Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2012 đến tháng 7.2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 794.200 tỷ đồng nợ xấu.
Đặc biệt, trong vòng 1 năm qua, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, toàn hệ thống đã xử lý được trên 140 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, VAMC đã thu hồi gần 100 nghìn tỷ đồng trên tổng số 227 nghìn tỷ đồng nợ gốc mà công ty đã mua và đang quản lý tính đến 15.8
Ngân hàng hồ hởi bán nợ xấu
Trên cơ sở Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhiều tổ chức tín dụng đã thu hồi thành công hàng loạt tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu và tăng tốc bán ra.
Một trong các khoản nợ xấu mà Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đang chào bán là của doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng vay tại Agribank Bình Tân với giá khởi điểm 405 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản nợ này có giá trị ghi sổ đến ngày 15.10 là hơn 708 tỷ đồng, với dư nợ gốc là trên 352 tỷ và nợ lãi là hơn 356 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo của khoản nợ bao gồm quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh tại huyện Bình Chánh, TP.HCM có diện tích gần 7.000 m2 và tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ giá trị xây dựng của công trình cao ốc căn hộ Hạnh Phúc
Ngoài đấu giá tài sản trên, Agribank còn nhiều khoản nợ trên trăm tỷ đồng khác như 7 tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần đầu tư Royal Việt Nam, hơn 166.000 m2 bất động sản và các tài sản gắn liền trên đất ở Hoài Nhơn, Bình Định hay như khoản nợ xấu của Công ty Tập đoàn Đông Thiên Phú với giá khởi điểm hơn 144 tỷ đồng.
Một ngân hàng quốc doanh khác là BIDV cũng rao bán nhiều tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu trong thời gian qua như BIDV.
Theo đó, BIDV đã tổ chức bán đấu giá hàng loạt khoản nợ “khủng” của Công ty CP Thương Mại Toàn Lực với giá khởi điểm hơn 241 tỷ đồng; khoản nợ hơn 678 tỷ đồng của công ty CP Tiến Nga với giá khởi điểm gần 495 tỷ đồng; khoản nợ của Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn với giá 761,5 tỷ đồng. Thuận Thảo chính là công ty của bà Võ Thị Thanh, người được mệnh danh là "bông hồng vàng" Phú Yên. Tuy nhiên, sau nhiều lần đấu giá, khoản nợ xấu này vẫn chưa được chuyển giao cho nhà đầu tư mới.
Bà Võ Thị Thanh, người được mệnh danh là "bông hồng vàng" Phú Yên
Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), sau đợt chào bán khoản nợ 74 tỷ đồng của một công ty do Shark Vương từng làm chủ tịch, ngân hàng này tiếp tục rao bán nhiều khoản nợ cũng như tài sản gắn liền với nợ để thu hồi. Trong đó có khoản nợ 111 tỷ đồng của Công ty cổ phần Thương mại NEM với tài sản đảm bảo là toàn bộ hàng tồn kho của công ty (hàng thời trang, quần áo, đầm bầu…) với giá trị gần 34 tỷ đồng.
Trong khi đó, Vietinbank Chi nhánh Ba Đình cũng rao bán khoản nợ hơn 66 tỷ đồng của Công ty cổ phần Sông Đáy – Hồng Hà Dầu Khí. Chi nhánh Thủ Đức rao bán đấu giá khoản nợ hơn 21 tỷ của Địa ốc Gia Phú...
Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nơi ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT trong năm 2018 cũng đã thu hồi và tích cực rao bán đấu giá hàng loạt tài sản từ trăm tỷ tới nghìn tỷ đồng. Trong số các tài sản Sacombank rao bán có 2 dự án lớn được cho là có liên quan đến ông Trầm Bê, với mức giá khởi điểm lên tới 10.000 tỷ đồng. 2 dự án này gồm dự án Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng và Dự án khu dân cư phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) giá 4.565 tỷ đồng.
Sacombank rao bán nhiều Bất động sản liên quan đến Trầm Bê
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng rao bán dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TP.HCM) giá khởi điểm 6.698 tỷ đồng; Dự án khu nhà ở phương Long Bình (quận 9, TP.HCM) giá 1.815 tỷ đồng
Trước đó, cuối năm 2017, chính Sacombank cũng đã đấu giá 3 lô đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa III, tỉnh Long An với tổng giá trị lên tới 9.200 tỷ đồng.
Đất vàng vẫn “ế”
Nổ phát súng đầu tiên trong từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, dự án Sài Gòn One Tower đã bị VAMC tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý và thu hồi nợ vào tháng 12.2017 sau 10 năm “trùm mền”.
Cao ốc này được VAMC thông báo bán đấu giá để xử lý khoản nợ xấu hơn 7.000 tỷ đồng. Dù vậy, 1 năm kể từ khi thu hồi siết nợ, đến nay khoản nợ này cũng chưa tìm được người mua vì giá trị tài sản quá lớn, hiếm có nhà đầu tư nào đủ năng lực tài chính.
Tòa tháp bỏ hoang bị rao bán siết nợ
Được biết, dự án Saigon One Tower được khởi công từ năm 2007, dự kiến sau khi hoàn thành năm 2009 sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM. Thời điểm cuối năm 2011 khi dự án bị ngừng thi công, ước tính 80% khối lượng công việc đã hoàn thành…
Tương tự, các bất động sản của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn của bông hồng vàng Võ Thị Thanh do VAMC thu giữ và rao bán vẫn chưa tìm được người mua, dù đã hạ giá đến lần thứ 7, xuống mức 761,45 tỷ đồng so với giá khởi điểm là 1.200 tỷ đồng
Lý do đưa ra, quá hạn đăng ký và nộp tiền đặt cọc nhưng vẫn không có cá nhân, đơn vị nào tham gia đấu giá. Việc giảm giá khởi điểm cho thấy khối tài sản thế chấp chưa hấp dẫn so với mức giá, dù cả BIDV lẫn VAMC đã chấp nhận mất toàn bộ lãi lẫn một phần gốc.
BIDV cũng đang đấu giá một số tài sản mà nhiều lần chưa thể bán được, chẳng hạn như khoản nợ của Công ty Địa ốc Gia Phú do vấp phải phản đối mạnh của cư dân sinh sống tại Chung cư Gia Phú...
Vụ rao bán tài sản thế chấp của Công ty Khoáng sản Miền Trung tại Agribank cũng tương tự. Tổ chức 3 lần và liên tục giảm giá (giảm gần 70 tỷ đồng) mà vẫn không có người mua. Agribank cũng liên tục chào bán tài sản của công ty LifePro nhưng mãi không thành. Đã là lần thứ 5 Agribank tổ chức chào bán kể từ cuối năm 2017 đến nay, giá giảm 55 tỷ đồng so với lần đầu tiên, thậm chí quyết tâm hơn khi chấp nhận cả phương án đấu giá theo nhóm tài sản; phiên đấu giá dự kiến mới đây vẫn phải lùi lại.
May mắn hơn cả, trong các tài sản rao bán được đấu giá thành công tại Sacombank là lô đất liên quan tới Trầm Bê nằm tại khu công nghiệp Đức Hoà III (Long An). Sau hai lần rao bán không thành, phải hạ giá gần 900 tỷ đồng với 3 khu đất liên quan đến khoản vay của ông Trầm Bê tại Sacombank, ngân hàng này đã bán và thu về hơn 9.200 tỷ đồng. Thậm chí, để bán thành công lô đất này, Sacombank còn phải chấp nhận cho bên mua trả chậm trong vòng 7 năm, ân hạn hai năm đầu, chi phí trả chậm 7,5%.
Nói về vấn đề này, đại diện của VAMC đã thừa nhận, việc thu hồi nợ xấu tiến triển khá tốt. Tuy nhiên, thị trường có muôn hình vạn trạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng khoản nợ, giá cả chào bán. Do đó, VAMC có khi chỉ đấu giá một lần là bán được tài sản nhưng cũng có tài sản phải đấu giá 7-8 lần, thậm chí là 10 lần vẫn chưa có người mua.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC
Thời gian tới, số tài sản nợ xấu được thu hồi và rao bán sẽ còn tăng. Câu hỏi đặt ra ở đây là ai sẽ mua và lấy tiền ở đâu để mua? Nếu lại đi vay vốn từ các ngân hàng và dùng chính tài sản đó thế chấp, thì nợ xấu có được xử lý triệt để hay chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác?
Dưới 1 góc nhìn khác, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng lại cho rằng, trên thị trường có rất nhiều đại gia có thể đứng ra mua khối tài sản là bất động sản được các ngân hàng rao bán
Theo ông Hiếu, thông thường những bất động sản có liên quan đến xử lý nợ xấu của ngân hàng thường sẽ được bán với giá “mềm” hơn so với giá thị trường hiện nay. Đó sẽ là khoản đầu tư có lời cho nhà đầu tư. “Tất nhiên, cung ắt có cầu, nhưng hiện nay Việt Nam vẫn còn tâm lý quan ngại khi mua tài sản thi hành án và mức giá thực sự chưa “hời” cho nhà đầu tư. Tại các quốc gia phát triển, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng “ôm” đống tài sản này để từ đó khi có cơ hội bán đi kiếm lời hoặc bỏ thêm tiền đầu tư để phục vụ nhu cầu kinh doanh lâu dài” vị này cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.