Ngày càng nhiều chùa hoành tráng, xa hoa không đúng truyền thống văn hóa Việt

Huy Hoàng Thứ tư, ngày 27/03/2019 16:08 PM (GMT+7)
"Bây giờ nhìn lại, hàng loạt ngôi chùa rất lớn, hoành tráng, xa hoa..., những ngôi chùa này không phải là chùa của Việt Nam" - đó là điều trăn trở, quan tâm của nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng như nhiều văn nghệ sĩ hiện nay.
Bình luận 0

Sáng 27.3, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã có buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Thỉnh vong, cúng “oan gia trái chủ” có phải mê tín dị đoan?".

img

Một trong những nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm là một điều nghịch lý, đến chùa vốn là để tĩnh tâm, nhưng nay chùa được xây dựng ngày càng to thì càng đông người đến, thậm chí chùa còn được xây dựng theo kiểu thương mại, có tính giải trí, không hiểu những người đến chùa có tìm được sự tĩnh tâm và họ mong đợi điều gì ở những ngôi chùa này.

Theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ - một khách mời của chương trình giao lưu trực tuyến, đây là câu hỏi không chỉ mình ông, mà rất nhiều trí thức, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà văn hoá, hoạ sĩ... đều quan tâm. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: "Thời Lý chúng ta không có ngôi chùa như hôm nay. Kiến trúc nói chung của văn hoá tôn giáo Việt Nam là những ngôi chùa rất nhỏ nhưng đẹp, chìm trong không gian thuần Việt, chìm trong làng quê Việt Nam. Các ngôi chùa thời xưa không có máy lạnh nhưng rất mát, khi người ta tìm đến là cảm nhận không khí chùa yên tĩnh, thanh tịnh. Nhưng bây giờ nhìn lại, hàng loạt ngôi chùa rất lớn, hoành tráng, tôi không biết dùng từ xa hoa có đúng không.

Có lẽ nói từ xa hoa là dùng cho các tăng lữ. Nhiều văn nghệ sĩ nói với tôi, những ngôi chùa này không phải là chùa của Việt Nam. Đành rằng với những tôn giáo khác, như Kito có những nhà thờ rất lớn, nhưng đó là quan niệm của dân tộc, tôn giáo đó. Nhưng với Việt Nam, thì từ hàng trăm năm, hàng nghìn năm ở nhà Lý, nhà Trần không có quan niệm như thế, và điều đó có tác động như thế nào đó tới con người ở xã hội này. Cho nên đó là điều mà giới văn nghệ sĩ chúng tôi quan tâm".

img

Chùa Ba Vàng về đêm, được ghi danh là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất, đạt kỷ lục Việt Nam từ năm 2014. Chùa vừa bị xem xét, xử lý vì hoạt động truyền bá vong báo oán, thỉnh oan gia trái chủ.

Sống tử tế trong sạch, tu tại chỗ sẽ thấy Phật trong tâm

Sau vụ việc ầm ĩ của chùa Ba Vàng, quan niệm vong hồn, thỉnh oan gia trái chủ khiến nhiều người thắc mắc, không hiểu. Về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết trao đổi: "Cũng như hai nhà nghiên cứu và xã hội học là TS Trịnh Hoà Bình và TS Nguyễn Ngọc Mai đã nói, chúng ta chưa thể lý giải nhiều hiện tượng, trên thế giới cũng có nhiều chuyện không lý giải được. Bây giờ bảo không có vong hay có vong thì cũng khó để nói. Bởi cũng có những người có năng lực đặc biệt, liên lạc nào đó để đi tìm liệt sĩ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã cho tôi xem video một người đã cố gắng đi tìm mộ liệt sĩ mà không lấy tiền. Điều đó làm tôi rất ngạc nhiên, ví dụ như nói về giáo lý nhà Phật chẳng hạn, nói là có linh hồn, nhưng chúng ta ứng xử như thế nào thì phải trở lại với nguyên lý của nhà Phật.

Tôi xin kể lại câu chuyện của chính tôi. Khi tôi ở Đức về tôi có mang về 3 chiếc quần rất ấm, cha tôi rất thích. Khi cha tôi mất, các con đã tắm rửa cho ông bằng nước thơm và đi tìm quần áo để mặc cho ông. Nhưng tìm quần mà tôi đã mua cho ông không thấy đâu, tôi chạy sang phòng của mình lấy chiếc quần của tôi để mặc cho ông.

Có người trong nhà đã cản tôi và bảo không được, phải cởi quần đó ra, nếu không nay mai là anh sẽ bị hại. Anh lại trùng tuổi với bố anh. Bố tôi cùng tuổi Tý với tôi. Lúc đó trời rất lạnh, tôi đã chần chừ, và suy nghĩ rằng tôi rất yêu bố tôi và bố tôi cũng rất yêu tôi, vậy thì tại sao bố tôi lại quay lại hại tôi được. Chính suy nghĩ đó, niềm tin bất tử đó mà tôi quyết định không để cha tôi phải bị lạnh hơn nữa. Nếu có vấn đề gì, tôi sẵn sàng đi theo cha tôi. Tôi biết bố tôi rất thích cái quần đó, vì mặc rất ấm.

img

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Và mọi sự đúng như tôi nói, năm nay bố tôi mất đã được 19 năm, nhưng tôi toàn mơ thấy bố tôi về và nói những lời âu yếm. Vì vậy mà tôi không bao giờ tin bố tôi hay những người họ hàng của mình lại quay về tiêu diệt hại mình. Tôi gặp lại cha, mợ tôi chỉ trong giấc mơ với lời yêu thương, âu yếm.

Có thể có vong chứ, nhưng một điều tuyệt đối tin tưởng cũng như là lời dạy của Phật, là tự khám phá và tin vào bản thân của mình. Và chân thành đối với quỷ thần, bởi vì văn hoá Việt đã dạy trong văn tự cổ: Lời chân thành của người có thể cảm hoá được quỷ thần. Tôi chưa bao giờ nhận mình là phật tử, tôi chỉ là chúng sinh, nhưng tôi tin ở sự sáng láng của Đức Phật. Tôi tin ở điều thiện của Gia tô giáo và đạo Tin lành rao giảng cho chúng sinh trong cõi nhân gian này.

Nói về chuyện vong, tôi nghĩ nếu ta làm sai điều gì ta phải biết sám hối. Tôi mỗi năm lại ngồi sám hối tại khu vườn ở nhà mình, và nghĩ xem một năm qua mình đã có những lời nói, hành động nào có lỗi với vợ. Một năm qua mình đã có những lỗi lầm nào. Từ chỗ ngồi yên tĩnh đó, tôi đã ngồi tĩnh tâm và suy nghĩ.

Chính ngôi vườn của tôi là nơi tôi có thể trở thành phật tử. Tôi nghĩ hãy sống cho tử tế trong sạch ở hiện tại thì các bạn sẽ tới giới tầng bồng lai, còn nếu như chúng ta không biết tiết chế lòng tham thì đấy là chúng ta đã tạo nên một cái nghiệp. Mà đức Phật dạy đời là bể khổ. Muốn thoát ra khỏi điều đó, chúng ta phải tu tỉnh từng ngày một. Đừng có tham quá, đừng có giận quá, đừng có vui quá... tôi là con người mạnh mẽ, đã trải qua đủ thăng trầm, tôi có lời khuyên, các bạn hãy tin ở bản thân mình và tu ngay tại chỗ thì bản thân mỗi người sẽ tìm thấy Phật ở trong mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem