Đưa tri thức bản địa vào một nghề truyền thống giúp người Tày ở Bắc Kạn tạo việc làm, thêm thu nhập

Chiến Hoàng Thứ năm, ngày 01/06/2023 06:30 AM (GMT+7)
Để nấu ra thứ rượu men lá Bằng Phúc nức tiếng, bí quyết quan trọng nhất chính là làm men lá. Những quả men lá đặc biệt mang tính tri thức bản địa ấy do người Tày ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn làm ra từ các loại cây dược liệu sẵn có trong tự nhiên.
Bình luận 0

Nghề nấu rượu, làm men lá truyền thống của người Tày ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Clip: Chiến Hoàng

Tự tin vào "vốn cổ" để thoát nghèo 

Xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có nghề truyền thống nấu rượu men lá nức tiếng, phổ biến tại 9/9 thôn của xã. Sản lượng rượu men lá Bằng Phúc sản xuất đạt gần 210.000 lít/tháng, tương đương hơn 6.000 lít/ngày, được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Hiện nay, rượu men lá Bằng Phúc đã được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, rượu men lá Bằng Phúc còn là 1 trong 2 sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Hé lộ bí quyết làm men lá truyền thống của người Tày ở Bắc Kạn - Ảnh 2.

Người dân thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đang nấu rượu men lá từ quả men truyền thống của người Tày. Ảnh: Chiến Hoàng

Nghề nấu rượu men lá đã được các cư dân vùng Tày nơi đây duy trì hàng trăm năm nay và đã thực sự trở thành nghề hái ra tiền, giúp người dân xã Bằng Phúc thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Doanh thu từ hoạt động nấu rượu và chăn nuôi lợn của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Bằng Phúc ước đạt hơn 65 tỷ đồng/năm.

Hé lộ bí quyết làm men lá truyền thống của người Tày ở Bắc Kạn - Ảnh 3.

Chuyến hàng rượu men lá đầu tiên của HTX Thanh Tâm, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn lên đường sang Nhật Bản. Ảnh: Giang Hoàng

Là chủ HTX Thanh Tâm có sản phẩm rượu men lá xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà Nông Thị Tâm chia sẻ, HTX tập trung chính vào việc tạo ra sản phẩm rượu men lá từ nghề truyền thống sẵn có của địa phương.

"Việc xuất khẩu sản phẩm rượu men lá của HTX sang thị trường Nhật Bản giúp chúng tôi có thêm động lực và tự tin hơn với nghề nấu rượu men lá truyền thống mà cha ông để lại. Cũng từ đó mà giải quyết được thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương", bà Tâm chia sẻ.

Vận dụng tri thức bản địa làm nên thứ men lá nức tiếng

Đặc biệt, để tạo nên hương vị riêng có của rượu men lá Bằng Phúc, người Tày nơi đây đã vận dụng vốn tri thức bản địa về cây dược liệu, tự làm những quả men lá từ các loại cây dược liệu có sẵn trong tự nhiên.

Giống như bao cư dân Tày ở Bằng Phúc khác, gia đình ông Phương Ngọc Thoăn (thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) cũng làm men lá nấu rượu từ bao đời nay. Ông Thoăn cho biết, xưa để làm được những quả men tốt, các cụ sử dụng khoảng 20 loại cây dược liệu khác nhau, nhưng ngày nay, hầu hết các gia đình chỉ sử dụng từ 10 - 12 loại khi làm bánh men.

Hé lộ bí quyết làm men lá truyền thống của người Tày ở Bắc Kạn - Ảnh 5.

Ông Phương Ngọc Thoăn (thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) giới thiệu về cây dược liệu được trồng trên vườn rừng của gia đình. Ảnh: Chiến Hoàng

Theo ông Thoăn, các loại cây dược liệu để làm quả men lá bao gồm ba nhóm. Nhóm thứ nhất là cây dược liệu sử dụng cả thân, rễ, lá như cúc đồng tiền dại, nhân trần, cúc hoa xoắn... Nhóm thứ hai là cây dược liệu sử dụng thân, lá như cây xẻ ba, cây trứng cuốc, rau răm, xả, bồ quả quăn, thiên niên kiện, cây nhót, ngũ gia bì chân chim.... Và cuối cùng là nhóm cây dược liệu sử dụng rễ, củ được người dân sử dụng là riềng.

"Mỗi gia đình sẽ có bí quyết riêng trong quá trình làm quả men. Cây dược liệu sau khi phối trộn đem đun lấy nước sẽ được trộn với bột làm ra các quả men. Sau khi nặn xong, quả men sẽ được đem ủ trên sàn kê bằng phản gỗ hoặc phản tre, cao cách mặt đất chừng 70 - 80cm, có lót sẵn rơm sạch, dày chừng 2cm. Rơm sử dụng để ủ men phải là rơm gạo tẻ thu hoạch vào vụ mùa, được gặt, tuốt đập bằng tay" - ông Thoăn cho biết thêm.

Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng rơm cắt từ máy gặt đập liên hợp vì rơm dễ bị nấm, mốc, lẫn bùn, đất. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ sau 2 - 4 tiếng, các quả men sẽ bắt đầu quá trình lên men.

Hé lộ bí quyết làm men lá truyền thống của người Tày ở Bắc Kạn - Ảnh 7.

Những quả men được vợ chồng ông Phương Ngọc Thoăn (thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) làm ra. Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Thoăn bảo, các cụ ngày trước chỉ tập trung làm men khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch. Tuy nhiên hiện nay, việc làm quả men được kéo dài từ tháng 3 đến tận đầu tháng 11 âm lịch.

Phần lớn các cây dược liệu dùng làm quả men nấu rượu đều được thu hái đều có trong vườn rừng nhà ông Thoăn, và đều là những cây dùng làm thuốc chữa các bệnh về gan, thận, xương khớp. Những cây dược liệu này trước đây chủ yếu là cây mọc tự nhiên, dưới tán rừng. Tuy nhiên, sau chúng được được người dân đem trồng ở vườn rừng nhằm tránh trâu bò phá hoại, đồng thời tiện chăm sóc, bảo vệ.

Ông Thoăn chia sẻ, từ khi 10 tuổi, ông đã được bố mẹ dẫn vào rừng để tìm hiểu về các loại cây dược liệu phục vụ cho việc làm quả men. Ông bà, bố mẹ đều dặn dò rất kỹ về việc phải đảm bảo chính xác tuyệt đối, không được lấy nhầm lá cây khác.

"Để nối tiếp truyền thống làm men lá của người Tày xã Bằng Phúc, tôi đã rất nỗ lực học hỏi, ghi nhớ để nhận biết các nguyên liệu cũng như cách thức để làm men. Những cây dược liệu này cũng có thể đun nấu uống làm thuốc chữa bệnh thận rất tốt" - ông Thoăn cho biết thêm.

Hé lộ bí quyết làm men lá truyền thống của người Tày ở Bắc Kạn - Ảnh 9.

Những quả men lá thành phẩm được vợ chồng ông Phương Ngọc Thoăn (thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) treo lên để dùng cho việc nấu rượu men lá truyền thống. Ảnh: Chiến Hoàng

Được biết, để duy trì và phát triển nghề nấu rượu men lá truyền thống tại xã Bằng Phúc, tỉnh Bắc Kạn đã giao ngành chức năng tổ chức đánh giá, khảo sát thực trạng, xây dựng kế hoạch lập hồ sơ công nhận làng nghề nấu rượu Bằng Phúc, gắn phát triển du lịch dựa trên khai thác giá trị nông nghiệp, nông thôn, làng nghề truyền thống tại Bắc Kạn.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, rượu men lá là một sản phẩm rất đặc hữu, từ phương pháp làm men, quá trình lên men và thậm chí là nguồn nước để tạo nên sản phẩm. Đây là yếu tố và lợi thế rất quan trọng để khai thác sản phẩm nông sản của Bắc Kạn nói chung và sản phẩm rượu men lá Bằng Phúc nói riêng.

"UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo huyện Chợ Đồn và ngành chức năng hỗ trợ xã Bằng Phúc xây dựng làng nghề truyền thống nấu rượu, gắn với du lịch và định hướng xuất khẩu. Đây sẽ là hướng đi bài bản để nâng tầm sản xuất một sản phẩm OCOP của huyện Chợ Đồn nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung" - bà Hoa cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem