Ngày thơ Việt Nam: Thăng hoa cùng sắc xuân

Thứ sáu, ngày 18/02/2011 05:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Rằm tháng Giêng (17.2), trời mưa lất phất, nhưng Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) vẫn đông nghẹt người đến thưởng ngoạn Ngày Thơ Việt Nam lần thứ IX.
Bình luận 0

Hấp dẫn, thú vị, bị cuốn hút là cảm nhận chung của nhiều người tham dự Ngày Thơ Việt Nam lần IX.

img
Màn trình diễn của Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh.

Nô nức và mới lạ

Năm nay cách sắp xếp, trang trí ngày hội có phần trang trọng, thoáng đãng hơn những năm trước. Các CLB thơ có được những không gian riêng để trưng bày, thể hiện bản sắc, tác phẩm của hội viên. Hàng quán được quy hoạch gọn gàng, trật tự. Hệ thống trưng bày tượng bằng đồng các nhà thơ, nhà văn tên tuổi được Giải thưởng Hồ Chí Minh xung quanh giếng Thiên Quang khá ấn tượng. Người xem hứng thú bởi nhiều cái tên đã quá quen giờ mới thấy mặt.

Chủ đề "Mùa xuân đất nước" với phong cách biểu diễn cổ điển, sân thơ truyền thống năm nay vẫn ấm áp, sâu sắc và lay động lòng người. Màn kết ấn tượng của sân thơ truyền thống: Thả 50 quả bóng bay kèm dải lụa ghi những câu thơ hay, chọn lọc của 50 nhà thơ nổi tiếng VN khiến người xem không khỏi bồi hồi, thích thú.

Rút kinh nghiệm về sự dàn trải của Ngày Thơ lần thứ VIII, sân thơ trẻ (năm nay gọi chung là sân thơ hiện đại) quy tụ lại chỉ một sân khấu trình diễn. Xung quanh là các khoảng không trưng bày ấn phẩm của các nhà thơ hiện đại có tên tuổi: Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Lữ Thị Mai, Nguyễn Quang Hưng, Phùng Hương Ly, Nguyễn Vĩnh Tiến…

Chất lượng thơ tốt, nhiều vần thơ, cấu tứ lạ, tinh lọc và nhiều ẩn dụ. Đan xen các phần trình diễn thơ là màn múa hình thể, ngắn gọn nhưng giàu tính kết nối. Đáng mừng hơn, sân thơ trẻ năm nay có nhiều hơn những mái tóc hoa râm, những gương mặt đứng tuổi đến xem, nghe và chia sẻ.

“Nhạt” sân thơ thiếu nhi

So với hai sân thơ truyền thống và hiện đại, sân thơ thiếu nhi lần đầu được tổ chức nhưng có phần lép vế và thiếu được quan tâm. Là một hoạt động mới nhưng sân thơ này bị đẩy hẳn sang một khu vực riêng phía hồ Văn đối diện cổng Văn Miếu.

Cách trang trí sơ sài khiến người đi qua tưởng đó là một hoạt động ngoại khóa của một lớp hay, trường học. Đã thế, dăm ba quầy sách ở sân thiếu nhi lại ít bán những cuốn đúng lứa tuổi, thậm chí có cả những cuốn thơ có hình bìa "mát mẻ" xuất hiện.

Bước qua hai sân thơ phía bên Văn Miếu, người xem dường như bị choáng ngợp và tức mắt bởi cách bài trí đèn lồng đỏ quá nhiều ở phía ngoài cổng Khuê Văn Các. Nhiều người còn thốt lên: Giống Trung Hoa, thiếu thuần Việt.

Theo nhiều người tham dự, lễ rước ở sân thơ truyền thống năm nay có phần ngắn gọn hơn, nhưng một số nghi lễ khác lại chưa thực sự hợp lý và tốn kém tiền của, thời gian. Bên cạnh đó, chất lượng loa quá kém, MC nói nhỏ khiến những người cao tuổi nghe không rõ. Những giọng đọc thơ còn cũ kỹ, quen thuộc.

Khác với sân “thơ già”, sân trẻ năm nay khá ấn tượng và hấp dẫn nhưng việc nhìn giấy đọc thơ, thiếu kỹ năng thể hiện vẫn khiến người xem cảm thấy chưa hài lòng.

Nhà thơ Trương Xuân Thiên:
Cách bố trí sắp đặt của BTC ngày thơ năm nay rất phù hợp với giới trẻ. Từ sân khấu chính đến các khu trưng bày thơ của các nhà thơ trẻ được trưng bày như những chiếc máy tính. Điều này đã tạo ra sự gần gũi giữa nhà thơ và những người đến tham gia chương trình. Tuy nhiên, nếu những hình ảnh hoa đào dùng để trang trí được thay bằng những hình ảnh có tính chất phá cách sẽ tạo ra nhiều ấn tượng mạnh hơn nữa.

Nhà thơ Phạm Vân Anh:
So với năm ngoái, ngày thơ năm nay có nhiều thay đổi cả về nội dung và hình thức để thích hợp với nhu cầu của giới trẻ. Về nội dung, các tác phẩm được chọn để đọc trong ngày thơ năm nay đều đã được chọn lọc khá kỹ và được chia ra thành nhiều chủ đề khá phù hợp. Tham gia ngày thơ ngoài việc để giao lưu gặp gỡ, các nhà thơ còn có cơ hội mở lòng ra với khán giả. Công Trình - Ngô Xuân (ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem