“Nghe có ý thức” để ngăn chặn sự đầu độc thẩm mỹ nghe nhạc

Thứ sáu, ngày 19/10/2012 08:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Chúng tôi muốn nhắm đến ý thức của nhà sản xuất, nhạc sĩ, những nhà kinh doanh âm nhạc về việc ủng hộ bản quyền và xa hơn nữa là xây dựng được đời sống âm nhạc lành mạnh trong xã hội hiện nay chứ không phê phán khán giả” - nhạc sĩ Anh Quân cho biết.
Bình luận 0

Chiến dịch “Nghe có ý thức” của nhóm nhạc sĩ Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn đang thu hút sự chú ý của dư luận. Anh có thể nói rõ hơn về ý tưởng này?

- Cái tên của chiến dịch mà các nhạc sĩ chúng tôi muốn vận động mọi người quan tâm, ủng hộ về bản quyền và xa hơn nữa là xây dựng được đời sống âm nhạc lành mạnh, phát triển, chứ không phải là nhằm vào phê phán thói quen nghe nhạc “chùa” của công chúng. Bởi công chúng không bao giờ có lỗi, cái thói quen, ý thức là do nhà sản xuất, nhạc sĩ, những nhà kinh doanh âm nhạc tạo nên.

Tất cả chúng tôi đã rất băn khoăn và tổ chức một hội thảo từ đầu năm nhưng sau đó mọi chuyện bị rơi vào quên lãng. Và bây giờ nhân chuyện hai hãng sản xuất lớn rút quảng cáo khỏi trang Zing khi trang này bị phát hiện vi phạm bản quyền nhạc số thì chúng tôi quyết định ngồi lại và bàn với nhau phải làm một cái gì đó để kêu gọi hưởng ứng của mọi người về bản quyền.

img
Các thí sinh của Vietnam Idol 2012 ủng hộ chiến dịch “Nghe có ý thức”.

Với công việc của anh và Quốc Trung, Huy Tuấn... nạn vi phạm bản quyền ảnh hưởng cụ thể như thế nào?

Điều đầu tiên chúng tôi muốn khẳng định là các trang web chia sẻ âm nhạc miễn phí là nơi đã “hủy hoại” đời sống âm nhạc cũng như nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam, mức độ rất là kinh khủng. Việc làm đó đã giết chết nguồn cảm hứng cũng như động lực sáng tạo của các nhạc sĩ. Còn về góc độ là một nhà sản xuất thì tôi và nhiều đồng nghiệp bị bế tắc trong định hướng cũng như lối ra kinh doanh và phát triển những sản phẩm của mình.

“Khi đưa ra chiến dịch “Nghe có ý thức”, chúng tôi đang từng bước vận động các nghệ sĩ đồng lòng tham gia hưởng ứng và hy vọng từng bước một sẽ có được sự hưởng ứng của toàn xã hội”.

Một điều nguy hiểm hơn là những trang đó “đầu độc” một lớp nghệ sĩ trẻ cũng như một lớp khán giả trẻ, vì chúng sẽ hướng đến một giá trị ảo bằng những lượt người nghe cũng ảo. Và điều đó sẽ ảnh hưởng đến mục đích làm nghệ thuật chân chính, vì những nghệ sĩ trẻ đó sẽ trở nên háo danh hơn, rồi lớp trẻ sẽ bị đầu độc thẩm mỹ nghe nhạc từ những sản phẩm không được kiểm duyệt, cấp phép. Điều đó theo tôi nguy hiểm hơn là việc chúng ta thiệt hại bao nhiêu tiền cho một ca khúc hay một sản phẩm âm nhạc bị phát tán miễn phí.

Sau khi chiến dịch được phát động, anh thấy hiệu ứng cũng như sức lan tỏa thế nào?

- Chiến dịch nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ. Sự ủng hộ cũng như kết quả của chiến dịch mang lại đã tạo động lực, sự tự tin đến những việc chúng tôi đang làm là đúng đắn. Chúng tôi rất vui khi có hàng trăm bình luận, status (dòng trạng thái) trên mạng xã hội ủng hộ chúng tôi, thể hiện những cái nhìn, cách phản biện khác nhau về bản quyền, qua đó đóng góp để chiến dịch hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem