạm Hiến pháp.
Nếu chưa thành lập được Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Hiến pháp theo dự thảo cũng cần phải được cải cách theo hướng nâng cao hơn tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan này. Trong trường hợp này, Hội đồng Hiến pháp của Pháp có thể là nguồn tham khảo quan trọng. Bên cạnh tính chính trị, Hội đồng Hiến pháp của Pháp vẫn có vị trí độc lập tương đối so với các đảng chính trị, các cơ quan quyền lực của Nhà nước và lợi ích tư nhân. Bên cạnh việc kiểm hiến các đạo luật của Quốc hội, Hội đồng Hiến pháp của Pháp còn kiểm soát các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý.
Việc thành lập Tòa án Hiến pháp độc lập, có thẩm quyền rộng rãi và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được quyền khởi kiện trực tiếp là những điều kiện tiên quyết tạo ra sự thành công của thiết chế bảo hiến. Nếu chưa thành lập được Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Hiến pháp cần được cải cách theo hướng nâng cao hơn tính độc lập và thẩm quyền của cơ quan này. Đây có lẽ là giải pháp thỏa hiệp có thể chấp nhận được…
TS Đặng Minh Tuấn
(Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.