Những chính sách thuế hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn

PV Thứ sáu, ngày 20/10/2023 09:46 AM (GMT+7)
Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất… để hỗ trợ kịp thời và giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Bình luận 0

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Tổng cục Thuế, từ năm 2019 đến 2022, dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài đã gây ra những ảnh hưởng, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân bị đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng… khiến doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã phải đứng trước những thách thức chưa từng có.

Trước tình hình khó khăn tưởng như khó gượng dậy được của cộng đồng doanh nghiệp trong đại dịch, nhưng với sự nhạy bén, nắm chắc tình hình và diễn biến của nền kinh tế thế giới và trong nước, trong giai đoạn từ 2020-2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất… để hỗ trợ kịp thời và giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Ngành Thuế Việt Nam đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế - Ảnh 1.

Ngành Thuế Việt Nam đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế. Ảnh: Bùi Dương.

Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng. 

Với gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch ước tính lên tới 347 nghìn tỷ đồng, có thể khẳng định Nhà nước đã phản ứng chính sách nhanh đưa ra các chương trình hỗ trợ hết sức kịp thời, đồng bộ và nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ đó đã góp phần quan trọng trong sự phục hồi, sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế trong nước sau đại dịch.

Người dân, doanh nghiệp có động lực phát triển

Trong giai đoạn khó khăn đó, một khảo sát của VCCI đã cho thấy sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp khi có tới 92% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong năm 2021, có 66% số doanh nghiệp đối mặt với suy giảm doanh thu so với năm 2020; hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra.

Ngành Thuế Việt Nam đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế - Ảnh 3.

Chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đã hộ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, phát triển. Ảnh: Quang Minh.

Còn theo thống kê từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, có khoảng 75 nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể trong năm 2021. Chỉ tính riêng 8 tháng năm 2022, con số này đã lên tới gần 73 nghìn doanh nghiệp, tăng khoảng 33% so cùng kỳ năm trước. Theo đó, bình quân mỗi tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vì những khó khăn đang gặp phải trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh này, ngoài việc chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất…thì ngành Thuế Việt Nam cũng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong cải cách hành chính, điện tử hóa, số hóa tất cả các khâu nghiệp vụ trong công tác quản lý thuế.

Đồng thời tổ chức triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Chương trình hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Song song với đó, ngành Thuế với cam kết tiếp tục mục tiêu "Lấy Người nộp thuế làm trung tâm phục vụ", hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy sản mạnh việc xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người lao động. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh, ứng dụng các giải pháp, công nghệ số để mở rộng thị trường, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, góp phần duy trì tăng trưởng dương của nền kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem