Tôm Việt Nam chờ bứt tốc 6 tháng cuối năm

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 21/07/2023 18:34 PM (GMT+7)
Nguồn tôm tồn kho thế giới và lợi thế từ các đối thủ cạnh tranh với tôm Việt đang giảm dần. Đây là cơ hội để ngành tôm Việt nắm bắt, và tăng trưởng xuất khẩu trở lại.
Bình luận 0

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT chia sẻ như thế tại Diễn đàn kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam tổ chức ngày 21/7 tại TP.HCM.

Tôm Việt đặt kỳ vọng vào 6 tháng cuối năm

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường, nửa đầu năm 2023, ngành tôm Việt Nam xuất khẩu 1.546 triệu USD, giảm 31,9% so với cùng kỳ.

Bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, cùng áp lực từ nguồn cung của các đối thủ cạnh tranh đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế và tâm lý người nuôi.

Điều này dễ dẫn đến việc giảm quy mô hoặc tạm ngưng thả nuôi tôm, khó đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu khi thị trường khôi phục.

Ngành tôm Việt Nam đối diện nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngành tôm Việt Nam đối diện nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tín hiệu đáng mừng là các dự báo cho thấy yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho sẽ có xu hướng giảm trong các tháng cuối năm.

Nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng được kỳ vọng giúp kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản nói chung, mặt hàng tôm Việt tăng trở lại tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, EU.

Theo Cục Thủy sản, 6 tháng năm 2023, diện tích thả nuôi đạt 656.000ha, tăng 6,4%. Sản lượng ước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ.

Tuy kim ngạch xuất khâu tôm có giảm nhưng sản lượng và diện tích thả nuôi vẫn đảm bảo kế hoạch, và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản lưu ý người nuôi tôm và doanh nghiệp không vì dao động tâm lý mà bỏ lỡ thị trường xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm.

Cục Thủy sản lưu ý người nuôi tôm và doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, duy trì diện tích, sản lượng chờ thị trường phục hồi cuối năm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cục Thủy sản lưu ý người nuôi tôm và doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, duy trì diện tích, sản lượng chờ thị trường phục hồi cuối năm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng chia sẻ quan điểm này.

Theo Vasep, các nước ở Nam bán cầu sắp hết vụ thu hoạch tôm. Trong khi các nước ở Bắc bán cầu (có Việt Nam) sắp vào vụ mới. Đây là yếu tố có lợi đảm bảo nguồn cung cuối năm. Việc tiêu thụ tôm tồn kho cũng bắt đầu vơi dần.

"Thị trường đang có những dấu hiệu tốt. Người dân và doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam cần tiếp tục cầm cự, chờ thị trường phục hồi, nhất là các mùa lễ hội cuối năm", ông Hòe nói.

Theo ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT, tôm Việt vẫn có rất nhiều lợi thế từ quy trình nuôi, công nghệ chế biến cho đến các ưu đãi thuế quan.

Bộ NNPTNT mong muốn tham tán thương mại các nước tăng cường hơn nữa truyền thông hình ảnh  tôm Việt để tiếp cận tốt hơn thị trường thế giới.

Trong nước, Bộ NNPTNT cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan duy trì vùng nguyên liệu tôm chất lượng.

"Nhiệm vụ xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn phải gắn với HTX, người nuôi với doanh nghiệp, đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn để sẵn sàng xuất khẩu khi thị trường hồi phục", Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem