Nga cảnh báo triển khai vũ khí hạt nhân nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO

Lê Phương (Reuters) Thứ sáu, ngày 15/04/2022 12:08 PM (GMT+7)
Một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/4 cảnh báo NATO rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu thì Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh.
Bình luận 0
Nga cảnh báo triển khai vũ khí hạt nhân nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev phát biểu trong cuộc họp với các thành viên Hội đồng Bảo an tại Moscow, Nga ngày 21 tháng 2 năm 2022. Ảnh: Reuters

Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga và Thụy Điển đang xem xét gia nhập liên minh NATO. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết nước này sẽ quyết định trong vài tuần tới.

Đáp lại, Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Nga Dmitry Medvedev nói rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO thì Nga sẽ phải tăng cường lực lượng trên bộ, hải quân và không quân ở Biển Baltic.

Thủ tướng Medvedev cũng nhấn mạnh rằng sẽ không có cuộc đối thoại nào về một Baltic "không có hạt nhân" - nơi Nga sở hữu vùng đất Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Lithuania.

Ông Medvedev, tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012, cho biết: "Chúng tôi sẽ không bàn cãi thêm về bất kỳ tình trạng phi hạt nhân nào ở Baltic - sự cân bằng phải được khôi phục".

Thủ tướng Medvedev nói rằng ông hy vọng Phần Lan và Thụy Điển sẽ suy nghĩ kĩ. Ông nói, nếu quyết định gia nhập NATO, hai nước sẽ phải sống chung với vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ở ngay "gần nhà".

Khi được hỏi Washington suy nghĩ như thế nào về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết không có sự thay đổi nào trong quan điểm của Washington và lặp lại rằng "cánh cửa của NATO luôn rộng mở".

"Chúng tôi cho rằng việc mở rộng một liên minh phòng thủ sẽ thúc đẩy sự ổn định trên lục địa châu Âu", người phát ngôn của Bộ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo.

Nga sở hữu kho vũ khí mang đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới, đồng thời cùng với Trung Quốc và Mỹ là một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ tên lửa siêu thanh.

Lithuania cho biết những lời đe dọa của Nga không có gì mới và Moscow đã triển khai vũ khí hạt nhân tới Kaliningrad từ rất lâu trước xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, NATO không phản hồi ngay lập tức cảnh báo của Nga.

Tuy nhiên, việc Phần Lan và Thụy Điển có thể gia nhập NATO sẽ là một trong những hậu quả chiến lược lớn nhất của xung đột ở Ukraine.

Hôm 14/4, Phần Lan đã thông báo về một cuộc tập trận quân sự ở miền Tây nước này với sự tham gia của Anh, Mỹ, Latvia và Estonia.

Thụy Điển không tham gia chiến sự nào trong 200 năm qua. Chính sách đối ngoại của quốc gia này tập trung vào việc hỗ trợ nền dân chủ và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Kaliningrad

Kaliningrad, trước đây là cảng Koenigsberg, nằm cách London và Paris chưa đầy 1.400 km và cách Berlin 500 km.

Năm 2018, Nga cho biết họ đã triển khai tên lửa Iskander tới Kaliningrad, nơi bị Hồng quân chiếm được vào tháng 4/1945 và nhượng lại cho Liên Xô tại hội nghị Potsdam.

Iskander, được NATO gọi là SS-26 Stone, là một hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tầm bắn chính thức của nó là 500 km nhưng một số nguồn tin quân sự phương Tây nghi ngờ con số thực tế có thể lớn hơn nhiều.

Ông Medvedev nói: "Không ai muốn thuế và giá cao hơn, căng thẳng vùng biên giới, cùng với đó là Iskanders, thiết bị siêu thanh và tàu mang vũ khí hạt nhân cách nhà mình chỉ gần một cánh tay. Hãy cùng hy vọng rằng các nước láng giềng phía Bắc của Nga sẽ biết phải làm gì".

Theo một số nhà phân tích, những bình luận của Thủ tướng Medvedev phản ánh suy nghĩ của Điện Kremlin và ông là thành viên cấp cao của hội đồng an ninh - một trong những cơ quan chính của Tổng thống Putin trong việc ra quyết định về các vấn đề chiến lược.

Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas cho biết Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Kaliningrad ngay cả trước khi chiến sự Ukraine xảy ra.

"Vũ khí hạt nhân luôn được cất giữ ở Kaliningrad... Cộng đồng quốc tế, các quốc gia trong khu vực hoàn toàn nhận thức được điều này", ông Anusauskas được BNS dẫn lời. "Nga sử dụng nó như một mối đe dọa".

Ngày 24/2, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Chiến dịch đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời và làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu lớn hơn giữa Nga và Mỹ - hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới cho đến nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem