Không ngờ thứ cỏ dại này đã giúp nông dân Sóc Trăng làm không hết việc, tiền đều tay
Không ngờ thứ cỏ dại này đã giúp nông dân một vùng đất của Sóc Trăng làm không hết việc, tiền đều tay
Huỳnh Xây
Thứ ba, ngày 23/05/2023 10:21 AM (GMT+7)
Nhờ cây cỏ năn tượng (còn có tên gọi khác là cây hến biển), hàng trăm nông dân ở thị xã Ngã Năm và huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) có việc làm thêm ổn định. Không chỉ mọc tự nhiên ở vùng ven biển ĐBSCL, loại cỏ này còn được người dân trồng thử nghiệm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay ở thị xã Ngã Năm và huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), hàng trăm nông dân có việc làm thêm và thu nhập ổn định với nghề đan giỏ từ cỏ năn tượng. Cụ thể, là đan gia công thành các loại giỏ đơn giản theo mẫu có sẵn.
Bà Huỳnh Thị Vững ở xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết, bà đan được từ 2 - 3 giỏ (tùy theo mẫu lớn hoặc nhỏ)/ngày, tiền gia công thu về từ 14.000 - 31.000 đồng/giỏ. "Tuy thu nhập không cao nhưng việc làm này ổn định trong những ngày nhàn và phù hợp với người già ở vùng quê" - bà Vững nói.
Theo bà Vững, có rất nhiều người phụ nữ ở quê tham gia việc đan giỏ, để kiếm thêm thu nhập. Sản phẩm hoàn chỉnh sau đó được thu về hợp tác xã MCF Mỹ Quới (xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm).
Thông tin từ hợp tác xã MCF Mỹ Quới cho hay, hiện có 400 lao động đan giỏ bằng hình thức gia công, trong đó phần lớn là phụ nữ nông thôn. Theo kế hoạch trong năm 2023 này, hợp tác xã sẽ cố gắng có thêm 300 lao động nữa.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tập huấn tay nghề đan giỏ cho hàng trăm phụ nữ nông thôn, nâng tổng số lao động trong mạng lưới liên kết lên đến 700 người" - Anh Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Hợp tác xã MCF Mỹ Quới nói.
Hiện nay, năng lực đan giỏ từ cỏ năn tượng của Hợp tác xã MCF Mỹ Quới đạt khoảng 30.000 - 40.000 sản phẩm/tháng. Được biết, trước đó, trong năm 2022, hợp tác xã này đã cung ứng 30.000 sản phẩm ra thị trường.
Do mô hình đan giỏ từ Hợp tác xã MCF Mỹ Quới khá hiệu quả, đặc biệt là giúp ích được cho phụ nữ có công việc làm ổn định nên Hội Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên tham quan học hỏi, đồng thời tổ chức liên kết trong sản xuất cỏ năn tượng và đan giỏ.
Đến thời điểm này, Hội Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên tổ chức được 27 tổ hợp tác đan đát, với 15 - 20 thợ đan/tổ. Qua đó, cung cấp khoảng 700 giỏ /tuần cho hợp tác xã. Tùy theo mẫu sản phẩm, mỗi người đan giỏ có thu nhập thêm cho gia đình từ khoảng 400.000 - 500.000 đồng/tuần.
"Việc làm này tạo thêm thu nhập lúc nhàn rỗi cho chị em phụ nữ. Chị em nào đan giỏi có thể thu nhập được khoảng 500.000 đồng/tuần" - bà Trần Hồng Ni - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mỹ Xuyên chia sẻ.
Sản phẩm được xuất khẩu sang Mỹ
Một số nhà khoa học cùng nông dân cho hay, cỏ năn tượng mọc tự nhiên rất nhiều tại vùng ven biển ĐBSCL, có khả năng chịu mặn hơn 8‰ và thích nghi vùng nước lợ. Đặc biệt là có thể làm vật liệu đan lát tạo ra sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ bền, đẹp.
Do đó, một số nơi, người dân đã trồng thử nghiệm loại cỏ này để cung cấp nguyên liệu đan giỏ. Theo tính toán, trồng cỏ năn tượng có thể lời 3,5- 4 triệu đồng/1.000m2/ lần thu hoạch đầu tiên. Ngoài ra, đối với khu vực có đê bao, người dân còn thả thêm tôm, cua, cá để tăng thêm thu nhập (cỏ năn tượng có khả năng làm sạch nguồn nước, tạo môi sinh tốt cho thủy sản phát triển).
Theo TS Dương Văn Ni - Chuyên gia về đa dạng sinh học ở ĐBSCL, nếu trồng 1.000m2, sau 4 tháng trồng có thể thu về khoảng 1 tấn cỏ năn tượng sau khi đã phơi khô, 1 năm có thể thu từ 2-3 lần. Loại cỏ năn tượng khô dùng để đan giỏ rất tốt.
TS Ni còn cho biết, hiện ông là Chủ tịch Quỹ hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL (MCF) - đơn vị trực tiếp tư vấn, hỗ trợ người dân trong việc trồng cỏ năn tượng, đan giỏ và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của lao động nông thôn tỉnh Sóc Trăng.
Giỏ được đan từ cỏ năn tượng sẽ được đưa về Trung tâm điều phối của Quỹ MCF chi nhánh tại Sóc Trăng. Sau đó, đóng hàng thành phẩm cung ứng cho một doanh nghiệp ở Bình Dương để xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Nhật Bản.
TS Ni nói thêm: "Thời gian qua, việc ứng dụng mô hình cải thiện sinh kế từ cây năn tượng rất hiệu quả. Chúng tôi nhằm tìm giải pháp tạo sinh kế cho cộng đồng cư dân vùng nông thôn có việc làm, thu nhập thêm trong thời gian nông nhàn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.