Đi chợ vùng biên, khám phá “thiên đường” của quý ông

Thứ ba, ngày 20/05/2014 14:44 PM (GMT+7)
Chẳng biết hình thành từ lúc nào nhưng chợ côn trùng Tịnh Biên đã trở thành khu chợ "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam, được nhiều du khách biết đến bởi những lời đồn huyền thoại về “thiên đường” của quý ông.
Bình luận 0
Nếu ai đặt chân lần đầu đến với chợ Tịnh Biên (xã Xuân Tô, Tịch Biên, An Giang), một vùng biên giới xa xôi, hẳn sẽ không tránh khỏi cảm giác rùng rợn lẫn kinh sợ. Bởi, nơi đây ngoài nổi tiếng là tuyến du lịch hành hương về núi Cấm danh tiếng còn được biết đến như khu chợ côn trùng độc nhất Việt Nam.
img
Từ những loài vật cực độc có thể dẫn đến mất mạng nếu bị cắn phải như: bò cạp, nhện hùm, rắn rít cho tới những con vật mà mới thoáng nhìn qua, nhiều người đã lạnh cả sống lưng vì sự gớm ghiếc như ngô công (hay còn gọi là rết), mối chúa, bổ củi… đều được bày bán la liệt ở đây.

Điều đáng nói, hàng trăm loại côn trùng cực độc ấy đang bò lổm ngổm, rất sống động để du khách tha hồ lựa chọn hoặc chúng nằm ngon lành trên đĩa để những thực khách đi chợ có thể… dùng luôn.

Tăng lực cho phái mạnh

Bắt đầu từ ngã ba Nhà Bàng của huyện Tịnh Biên, chúng tôi ngược thêm gần chục cây số nữa để lên chợ côn trùng biên giới. Khách du lịch từ Cần Thơ, Sài Gòn… đổ xuống đây rất đông bởi nơi này vừa là cửa khẩu biên giới với nước bạn Campuchia vừa là một phần của tuyến du lịch hành hương về núi Cấm danh tiếng.

Bò cạp, một loại côn trùng có độc tính cao.
Bò cạp, một loại côn trùng có độc tính cao.

Bước vào chợ, ngoài những khu đồ vải vóc, sản phẩm dệt đặc trưng của người Khmer địa phương là khu chợ côn trùng với những loài cực độc được bày bán với mỗi con đều có thể đoạt mạng người nếu chẳng may bị chúng cắn phải.

Theo chị Loan, 41 tuổi, một người buôn bán côn trùng lâu năm ở đây thì năm nào cũng vậy, cứ vào mùa lễ hội là khách về đây mua hàng tăng gấp mấy lần bình thường. Đa phần là khách đi du lịch từ Sài Gòn xuống mua một vài ký bò cạp, nhện độc, rết độc về để tết… đãi bạn bè ăn chơi.

Thấy chúng tôi tròn mắt bởi ý nghĩ, ăn những loài côn trùng cực độc ấy khác nào… tự tử thì chị Loan cười, giải thích luôn: “Những loài côn trùng này lúc sống rất độc. Bình thường, một con chó hoặc mèo, nếu bị nó cắn phải sẽ ốm lử khử mấy ngày rồi lăn đùng chết. Riêng người, nếu không may bị chúng cắn mà không cấp cứu tức thì cũng có thể nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, lúc chúng được chế biến thành món ăn lại rất… bổ.

Mà kỳ lạ là chúng chỉ bổ cho đàn ông thôi chứ phụ nữ thì chỉ thấy được công dụng qua “năng suất hoạt động” của chồng mà thôi. Vì thế, côn trùng thường được ngâm rượu, được chiên giòn hay nướng muối ớt phục vụ phái mày râu bởi công dụng chính của chúng là tăng cường sinh lý, duy trì bản lãnh đàn ông”.

Chẳng biết những loài vật gớm ghiếc kia thực có công dụng như lời người bán hàng khẳng định không, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, giá của côn trùng ở Tịnh Biên khá đắt. Bò cạp 10-15 nghìn/con, ngô công có giá 20-25 nghìn/con. Riêng nhện độc (hay gọi là nhện hùm, nhện đen) thì có giá khoảng 30 nghìn/con.

Còn mối chúa to cỡ ngón chân cái người lớn, dài nửa gang tay, là loài côn trùng quý hiếm, lâu lâu mới bắt được nên giá khá cao, phải từ 500 nghìn đồng/con trở lên. Theo giải thích của chị Loan, do hiện nay là cuối năm, không phải mùa côn trùng sinh sản nên những loại này rất hiếm, có khi phải vào sâu trong rừng ở Thiên Cấm Sơn mới có thể bắt được.
Bổ củi bày bán la liệt.
Bổ củi bày bán la liệt.

Ngoài những loài côn trùng còn sống, ở chợ còn bán rất nhiều loại côn trùng đã được chế biến, trong đó chủ yếu là ngâm rượu làm thuốc bổ, chữa nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt về vấn đề xương khớp và ngoài da.

Anh Tuấn, 37 tuổi, chủ một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Hóc Môn (TP HCM) cho hay, đợt này anh cùng gia đình đi tham quan ở núi Bà (một ngọn núi của Thiên Cấm Sơn), tiện đường nên ghé qua chợ côn trùng tìm mua vài chai rượu ngâm nhện độc về giấu đầu giường làm “bửu bối” với mong muốn làm vui lòng… vợ.

Theo anh Tuấn, những loài nhện độc này khi ngâm với rượu thì có rất nhiều công dụng. Ngoài việc tăng cường sinh lực đàn ông, nó còn có thể giúp xoa bóp ở những vết thương kín hay chữa các bệnh mất ngủ, nhức đầu, thừa mỡ… Vì thế, ngoài việc mua về cho bản thân, anh còn mua thêm cả mấy lọ ngâm mối chúa và ngâm rắn để mang về tặng bàn bè và bố vợ.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi ngày có khoảng vài chục chuyến xe khách thuộc các “tua” du lịch đưa khách ghé qua khu chợ côn trùng này cùng rất nhiều những chiếc xe hơi của gia đình đi nghỉ cuối tuần cũng ghé vào chợ mua đồ “độc” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là khu chợ duy nhất Việt Nam bày bán côn trùng cực độc như thế.

Một trong những đặc điểm được nhiều người lựa chọn đến chợ côn trùng nữa là ở đây không bao giờ bán côn trùng nuôi. Ví dụ như bọ cạp, nhện độc, bổ củi… cũng có một số người nhân giống, chở đi bán rong ở thành phố nhưng 100% côn trùng ở đây đều có xuất xứ từ tự nhiên.
Nhện độc
Nhện độc

Theo anh Châu Cóc, một người Khmer ở Cô Tô (huyện Tri Tôn) chuyên làm nghề săn bắt côn trùng thì bình thường, mỗi ngày anh có thể bắt được vài ba chục con côn trùng như mối chúa, nhện đen, ngô công lẫn trong lớp lá mục, cành củi khô hay những vách đá ẩm ướt ở bên núi Dài, núi Phú Cường hay núi Bà (đều thuộc vùng núi Cấm).

Thế nhưng gần tết, trời hanh khô, rất khó kiếm bởi chúng thường vùi mình sâu hơn. Có hôm, anh cùng nhóm bạn phải sang phía bên kia biên giới Campuchia để bắt côn trùng vì bên đó, người dân ít săn bắt những loại này nên chúng vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, đường xa, đi lại vất vả nên mỗi chuyến có khi phải mất đến 2, 3 ngày mới về.

Hàng độc chết người mới… bán chạy

Theo lương y Nguyễn Thiên Chung, chủ tịch Hội đông y Tịnh Biên:

Nhiều khách đến chợ Tịnh Biên mua đủ loài côn trùng ngâm rượu, đặc biệt là bổ củi, nhện hùm được người bán quảng cáo có tác dụng tăng lực, chữa bệnh này bệnh kia nhưng thực chất không phải vậy. Đó chẳng qua chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ của người bán để làm giá và tiêu thụ "sản phẩm". Trong nhiều trường hợp, tăng lực đâu không thấy, có khi đang "trâu" lành trở thành "trâu què" bởi rượu ngâm côn trùng có nguồn gốc không rõ ràng, và côn trùng khi ngâm thường là côn trùng bị chết, không đảm bảo vệ sinh…

Theo những người buôn bán côn trùng ở chợ Tịnh Biên thì hiện nay, ngoài nguồn cung côn trùng ở núi Cấm, những thợ săn côn trùng còn phải lặn lội sang tận vùng Tà-keo, Sam-rong (Campuchia) để săn hàng nên chi phí tăng cao. Thế nhưng, những du khách mua hàng sẽ không bao giờ phải thất vọng vì “tiền nào của ấy” bởi bây giờ đã là cuối mùa, những con côn trùng nào còn sống sót được thường thuộc loại “cố cựu” rất to, có độc tính cực mạnh.

Bà Hương, một chủ buôn bán côn trùng khác ở chợ Tịnh Biên này thì ngoài côn trùng được bày bán, chế biến ngay tại chợ như chúng tôi đang thấy, ở đây còn có nhiều nhà hàng, quán ăn cũng có bày bán côn trùng hoặc những thức ăn làm từ côn trùng để phục vụ du khách.

Kể về việc bán côn trùng cực độc này, bà bảo: “Năm nay là năm Quý Tỵ nên ngoài những côn trùng “truyền thống”, ở đây còn bán những loại rượu rắn cực độc nữa”.

Theo lời bà Hương, rắn ngâm rượu thì ở đâu cũng có nhưng ở vùng núi Cấm này nổi tiếng với loài rắn xanh vô cùng độc, nếu ai bị nó cắn thì gần như vô phương cứu chữa. Theo đó, giá của một bình rượu rắn xanh này vào khoảng từ 1-1,2 triệu đồng.

Trong những con côn trùng độc nhất mà bà từng bán, bà nhớ nhất một con ngô công độc dài chừng hơn một gang tay, to như cây sáo trúc, mình đen nhẫy, có rất nhiều chân và hai cái càng to như càng cua, được một người dân địa phương bắt được ở sâu trong núi Tà Đảnh hồi cuối năm ngoái. Theo bà, đó là con ngô công lớn nhất mà bà từng nhìn thấy. Thoạt nhìn, bà đã rất sợ hãi mặc dù hàng ngày đều tiếp xúc với những con vật có nọc độc này.

Theo dân gian thì, ngô công càng lớn, độc tính của nó càng tăng. Nếu nó to như vậy thì chắc phải sống qua mấy mùa mưa, nếu chỉ cần cái móng ở gần miệng của nó bổ trúng chân, coi như người đó sẽ mất mạng.

Sau một hồi trấn tĩnh, bà Hương chấp nhận mua nó với giá 600 nghìn đồng, cao hơn hàng trăm lần những con bình thường. Sau gần một tháng, có rất nhiều khách qua ghé tiệm và đều kinh ngạc khi nhìn thấy con “ngô công chúa” dị biệt này nhưng vẫn chưa ái dám mua vì giá của nó quá cao. Cuối cùng, bà bán nó cho một ông khách ở dưới Long Xuyên với giá 2,5 triệu đồng để về làm cảnh.

XEM THÊM
>> Mùa tìm “tiên dược" phòng the của người Cơ Tu
>> Bí truyền "tiên dược" phòng the của người Mông
(Theo GĐ&CS)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem