Nga-Ukraine: Nguy cơ chiến tranh cận kề

Thứ hai, ngày 03/03/2014 06:59 AM (GMT+7)
Chỉ cần Nga đưa quân tấn công vào Crimea, quân đội Ukraine sẽ lập tức phản công. Crimea - vùng đất giữa các cuộc chiến trong quá khứ- nay lại nín thở đón đợi những biến cố mới.
Bình luận 0
“Chiến tranh đã đến”

Trên Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev, nơi những người biểu tình cắm trại trong nhiều tháng để chống lại cựu Tổng thống bị lật đổ Yanukovych, một bộ phim chiến tranh thế giới thứ hai về Crimea đã được hiển thị trên một màn hình khổng lồ, khi Yuri Lutsenko, một cựu Bộ trưởng Nội vụ cho công bố Nghị định của Tổng thống Nga Putin về việc đưa quân đội vào Ukraine. “Chiến tranh đã đến”- ông Lutsenko nói trước đám đông.

Binh lính và xe tăng đã tràn ngập khu vực Crimea.
Binh lính và xe tăng đã tràn ngập khu vực Crimea.

Hàng trăm người Ukraine đổ về tụng kinh, "Vinh danh những anh hùng. Cái chết đến chiếm đóng". Trong khi đó, ở những thành phố khác, người dân Ukraine đã đổ ra đường biểu tình với những khẩu hiệu “hãy cứu chúng tôi, hãy giúp Ukraine”...

Chính quyền lâm thời của Ukraine cũng đã cảnh báo sẽ có chiến tranh nếu quân đội Nga can thiệp vào Ukraine. Tổng thống tạm quyền của Ukraine ông Oleksander Turchynov cho biết, ông đã đặt quân đội của mình trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh. Ông Turchynov cho biết, an ninh đã được tăng cường xung quanh nhà máy năng lượng hạt nhân, sân bay và các "cơ sở chiến lược" khác.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cũng cảnh báo Nga, việc can thiệp quân sự có nghĩa là chiến tranh giữa hai nước láng giềng.

Thượng viện Nga đã nhất trí thông qua đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Ukraine cho tới khi tình hình chính trị ở đất nước này bình thường trở lại. Truyền thông Nga đưa tin, đến ngày 2.3, ông Putin vẫn chưa sử dụng quyết định của các thượng nghị sĩ. Chính phủ Nga làm việc trong chế độ bình thường và không có kế hoạch triệu tập họp khẩn cấp về tình hình ở Ukraine. Tuy vậy, ý định điều quân của ông Putin được cho là đã gửi đến Ukraine một thông điệp mạnh mẽ rằng, ông sẽ không làm ngơ vấn đề này. Ông Putin cũng bác lời kêu gọi rút quân của phương Tây khi khẳng định Matxcơva có quyền bảo vệ những lợi ích của nước này cũng như cộng đồng người nói tiếng Nga ở Crimea và các khu vực khác thuộc Ukraine.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Igor Tenyukh cũng đã báo cáo tại phiên họp đầu tiên của Nội các Ukraine rằng Nga đã điều tổng cộng 30 xe thiết giáp và 6.000 quân tới Crimea. Trong diễn biến mới nhất, trong ngày 2.3, các nhà báo của AP trên bán đảo Crimea của Ukraine đã chứng kiến một đoàn xe chở hàng trăm binh sĩ Nga đang hướng tới thủ phủ Simferopol của khu vực này.

Trên lộ trình từ thành phố Sevastopol đến thủ phủ Simferopol, các phóng viên AP đã nhìn thấy 12 xe tải quân sự chở quân, 1 xe bọc thép GAZ 2330-Tiger và 2 xe xứu thương. Các binh sĩ Nga đã nắm quyền kiểm soát bán đảo chiến lược ở khu vực Biển Đen này ngày 1.3 mà không mất viên đạn nào, trong khi chính phủ mới ở Kiev lại phản ứng một cách bất lực.

Cùng ngày, Hãng tin RIA Novosti của Nga đưa tin, binh sĩ các lực lượng vũ trang Ukraine đóng tại Crimea đang rời đơn vị quân đội và đồng loạt nộp đơn từ nhiệm. Các doanh trại quân đội, trang bị quân sự và kho vũ khí bị bỏ lại đã được chuyển sang đặt dưới quyền kiểm soát của lực lượng tự vệ, vốn duy trì việc bảo vệ và trật tự cho khu vực.

Sáp nhập lãnh thổ?

Với những diễn biến nóng bỏng ở Crimea hiện nay, nhiều câu hỏi được đặt ra như liệu có diễn ra một cuộc sáp nhập chính thức Crimea vào Nga hoặc bán đảo này sẽ được vận hành như một vệ tinh "bán tự trị" khác của Matxcơva? Và tiếp sau Crimea, liệu Nga có tấn công vào các vùng lãnh thổ khác của Ukraine?

Từ bên trong Crimea, người dân Ukraine cũng đang có những nguyện vọng khác nhau về tương lai của họ. Alla Batura, 71 tuổi, đã nghỉ hưu, cho biết: “Tôi muốn sống với Nga, muốn được gia nhập vào nước Nga. Họ là những người tốt, đang bảo vệ chúng tôi, vì vậy tôi cảm thấy an toàn”. Tuy nhiên, không phải ai cũng có nguyện vọng như vậy. Inna, 21 tuổi, một nhân viên bán hàng cho hay: “Tôi đã bị sốc khi nhìn thấy những chiếc xe bọc thép của quân Nga ở đây. Họ nói đến đây để bảo vệ chúng tôi, nhưng ai mà biết được sự thật thế nào”.

Hàng triệu người dân Ukraine đang quay cuồng với câu hỏi, rồi họ sẽ ra sao? Cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng kêu gọi Nga bình tĩnh và tránh leo thang căng thẳng và chấm dứt hành động đưa quân vào Ukraine.

Cho đến nay, dư luận quốc tế đang chờ đợi phản ứng từ phía Mỹ đối với các cuộc đổ quân của Nga vào Crimea, đặc biệt là trong bối cảnh các hành động này diễn ra ngay sau khi Tổng thống Barack Obama cảnh báo Nga về hậu quả của một cuộc can thiệp như vậy.

Cuộc điện đàm kéo dài đến 90 phút ngày 1.3 giữa ông Obama và ông Putin là lần đối đầu trực tiếp hiếm hoi giữa 2 nhà lãnh đạo Nga và Mỹ kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.

Tổng thống Mỹ Obama bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Nga đưa quân vào Ukraine và cho rằng Nga “rõ ràng xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Ông Obama đã nói với Putin rằng hành động của Nga là “vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có các nghĩa vụ của Nga được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, và vi phạm thỏa thuận đặt căn cứ quân sự mà họ ký với Ukraine hồi năm 1997”. Tuy nhiên, điện Kremlin cho biết, ông Putin nói với ông Obama rằng: “Nga có quyền bảo vệ lơi ích của mình trong khu vực Crimea và những người nói tiếng Nga sống ở khu vực đó”.

Lịch sử 5 năm qua cho thấy Mỹ thường phản ứng một cách thụ động đối với những hành động của Nga, đôi khi giả bộ như không biết gì về sự quyết đoán của Nga, thậm chí trong cả những vấn đề mà Mỹ cho là "không thể chấp nhận được".

Quang Minh - Mai Dũng (Quang Minh - Mai Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem