Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Một HTX ở vùng đất cố đô Hoa Lư không cho lá rụng... về gốc
Nghề độc lạ ở Ninh Bình: Một HTX ở vùng đất cố đô Hoa Lư không cho lá rụng... về gốc
Trần Phúc
Thứ sáu, ngày 10/11/2023 19:50 PM (GMT+7)
Ở Việt Nam, bồ đề được trồng nhiều nhất ở tỉnh Ninh Bình nơi có nhiều khu di tích lịch sử và các điểm du lịch tâm linh. Tận dụng thế mạnh của vùng nguyên liệu, những người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình đã nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm tranh từ xương lá bồ đề.
Từ lâu, cây bồ đề đã được xem là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên cây bồ đề còn được mọi người biết đến với tên gọi khác là "cây giác ngộ". Tương truyền về sự tích cây bồ đề kể rằng, đức Phật Thích Ca đã ngồi thiền định dưới bóng cây Bồ đề 49 ngày, sau đó đã giác ngộ được giáo lý của Phật giáo. Sau khi giác ngộ, Đức phật đã đi truyền bá giáo lý khắp các vùng ở châu Á và hướng mọi người đi theo đạo Phật. Vì vậy nhìn thấy cây bồ đề là người ta thấy được sự bình yên và may mắn.
Nình Bình là địa danh nổi tiếng gắn liền với các di tích lịch sử tâm linh như quần thể đền thờ các triều đại Đinh, Tiền Lê – Cố đô Hoa Lư… là địa danh gắn với chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Có thể coi Ninh Bình là vùng đất Phật Giáo của Việt Nam. Cây bồ đề được xem là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo. Tận dụng thế mạnh vùng nguyên liệu, người dân xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình đã nghiên cứu, sáng tạo và biến những chiếc lá bồ đề thành các sản phẩm nghệ thuật có ý nghĩa tâm linh: Tranh lá bồ đề.
Chị Trịnh Thị Lý - Phó Giám đốc Hợp tác xã Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình chia sẻ: "Một lần tình cờ được xem các clip ở trên mạng về ý nghĩa của lá bồ đề trong đạo Phật và có một số sản phẩm lá bồ đề đã có từ trước đó ở những nước nổi tiếng về Phật giáo như Ấn Độ, Trung Quốc, chúng tôi đã liên tưởng ngay đến Bái Đính quê hương mình - nơi cũng có rất nhiều những cây bồ đề ở dọc đường. Cây bồ đề được xem là một trong những cái biểu tượng mới của vùng đất thiêng Bái Đính".
"Từ đó, chúng tôi nghĩ rằng những chiếc lá bồ đề ở ngay trên mảnh đất quê hương mình. Nếu chúng ta cứ để lá bồ đề theo vòng tròn của tự nhiên, mọc rồi sẽ rụng đi và về với đất thì sẽ thật lãng phí. Thay vào đó, mình có thể tạo ra một sản phẩm từ những chiếc lá bồ đề này, để từ đó mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống. Ví dụ, tạo công ăn việc làm cho chính những người dân địa phương từ loài cây đang trồng nhiều trên mảnh đất quê hương mình. Đồng thời, loài cây này cũng có ý nghĩa rất đặc biệt. Đó là một trong những biểu tượng của sự tỉnh thức trong đạo Phật. Nó rất là có ý nghĩa với những người theo và yêu mến đạo Phật" - chị Lý tâm sự.
Từ suy nghĩ đó các bạn trẻ trong HTX Sinh Dược đã bắt tay vào tìm hiểu và thử nghiệm để có thể lấy được xương từ chiếc lá bồ đề. Chu trình tạo ra sản phẩm tranh lá bồ đề rất kì công. Bước đầu những chiếc lá tươi có hình dáng đẹp được thu hái và lựa chọn, sau đó nguyên liệu được phân loại theo kích thước, hình dáng và màu sắc của từng chiếc lá.
Để tạo thành những tác phẩm từ lá bồ đề, người nghệ sĩ phải chọn những chiếc lá bồ đề tươi được hái từ trên cây vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm. Bởi, đây là thời điểm lá đẹp nhất trong năm. Những chiếc lá này được ngâm trong nước vôi trong từ 1 - 2 tháng cho phần thịt lá rữa ra để thu về phần xương lá.
"Khi thu được xương lá bồ đề thì chúng tôi rất là vui mừng và ngạc nhiên vì khi nhìn thấy những sản phẩm ở trên thị trường, chúng tôi đã rất tò mò với suy nghĩ trong đầu: Tại sao từ một chiếc lá thông thường lại có thể biến thành một cái xương lá rất là hoàn hảo và đẹp như những chiếc cánh chuồn chuồn như vậy? Chúng tôi nghĩ đó phải là một công nghệ rất là cao siêu nhưng thực ra nó rất đơn giản" - chị Lý hào hứng kể lại cho chúng tôi nghe.
Sau khi đã ngâm trong nước từ 1- 2 tháng, người thợ dùng bàn chải nhỏ chà từng chiếc lá cho hết phần thịt còn sót lại ở phần thân, cuống lá.
Để tạo ra màu trắng hay vàng cho những chiếc lá bồ đề thành phẩm thì người thợ ngâm phần xương lá vào các dung dịch tẩy rửa hoặc dung dịch màu khác nhau theo từng mục đích.
"Xương lá bồ đề ban đầu có màu trắng ngà nên khi làm nên các sản phẩm sẽ chưa được đẹp vậy nên chúng tôi phải nghĩ cách để tạo màu cho sản phẩm như là tạo màu vàng chẳng hạn hoặc là màu trắng đẹp" - Phó Giám đốc HTX Sinh Dược bày tỏ.
Nghĩ là làm, nhóm các bạn trẻ ở HTX Sinh Dược lại tiếp tục nghiên cứu các dung dịch an toàn để làm cho chiếc lá trắng hơn hoặc những chất tự nhiên hay chất nhân tạo để có thể giúp lá có màu vàng đẹp. Ví dụ như sử dụng bột nghệ để tạo ra màu vàng cho lá bồ đề.
Việc phân loại xương lá bồ đề cũng là một công đoạn khá tỉ mỉ và quan trọng. Ở công đoạn này nguyên liệu sẽ được phân loại theo kích thước, hình dáng và chất lượng của từng chiếc lá.
"Ban đầu, chúng tôi cũng phải bỏ đi cũng khá nhiều lá, những chiếc lá rách hỏng hay là những chiếc lá đã ngâm 4 tháng không rữa ra,... Sau khi làm một thời gian, chúng tôi đã rút kinh nghiệm để cho ra những chiếc lá thành phẩm đẹp nhất. Đó là những chiếc lá có phần đuôi dài để khi xếp các bức tranh hoặc là làm các sản phẩm khác sẽ tạo thành hình rất đẹp giống như là cánh tay của người theo đạo Phật" - chị Lý chia sẻ thêm.
Tiếp tục tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm
Những công đoạn trên đã tỉ mỉ, kỳ công bao nhiêu thì đặc biệt là công đoạn ghép tranh lại càng phải đòi hỏi sự tinh xảo, khéo léo và óc thẩm mỹ bấy nhiêu.
Các bức tranh được ghép từ nhiều chiếc lá đơn – có thể lên đến hàng nghìn chiếc tùy theo kích thước và loại tranh. Tranh được chia thành các phân khúc có nội dung sử dụng khác nhau. Từ đó, nghiên cứu không ngừng từ chất lượng lá, chất lượng nội dung tranh dựa trên sự nghiên cứu tỉ mỉ ở nhu cầu của từng phân khúc khách hàng. Thời gian ghép tranh có thể dao động 4-5 tiếng hoặc 4-5 ngày hoặc vài tháng tùy thuộc vào nội dung, khối lượng, chất lượng và nguyên liệu tạo thành của bức tranh.
Đối với những bức tranh pha trộn thêm chất liệu khác như gỗ, đá… thời gian còn lâu hơn, bởi quy trình chế tác rất khắt khe, tỷ mẩn. Thậm chí, còn phụ thuộc vào cảm hứng sáng tạo của những người thợ…
Đội ngũ các bạn trẻ tại HTX Sinh Dược đã khéo léo kết hợp các vật liệu là thế mạnh của thủ công mỹ nghệ tại địa phương. Trong đó có tranh thêu Minh Trang, gốm Bồ Bát, cói Kim Sơn các vật liệu tinh xảo từ gỗ mỹ nghệ hay dát vàng nhằm nâng tầm giá trị của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại địa phương đồng thời đa dạng hóa loại hình sản phẩm của tranh lá bồ đề với mục đích cho ra đời các bức tranh độc bản tạo giá trị nghệ thuật cao đồng thời tạo sự liên kết trong chuỗi sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại địa phương.
Tranh lá bồ đề là sản phẩm của HTX Sinh Dược, đã quy tụ nhiều nghệ nhân của huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình và tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Sản phẩm là kết quả của sự sáng tạo của người dân nơi đây, và dần trở thành sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của vùng đất này.
Tranh và các sản phẩm từ lá bồ đề là quà tặng tuyệt vời cho du khách khi đến thăm vùng đất này.Với tinh thần không ngừng học hỏi và sáng tạo trên tinh thần hợp tác và cùng phát triển các nghành nghề thủ công mỹ nghệ tại địa phương, HTX Sinh Dược đã và đang từng bước đưa sản phẩm tranh lá bồ đề không ngừng vươn cao và bay xa tới khắp các vùng miền trong cả nước trên khắp các lĩnh vực thường thức cuộc sống.
Người ta thường nói: "Cứ đi để lối thành đường" và câu nói này đã đúng với các bạn trẻ ở HTX Sinh Dược. Vượt qua những khó khăn ban đầu, nhờ sự tỉ mỉ, kỹ càng đến từng chi tiết, những người thợ ở HTX Sinh Dược đã tạo nên những tác phẩm "độc bản" có giá trị lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm tranh lá bồ đề của HTX đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Ninh Bình.
Tranh bồ đề đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao, UBND tỉnh Ninh Bình cũng có văn bản đề nghị với Bộ Nông nghiệp &PTNT đưa sản phẩm này thành sản phẩm quốc gia và sẽ nâng lên thành 5 sao trong thời gian tới".
Ông Phạm Mạnh Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình
Không giấu nổi niềm vui, khoe với tôi, đại diện HTX Sinh Dược phấn khởi nói: "Để nâng cao giá trị nghệ thuật và thương hiệu, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và cho ra các dòng sản phẩm lưu niệm có giá trị cao về mặt nghệ thuật như: cúp pha lê lá bồ đề, lá bồ đề dát vàng, thập bồ đề hoa thiên đăng, thư pháp trên lá bồ đề…
Trong đó, những tác phẩm tranh có giá trị cao như: Bồ đề nghìn năm, khổng tước song toàn, hồng phúc bồ đề, đại thụ ngàn năm, phật tâm bồ đề… Những tác phẩm tranh lá bồ đề có giá trị cao này được bán ra với giá hàng chục triệu đồng".
Gần đây nhất, nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, HTX Sinh Dược còn tổ chức trồng hàng trăm cây bồ đề, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho hoạt động sản xuất của xưởng tranh "Bồ đề Tây Phương". Hoạt động được sự ủng hộ của lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh; đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình và toàn thể thành viên HTX cùng người dân địa phương.
Những tác phẩm đó đã bay xa, không chỉ ở trong nước, mà còn theo chân du khách ra nước ngoài. Không những thế, từ thành công của tranh lá bồ đề, hai người trẻ còn đang ấp ủ nhiều dự định như một sự "giác ngộ". Họ tâm niệm, tranh lá bồ đề là quả ngọt đã hái, giờ là lúc họ toàn tâm toàn ý ươm mầm giác ngộ cho đời sau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.