Ý tưởng lấy tiền ngân sách để xử lý nợ xấu lại được xới lên bởi Dự thảo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Câu chuyện giải quyết cho được nợ xấu để làm lành mạnh hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế đã nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ. Nhất là trong bối cảnh nợ xấu đang gia tăng về quy mô.
Nợ xấu như bãi rác đầu làng và gây ô nhiễm
Nói về nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trung tâm đào tạo nhân lực BIDV ví von nợ xấu như “bãi rác đầu làng, nếu không quyết tâm xử lý trong thời điểm hiện tại thì nó cứ nằm “chình ình” ở đó và gây ô nhiễm chung cho nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 06.2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5.2016. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của 13 ngân hàng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng tuy giảm nhưng quy mô của nợ xấu lại tăng thêm 10.729 tỷ đồng, từ 40.284 tỷ đồng lên 51.013 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ nợ xấu giảm chỉ là yếu tố kỹ thuật, thực tế nợ xấu đang tăng lên. Điều này khiến cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng gặp khó khăn, nhất là mục tiêu giảm lãi suất.
Với thực tế đó, ông Lực cho rằng vấn đề nợ xấu cũng cần một quyết tâm. “Hiện nay chúng ta vẫn đang bất công khi đánh giá vấn đề nợ xấu của ngân hàng chưa hiệu quả. Hệ thống ngân hàng trong 4 năm qua đã phải hy sinh rất nhiều. Ví dự như tự xử lý 55% nợ xấu, còn 45% bán cho VAMC, nhưng vẫn phải trích lập dự phòng, vì thế mà lợi nhuận giảm mạnh”, ông Lực phân tích.
Theo ông Lực, việc xử lý nợ xấu có 3 nút thắt cần được thống nhất để giải quyết. Một là có dùng thêm ngân sách để xử lý nợ xấu hay không? Thứ 2 là ai sẽ bù lỗ và chia lãi với VAMC khi mua nợ xấu về? Vấn đề này cần có cơ chế rõ ràng. Thứ 3 là thị trường mua bán nợ. Ở đây nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần phải có khoảng 5.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng vốn mồi để xử lý nợ xấu
“Với việc dùng ngân sách xử lý nợ xấu thì con số cụ thể sẽ tùy vào khả năng cần đối ngân sách của chính phủ. Và nó sẽ rơi vào khoảng 5.000 đến 10.000 tỷ đồng. Số tiền này gấp 3 đến 5 lần số tiền 2.000 tỷ trước đây ngân sách đã từng bỏ ra để đầu tư cho VAMC mua nợ xấu”, ông Lực tính toán.
Số tiền này, theo ông Lực, chỉ là vốn mồi cho VAMC mua nợ xấu với giá thị trường, sau đó sẽ quay vòng vốn khi đã bán được nợ xấu ra thị trường. “Cùng với đó, có thể phát hành thêm trái phiếu nợ xấu để bán ra thị trường và trái phiếu này sẽ được Chính phủ bảo lãnh để tăng tính thanh khoản”, ông Lực nêu ý tưởng.
Lấy tiền người nghèo chia cho người giàu?
Về vấn đề này, Giáo sư Cao Cự Bội, chuyên gia tài chính ngân hàng băn khoăn: Tiền ngân sách lấy đâu ra để mua nợ xấu? Trong khi chúng ta đang thâm hụt, bội chi ngân sách nặng nề, khó khăn trong kinh phí đầu tư phát triển, lấy đâu ra tiền?
Giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi trung tuần tháng 6 vừa rồi, Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết bội chi ngân sách nhà nước so với GDP thực hiện năm 2014 là 5,69%. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên tới 6,33% trong báo cáo kiểm toán công bố cuối tháng 8 vừa qua, cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu 5% GDP mà Quốc hội cho phép. Năm 2015, bội chi ước tính là 5,7% GDP.
Ngân sách lấy đâu 10.000 tỷ đồng cho ngân hàng xử lý nợ xấu?
Ở một góc nhìn khác, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam, cho rằng nợ xấu của ngân hàng hiện nay nằm ở các đại gia, có những đại gia nợ đến 32.500 tỷ đồng.
“Có một thực trạng đáng bàn là nợ xấu của một số tập đoàn lớn đến mức báo động nhưng chưa thấy có NHTM nào công bố. Tôi mong NHNN công bố rõ nợ xấu hiện nay nằm ở khu vực nào”, ông Mại đề xuất.
Rõ ràng, nợ xấu cần phải làm rõ là ai nợ? Nếu nợ xấu nằm ở những đại gia và họ sử dụng tiền nợ đi xe sang, ở nhà sang, ăn chơi chỗ sang tại sao lại bắt người dân trả nợ cho những ông này?
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh ngân sách là tiền của dân. Do vậy, nếu dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu.
NHNN cho biết, nợ xấu chủ yếu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản nên khi thị trường bất động sản phục hồi còn chậm thì việc phát mại, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản vẫn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu.
Với những phân tích trên, liệu đề xuất sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu có khả thi hay không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.