Nét đẹp cuộc thi giã gạo, nấu cơm ở làng truyền thống Hà Nội

Minh Phương Thứ năm, ngày 02/02/2023 13:46 PM (GMT+7)
Tọa lạc tại phía tây của Thủ đô Hà Nội, làng Hương Canh đã lưu giữ và truyền lại đến ngày nay những nét văn hóa truyền thống có từ ngàn xưa… đó là Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống.
Bình luận 0

Clip hội thi thổi cơm làng Thị Cấm. Thực hiện: Minh Phương.

Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân bản địa nơi đây, mà còn là cách để lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để lại, bày tỏ lòng biết ơn với những chiến công hiển hách của thế hệ cha anh.

Thông lệ, cứ đến mùng 8 tháng Giêng hằng năm, người dân làng Hương Canh (hay còn gọi là làng Thị Cấm, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) lại có mặt tại đình làng Thị Cấm để tham gia Hội kéo lửa, thổi cơm thi truyền thống.

Truyền thuyết về hội thi nấu cơm

Theo sử sách ghi lại, vào đời Vua Hùng thứ 18, quân Thục sang xâm lược nước ta. Tướng quân Phan Tây Nhạc được giao thống lĩnh quân binh chống giặc. Khi dẫn quân qua làng Hương Canh (làng Thị Cấm ngày nay), ông ra lệnh tổ chức nấu cơm thi để tuyển chọn người giỏi việc hậu cần đi theo phục vụ quân đội. Chiến thắng giặc ngoại xâm, tướng quân Phan Tây Nhạc ở lại vùng đất Hương Canh, dạy dân cấy lúa, dệt vải.

Nét đẹp cuộc thi giã gạo, nấu cơm ở làng truyền thống Hà Nội - Ảnh 1.

Đình làng Thị Cấm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Minh Phương.

Sau khi qua đời, tướng quân Phan Tây Nhạc được nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Để tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng Thị Cấm mở Hội kéo lửa, thổi cơm thi vào ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm.

Cuộc thi nấu cơm bao gồm 4 đội đến từ 4 tổ khác nhau, bởi Làng Thị Cấm xưa chia thành 4 giáp, mỗi đội gồm 10 người. Các vật dụng sử dụng trong thi gồm có: chày, cối, rơm, nồi..... Thời gian thi bắt đầu từ khi các đội phát được lửa thổi cơm đến khi kết thúc kéo dài trong 1 giờ.

Đầu tiên, để giữ nét truyền thống, thay vì thổi cơm bằng gas, người dự thi nơi đây bện rơm thành từng cuộn để làm chất đốt. Rơm phải được bện thật chặt để giữ ngọn lửa được lâu và cháy đều. Tiếp theo đó, các nam thanh niên mỗi đội sẽ giã thóc trong các cối đá.

Nét đẹp cuộc thi giã gạo, nấu cơm ở làng truyền thống Hà Nội - Ảnh 2.

Các đội tham gia hội thi nấu cơm làng Thị Cấm. Ảnh: Minh Phương.

Sau đó, các thành viên nữ sẽ sàng gạo để loại bỏ sạn và vo sạch. Khi đồng hồ điểm 11 giờ, mỗi đội thi sẽ cử một thành viên đại diện chạy khoảng 800m từ đình làng ra chỗ lấy nước và quay về đình làng nơi tổ chức hội thi. Đội nào lấy nước nhanh thì sẽ có thêm thời gian để nấu cơm.

Tiếp theo đó chính là thi kéo lửa. Mỗi đội cử ra 4 nam thanh niên tham gia phần thi này. Khi các đội thi kéo lửa thành công cũng là lúc không gian đình làng Thị Cấm nghi ngút khói lửa. Tiếng trống vang lên giòn dã cùng tiếng reo hò cổ vũ của người dân, tạo nên một không gian náo nhiệt đến khó quên.

Khi nồi cơm vừa cạn nước cũng là lúc đến với phần thi cuối cùng, các đội thi ủ cơm vào đống than rơm để cơm chín đều. Các đội sẽ thổi lửa nhiều đống tro rơm nhằm đánh lạc hướng. Đây chính là một trong những cách ông cha ta xưa sử dụng để nhằm phân tán mục tiêu của kẻ thù. Sau một tuần hương, các thành viên của ban giám khảo sẽ đi tìm 4 nồi cơm của 4 đội trong rất nhiều đống tro rơm. Nếu các đội giấu không bị phát hiện, thời gian ủ cơm sẽ được kéo dài và cơm sẽ chín đều; Nếu bị giám khảo nhanh tìm thấy thì cơm dễ bị sống.

Nét đẹp cuộc thi giã gạo, nấu cơm ở làng truyền thống Hà Nội - Ảnh 3.

Các đội tham gia phần thi giã gạo. Ảnh Minh Phương.

Sau khi tìm đủ 4 nồi cơm, giám khảo xới 4 bát dẻo thơm để dâng cúng Thành hoàng làng. Cơm thi của các đội sau đó được chấm điểm công khai trước đông đảo dân làng.

Sau khi công bố kết quả hội thi, dân làng chia nhau những hạt cơm cúng Thành hoàng làng để lấy lộc đầu năm. Người dân Thị Cấm tin rằng, người lớn ăn hạt cơm này thì cả năm sẽ may mắn, trẻ em hay ăn, chóng lớn, học hành tấn tới.

Dân háo hức mỗi dịp hội thi thổi cơm diễn ra

Năm 2023 là một năm đặc biệt bởi sau 2 năm dịch bệnh, người dân làng Thị Cấm đã được hoạt động sản xuất trở lại. Trong ánh nắng chan hòa cùng cái tiết trời se lạnh đầu năm, người dân hy vọng đây sẽ là một dự báo năm mới phát đạt, an lành, đong đầy hạnh phúc.

Nét đẹp cuộc thi giã gạo, nấu cơm ở làng truyền thống Hà Nội - Ảnh 4.

Một trong những công đoạn sàng gạo. Ảnh: Minh Phương.

Bà Nguyễn Hồng Nhung (ở tổ 3 phường Xuân Phương) chia sẻ rằng: "Đây là một trong những niềm tự hào của tôi về làng. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng chưa năm nào tôi bỏ qua hội thổi cơm thi của đình làng. Hai năm vừa rồi dịch diễn ra khiến tôi rất tiếc khi không được tham dự. Năm nay khi được hưởng lại bầu không khí náo nhiệt này thật sự hạnh phúc".

Theo bà Nhung, năm 2023, đặc biệt hơn cả khi có sự tham dự của các thiếu niên trẻ tuổi đại diện cho mỗi đội trong phần thi lấy nước. Cũng vì vậy, mà hội thi nấu cơm diễn ra rất sôi động, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, du khách.

Anh Nguyễn Trung Hiếu (ở phường Phương Canh), hiện đang là sinh viên năm nhất Cao đẳng FPT Polytechnic cho hay, đây là năm đầu tiên anh tham gia và xem hội thổi cơm thi của đình làng Thị Cấm.

Nét đẹp cuộc thi giã gạo, nấu cơm ở làng truyền thống Hà Nội - Ảnh 5.

Cơm sau khi được nấu chín sẽ mang lên cúng các bậc cao niên trong làng sẽ mang vào trong và xới cơm ra bát cúng thần linh tại đình làng Thị Cấm rồi ban giám khảo mới trực tiếp nếm, rồi chấm điểm và đưa ra kết quả cuối cùng. Ảnh: Minh Phương.

"Mình khá ấn tượng với 4 bạn năm nay đi lấy nước của 4 đội, các bạn trong còn khá nhỏ và trẻ tuổi, điều này có nghĩa rằng là truyền thống của làng không những không bị mất đi mà còn được các bạn nhỏ hưởng ứng và tham gia nhiệt tình", Trung Hiếu bộc bạch.

Lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm cho biết thêm, trong giai đoạn 2021-2022, UBND quận đã đầu tư nhiều tỷ đồng để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trong đó có nội dung bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thổi cơm thi Thị Cấm.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền về những giá trị đặc sắc của lễ hội truyền thống Hội thổi cơm thi Thị Cấm để các tầng lớp nhân dân thêm hiểu, thêm yêu truyền thống văn hóa của quê hương; lan tỏa sâu rộng niềm tự hào về di sản văn hóa độc đáo của địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem