Ngày hòa bình

Hoàng Hải Vân Thứ bảy, ngày 29/04/2023 14:21 PM (GMT+7)
"Chừng nào thật hoà bình/Ra lộ Bốn trải ni-lông nằm một đêm cho thoả thích", nhà thơ Thanh Thảo từng nói như vậy trong bài thơ "Người lính nói về thế hệ mình" viết trong chiến tranh.
Bình luận 0

Hai mươi năm chiến tranh, cả một thế hệ đi chiến đấu, khát vọng cháy bỏng là hoà bình chứ không phải là những điều đao to búa lớn. Khát vọng hoà bình đó hàng triệu người đã không bao giờ với tới.

Từ Hiệp định Geneve năm 1954 chia đôi đất nước đến ngày thống nhất 1975 là 21 năm. Và cuộc chiến tranh đã lùi xa 48 năm. Cũng cần nghiêm cẩn đối với lịch sử. Theo Hiệp định, 2 năm sau, tức là năm 1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử. Hồi đó, lực lượng vũ trang Việt Nam dân chủ cộng hoà ở miền Nam phải giải thể, bộ đội Việt Minh phải tập kết ra Bắc, những người ở lại đều là dân sự bị cấm trang bị vũ khí. Cả nước chờ tổng tuyển cử. Việc cấm trang bị vũ khí hồi ấy là sự thật, không chỉ là tuyên bố mà còn là quy định của Đảng Lao động Việt Nam.

Khi viết loạt ký sự về ông Mười Khôi, một Bí thư tỉnh uỷ anh hùng của Quảng Nam thời đó, tôi có lần ra nhiều tài liệu thực tế. Sau năm 1954, những người yêu nước bị đàn áp rất man rợ nhưng không một tấc sắt trong tay, trong một cuộc họp của Thường vụ Tỉnh uỷ, ông Mười Khôi lúc đó là một trong những người lãnh đạo Tỉnh uỷ đã đề nghị trang bị vũ khí để tự vệ, Bí thư Tỉnh uỷ là ông Phan Tốn nói : "Không được. Sử dụng vũ khí thì đâu chỉ có tao với mày bị khai trừ mà toàn bộ Đảng bộ này cũng bị khai trừ khỏi Đảng".

Dẫn chi tiết đó để thấy ngay từ đầu, Đảng Lao động Việt Nam và người người kháng chiến thành tâm tin vào việc thống nhất đất nước bằng con đường hoà bình. Đến khi hàng trăm ngàn người yêu nước bị sát hại, vào năm 1959 Đảng Lao động Việt Nam mới cho phép sử dụng vũ trang nhưng đấu tranh chính trị vẫn là chính, đấu vũ trang chỉ là kết hợp. Sau đó ngoại xâm bắt đầu dày xéo trên miền Nam và leo thang ném bom miền Bắc, công cuộc chống Mỹ cứu nước mới bắt đầu.

Chiến tranh kết thúc. Người Việt Nam dù phía bên này hay phía bên kia đều được hưởng hoà bình. Có thù hận lẫn nhau không? Có. Nhưng ai thù hận ai?  

Những người dân quê tôi, nhiều gia đình thuộc phía bên này và một số gia đình thuộc phía bên kia, nhưng sau ngày hoà bình họ đều cùng nhau làm ăn sinh sống, không hề có chuyện trả thù hay phân biệt đối xử. Những ai về nông thôn, khắp nơi ở miền Nam, đều thấy rõ chuyện đó. Hoà hợp dân tộc là tự nhiên, chẳng cần ai kêu gọi, ngay từ sau năm 1975. Trong dân đời nào cũng có mâu thuẫn, nhưng dân không thù hận lẫn nhau.

Cũng sau năm 1975, ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Chủ tịch TP.HCM, nói một câu xúc động : "Thanh Niên không ai chọn cửa sinh ra". Ông là người đầu tiên trong giới lãnh đạo công khai quan điểm chống chủ nghĩa lý lịch. Câu nói ấy của ông làm phấn khích cả một thế hệ. Nhưng lúc đó ông chỉ là một nhà lãnh đạo của TP.HCM, nên mãi đến 10 năm sau cả nước vẫn còn vô số những trường hợp thi đỗ đại học mà không được đi học vì lý lịch. Rất nhiều năm sau đó vấn đề lý lịch mới được xoá bỏ trong tuyển sinh. Sự bất cập của chính sách đã được khắc phục theo nguyện vọng của dân chúng.

Khi kỷ niệm 30 năm ngày 30/4, ông Võ Văn Kiệt còn nói một câu gây xúc động nữa: "Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn". Ông muốn dân tộc Việt Nam là một, không còn người bên này hay người bên kia. Đó cũng chính là lòng dân.

Yêu hoà bình là bản tính của dân tộc Việt Nam ta. Để có hoà bình, hàng triệu người đã phải ngã xuống. Khi có bất kỳ kẻ xâm lược nào, cả dân tộc sẵn sàng cầm súng. Nhưng đuổi giặc đi rồi thì khoan dung tha thứ lẫn nhau, tha thứ cho cả những kẻ đã từng xâm lược. Đó cũng là bản tính của dân tộc.

Dân tộc này không thù dai và không quen đánh võ mồm. Bởi vậy, 30/4 nên gọi là Ngày Hoà bình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem