Bắc Kạn: Người bảo tồn Then “tàng nặm” được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân

Chiến Hoàng Thứ bảy, ngày 20/08/2022 07:00 AM (GMT+7)
Với nỗ lực bảo tồn Then cổ của người Tày cùng những đóng góp của mình, Nghệ nhân Nguyễn Đăng Lưu - một trong số ít những người còn gắn bó với dòng Then cổ của người Tày ở Bắc Kạn đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân".
Bình luận 0

Clip: Người giữ hồn Then cổ ở Bắc Kạn

Người lưu giữ hồn Then cổ

Nhà Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu, người đã có nhiều nỗ lực lưu giữ hồn Then cổ của người Tày nằm ngay trục đường chính khu Phố Mới, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Trong nhà, bàn thờ tổ nghề được dựng một cách tôn nghiêm, đèn hương thắp quanh năm, suốt tháng.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu - người lưu giữ hồn Then cổ của người Tày Bắc Kạn - Ảnh 2.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu (khu Phố Mới, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) trước ban thờ Tổ nghề tại gia đình. Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Lưu không chỉ là thầy Then, mà còn là thầy Tào (người thực hành tín ngưỡng trong cộng đồng Tày) nức tiếng của huyện Na Rì nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung.

Khu vực cạnh ban thờ nhà ông là những cây đàn tính được treo với đủ loại kích cỡ. Ông bảo, làm nghề lâu năm như vậy nhưng học trò lại rất ít. 

Những người chuyên tâm với dòng Then cổ (Then tín ngưỡng) hiện đã dần khuất núi. Dòng then tín ngưỡng của người Tày đang đứng trước nguy cơ mai một.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu - người lưu giữ hồn Then cổ của người Tày Bắc Kạn - Ảnh 3.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu đang thực hành một trích đoạn Then cổ của người Tày. Ảnh: Chiến Hoàng

Theo ông Lưu, những người thực hành Then cổ tại tỉnh Bắc Kạn chỉ còn lác đác, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chính bởi học Then cổ khó hơn Then văn nghệ và cũng đòi hỏi khắt khe hơn đối với những người theo học dòng Then này.

Người được chọn để theo dòng Then tín ngưỡng phải là người gia đình có dòng Then, được truyền thừa từ nhiều đời và phải là người có căn Then. Do vậy, việc phát triển dòng Then tín ngưỡng gặp rất nhiều khó khăn.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu - người lưu giữ hồn Then cổ của người Tày Bắc Kạn - Ảnh 4.

Ngựa cấp 13 dây dùng thực hành Then tín ngưỡng của Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu. Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Lưu cho biết, năm 1966, ông đi bộ đội. Sau 10 năm quân ngũ, ông về làm việc ở Sở Văn hóa Thái Nguyên và tại đây, ông được điều vào tốp Then lưu động. Sau đó, ông chuyển về huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn và theo nghề Then tín ngưỡng ông cha để lại.

Dòng Then cổ mà Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu đang theo là Then Ngạn hay còn gọi là Then "Tàng nặm", theo chiết tự Tày có nghĩa là đường nước. Then cổ của người Tày được chia làm hai dòng chính là then "Tàng nặm" và Then "Tàng bốc" (đường cạn).

Theo ông Lưu, Then "Tàng bốc" phổ biến nhiều ở tỉnh Lạng Sơn, sự khác nhau giữa Then "Tàng Nặm" và Then "Tàng bốc" cũng không thực sự rõ nét. Nhà ông vốn có "pổn Then" (gốc Then) và ông được truyền thừa lại.

Học trò của Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu hiện có 14 người được truyền thụ một cách bài bản, tuy nhiên 5 người đã về với mẹ núi, còn lại thì đều đã tuổi cao, sức yếu.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu - người lưu giữ hồn Then cổ của người Tày Bắc Kạn - Ảnh 5.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu chia sẻ về dòng Then "Tàng nặm" mà ông được truyền thừa từ gia đình. Ảnh Chiến Hoàng

Trăn trở về bảo tồn Then cổ

Những bài Then cổ được ông ghi nhớ trong đầu không biết bao nhiêu mà kể. Ông bảo, học Then cổ khó vì chủ yếu ghi nhớ và truyền miệng. Phải thật kiên trì thì mới tiếp thu được.

"Tập quán xã hội của người Tày, Then cổ thường được thực hành trong các lễ như: Cầu an, nối số, cầu hoa, mừng nhà mới, lễ đầy tháng, giải hạn… mỗi một lễ là một đường then khác nhau, có thể kéo dài mấy tiếng đồng hồ, thậm chí thâu đêm, suốt sáng.

Để có thể làm nghề, ngoài yêu cầu sức khỏe, các thầy Then còn cần có trí nhớ tốt mới có thể hành nghề. Tuổi đã ngoài 70 nhưng tôi vẫn thường xuyên đi làm lễ trong huyện, tỉnh, đôi khi ra cả ngoài tỉnh", ông Lưu chia sẻ.

Ngoài trang phục, mũ mão, dụng cụ đặc biệt quan trọng đối với những người thực hành Then tín ngưỡng còn có cây tính tẩu và chùm ngựa được kết lại từ những sợi xích sắt hoặc gang.

Trước ban thờ, sau khi thắp nén hương, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu thực hành một số trích đoạn Then cổ cho chúng tôi cảm thụ. Giọng ông trầm ấm, mênh mang. Tiếng tính quyện tiếng Then như mây, như gió.

Ngôi nhà nhỏ ở khu Phố Mới, thị trấn Yến Lạc lúc này ngập tràn tiếng Then, Nghệ nhân Nguyễn Đăng Lưu miệng hát, tay đàn, chân đi ngựa nhịp nhàng uyển chuyển một cách lạ thường.

Cảm giác khi ông cất lời Then, những mệt mỏi của tuổi già chừng bay biến đâu hết, chỉ còn lại sự linh hoạt và đam mê, chìm đắm trong từng câu Then mượt mà cùng tiếng tính tẩu mềm mại như nước.

Vốn Then cổ của ông nhiều, nỗi lo mai một đối với dòng Then tín ngưỡng cũng chừng theo đó mà tăng lên. Ông bộc bạch, với Then văn nghệ thì có thể đưa vào trường học, thành lập các câu lạc bộ để bảo tồn, còn dòng Then tín ngưỡng, có đặc thù riêng nên không thể bảo tồn theo cách đó được.

Tuổi ngày một cao, trí nhớ rồi cũng phải giảm, ông lo lắng vốn Then cổ của ông sẽ bị thất truyền. Nỗi lo này không chỉ với những thầy Then như Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu mà còn là nỗi lo chung của ngành văn hóa tỉnh Bắc Kạn.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Đăng Lưu - người lưu giữ hồn Then cổ của người Tày Bắc Kạn - Ảnh 6.

Ông Lương Thanh Luyện, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn khi nói về công tác bảo tồn các làn điệu Then cổ của người Tày tại địa phương. Ảnh: Chiến Hoàng

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lương Thanh Luyện, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì cho biết, hiện những người thực hành Then tín ngưỡng tại địa phương còn rất ít.

"Các thầy Pụt, thầy Then thực hành tín ngưỡng giờ cơ bản đã tuổi cao, sức yếu. Các làn điệu Then cổ theo đó cũng đã ít được thực hành hơn, việc lưu truyền các làn điệu Then cổ gặp khó do Then cổ khó thực hành hơn các bài Then mới.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Đăng Lưu là người có vốn Then cổ phong phú, nhiều tư liệu về các làn điệu Then cổ. Ông cũng là người thường xuyên duy trì Then tín ngưỡng và Then văn nghệ, thông qua các hội diễn, Liên hoan hát Then, đàn tính và đạt nhiều giải thưởng.

Đối với việc bảo tồn, hiện phòng chuyên môn cũng đang sưu tầm, biên soạn nhiều bài Then, đặc biệt là Then cổ; tổ chức truyền dạy cho nhiều câu lạc bộ Then trên địa bàn huyện", Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Na Rì cho biết thêm.

"Với Then tín ngưỡng, việc bảo tồn thông qua điều tra, sưu tầm các bài Then, tập tục về tín ngưỡng Pụt, Then từ các hoạt động tín ngưỡng trong nhân dân như lễ cấp sắc, kỳ yên, giải hạn, ma chay…", ông Luyện chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem