Tuy nhiên, hiện cũng có không ít người đang quay về, tìm lại những nét quê, nét cũ đó. Tâm lý thích dùng những thức ăn quê, những thứ quà quê, những vật dụng quê đã xuất hiện ở một bộ phận không nhỏ người dân Hà thành.
Thực phẩm quê
Thời gian gần đây (sau những sự cố về mất an toàn vệ sinh thực phẩm được phát hiện), một bộ phận người dân Hà thành đã tìm về với những thực phẩm có nguồn gốc từ quê.
Ở khu vực Chùa Láng - Hà Nội, không ai là không biết chị bán rau có tên Hải, vừa vui tính, bán hàng xởi lởi, ai thêm ai bớt không phàn nàn. Nhưng điều đặc biệt hơn là hàng của chị rất đông khách mua, do họ biết rằng, chị là người trồng ra những thứ rau củ đó.
Cụ bà Đào Thị Hồng - người đã mua thực phẩm của chị hơn 10 năm cho biết: Khi cô Hải mới mang rau củ đến bán, rất ít người mua vì không biết nguồn gốc. Nhưng sau một thời gian mua hàng của cô, ăn thấy rất ngon và yên tâm với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, rất nhiều người đã tìm đến, người nọ truyền tai người kia nên quầy hàng của cô ngày càng đông khách.
Được biết, gia đình chị Hải ở Ứng Hòa - Hà Nội, không cấy lúa mà chỉ trồng rau, củ quả để bán. Do đem từ quê lên không qua khâu trung gian nên giá cả các mặt hàng của chị rẻ hơn so với các quầy hàng ở chợ khá nhiều.
Hiện nay, nắm bắt được nhu cầu của người dân Hà Nội, rất nhiều người dân ở các địa phương tìm về Hà Nội để bán những sản phẩm quê do mình trồng ra.
Chị Lê Thị Hà (Hoàng Hoa Thám- Hà Nội) cho biết: Đã từ rất lâu gia đình tôi có thói quen lựa chọn những mặt hàng có nguồn gốc từ quê để dùng. Lúc đầu tôi cũng không phân biệt được đâu là hàng quê, đâu là hàng lái buôn, nhưng sau một thời gian tìm hiểu tôi đã có được chút kinh nghiệm.
"Ở những người nông dân đi bán hàng, bao giờ cũng có nét rất chân thực, giản dị rất dễ nhận ra, khác hẳn với những chị bán hàng sành sỏi ngoài chợ", chị Hà bật mí.
Vật dụng quê
Không chỉ là thực phẩm quê, hiện nay nhiều người dân còn có xu hướng tìm về những vật dụng quê như những rổ, giá, thúng, mủng, mẹt...
Sỡ dĩ như vậy là do những dụng cụ này được làm bằng công cụ của thiên nhiên như tre, nứa, cọ... không có hóa chất. Chị Nguyễn Thị Hoa- chủ cửa hàng bán những dụng cụ quê ở Chợ Bưởi- Hà Nội cho biết: Cửa hàng tôi hầu như có đủ những dụng cụ cần thiết cho gia đình, điều khác biệt duy nhất so với hàng khác là nguyên liệu để làm ra đều xuất phát từ tự nhiên, do những người nông dân tự sản xuất.
So với những chiếc rổ rá được làm bằng nhựa thì hàng của tôi giá cả đắt nhưng vẫn rất đông khách do ngày càng có nhiều người thích dùng.
Với người dân quê hiện nay, việc trong nhà có những thứ đồ như chum, vại là rất hiếm hoi do sản xuất công nghiệp phát triển. Người nông dân có cơ hội tiếp cận với công nghệ nhiều hơn, đồ dùng cũng mang chất "công nghiệp" nhiều hơn. Ngược lại, với một bộ phận người dân thành thị hiện nay, tỷ lệ trong nhà xuất hiện những thứ đồ này lại ngày một tăng.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ cửa hàng gốm Sơn - Hoàng Hoa Thám cho biết: Cửa hàng tôi chuyên bán chum, vại, bình bằng đất nung. Những tưởng chỉ có những người dân nghèo mới thích dùng, nhưng ngược lại đến mua hàng của tôi toàn là những người rất có điều kiện.
"Dường như người thị thành tìm về với những thứ vật phẩm từ quê đang là xu hướng ngày càng lan rộng", ông Sơn vui vẻ cho biết. Và ông Sơn cũng chính là người thiết kế, làm ra những sản phẩm đó. Do vậy, mẫu mã của cửa hàng gốm Sơn luôn có những nét phá cách, vừa mang hơi hướng quê vừa có sự thanh lịch của người Hà thành.
Thú vui quê
Xen lẫn những quán cà phê, những quán bia nhộn nhịp khách hiện nay, đâu đó ta vẫn thấy xuất hiện những quán nước chè mang đậm phong cách quê với chõng tre, chè xanh, bánh đa nướng.
|
Những sản vật của miền quê |
Sau những vất vả, bộn bề của cuộc sống nơi đô thành, có những giây phút được sống chậm, được tìm về với hương vị đồng quê đang là lựa chọn của nhiều người.
Những người dân ở khu vực Hàng Bạc - Hà Nội, rất yêu thích quán nước chè mang đậm phong cách quê của chị Nguyễn Thị Hồng trước cổng Đình Kim Ngân. Giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông, ngồi nhâm nha chén nước chè xanh, nhai chầm chậm miếng bánh đa nướng mới thấy hết được thú vui tao nhã của người dân quê.
Không chỉ có chè xanh, bánh đa nướng, thú vui nuôi chim cảnh cũng là sự lựa chọn của nhiều người.
Trên địa bàn Hà Nội hiện xuất hiện nhiều nơi buôn bán chim náo nhiệt như đường Tăng Bạt Hổ, Hoàng Hoa Thám, chợ tạm Chợ Mơ... với chủng loại, giá cả phong phú.
Gắn mác quê
Nắm bắt nhu cầu của người dân Hà Nội yêu thích các thực phẩm, vật dung mang phong cách quê, nên có nhiều người đã lợi dụng để đánh lừa tâm lý của người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, rất nhiều nhà buôn có nghề đã giả danh nhà quê để bán được hàng. Chị Bùi Thị Thu Hạnh (Hàng Bạc- Hà Nội) cho biết: Nhìn thấy cô bán hàng rong hay đi rao ở gần nhà tôi ăn mặc theo kiểu nông dân lại bán hàng rất xởi lởi, thật thà nên tôi thấy yên tâm khi mua hàng. Nhiều người khác cũng có tâm lý giống tôi, nhưng một lần đi qua sạp hàng trong chợ ở khu vực khác, thấy chị ấy đang mua lại đồ trong chợ của chủ hàng mới biết mình đã mắc lừa.
Không chỉ như vậy, còn có nhiều mánh lới khác mà dân buôn có nghề đã lợi dụng để đánh lừa người tiêu dùng. Đó là việc họ cố tình làm cho sản phẩm của mình giống đồ quê để "câu" khách. Do vậy, người dân trong việc mua sắm cũng cần biết cách, tránh vì tâm lý thích hàng quê mà bỏ tiền cao để mua những thứ hàng gắn mác quê.
Theo báo Hải quan
Vui lòng nhập nội dung bình luận.