Nghệ nhân cuối cùng của làng Tà Vàng

Thứ năm, ngày 09/09/2010 16:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Bhling Agrun là nghệ nhân cuối cùng có thể làm và chơi nhạc cụ hơi truyền thống Cơtu của làng Tà Vàng (xã Atiêng, Tây Giang, Quảng Nam).
Bình luận 0
img
Nghệ nhân Bhling Agrun (giữa) trình tấu nhạc cụ do chính tay ông làm.

Dẫn tôi đi đến nhà Agrun - Trưởng thôn Pơloong Nhốp giới thiệu: “Agrun là người duy nhất ở làng làm được các loại kèn, sáo. Và cũng chỉ có duy nhất mình ông ấy chơi được các loại nhạc cụ này mà thôi...”. Khi chúng tôi đến, Bhling Agrun đang ngồi vót nứa để làm sáo.

Nghệ nhân trên dãy trường Sơn

Tôi đề nghị được xem bộ nhạc cụ của Agrun và nghe chơi nhạc, ông vui mừng, luýnh quýnh đi lấy bộ nhạc cụ ra giới thiệu: “Bộ nhạc cụ của tui có 13 cái lận, nhưng sau đợt đi Tây Nguyên còn có 6 cái thôi. Người ta thích quá nên tôi tặng hết”.

img Cả thôn giờ chỉ có Bhling Agrun biết làm nhạc cụ và chơi nhạc nhưng không thấy ai đến nhờ Agrun chỉ dạy. img

Trưởng thôn Pơloong Nhốp

Sau mỗi lần chơi một loại nhạc cụ, Agrun đều “chú giải” cho chúng tôi về chức năng của chúng: Vì người Cơtu ở trong núi, bám vào dãy Trường Sơn hùng vĩ nên tiếng nói cất lên thì lá rừng, gió, suối tạt đi mất. Âm thanh của chiếc crdool to hơn nên sẽ át được tiếng rừng.

Crdool dùng để gọi bạn, mời bạn đến chơi. Chỉ cần tiếng crdool ở bên này núi cất lên mời gọi thì người bên kia núi nghe được sẽ nhận lời sang chơi. Thanh niên Cơtu thường dùng crdool để gọi người con gái mình yêu, mình thương…

Đôi tay Agrun đầy những vết nứt nẻ và nhuộm màu vàng của đất núi rừng Trường Sơn nhẹ nhàng, ve vuốt từng thứ nhạc cụ khi “trình diễn” âm nhạc Cơtu trước chúng tôi. Cầm chiếc Abel - một nhạc cụ được làm bằng ống tre và có dây để kéo như kéo nhị, ông nói: “Abel có thể giúp cái bụng khi muốn nói với người mình yêu nhưng xấu hổ, không muốn nói ra. Nhờ Abel này mình sẽ nói được hết. Cái bụng người con gái ưng thì nó sẽ đứng lại nghe mình”...

Tre già, măng chưa chịu mọc

Xòe bàn tay ra đếm, Agrun bảo: Nếu bộ nhạc cụ của tao không tặng thì phải có 13 cái gồm: abel, bơ róc, tờ hót, tút, toa lo, gmư ra, ceg, crdool, pam, aguoh, agông, tê re và cờ tót. Chuyến đi Tây Nguyên làm số lượng nhạc cụ của Agrun hao hụt là Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà ông là nghệ nhân được chọn tham gia.

Điều ngạc nhiên là toàn bộ nhạc cụ của Agrun đều do tự tay ông mày mò làm. Có ai dạy Agrun làm nhạc cụ không? “Không, hồi tao còn bé, ông nội có bày làm. Lúc đó tao không thích và không suy nghĩ nên chẳng để ý làm gì. Vì thế, lúc trẻ tao đâu có nhờ Abel nói hộ lòng với người yêu được”.

Agrun kể, sau khi có vợ, có con, ông mới nhớ lại những loại nhạc cụ mà ông nội bày, nhưng không ai trong làng còn biết cả. “Tao buồn vì nhạc của bà con dân tộc mình mà không ai nhớ, ai biết, tao sợ mọi người sẽ quên luôn. Thế là tao tự tìm hiểu, nghiên cứu rồi làm và chơi thôi. Không ngờ được đưa đi giới thiệu ở tận Tây Nguyên...”.

Nắng gió Trường Sơn cùng với những lo toan cuộc sống khiến Agrun có vẻ già hơn so với tuổi 50 của mình. Agrun bảo ông có 5 đứa con, nhưng không đứa nào biết làm và chơi nhạc. “Tao thích đi khắp nơi biểu diễn cho mọi người xem, cho họ biết nhạc của dân làng tao. Mỗi lần thế, tao tự hào lắm.

Tao sợ mấy đứa trẻ con tao và trong làng này rồi sẽ không biết gì đến nhạc của dân tộc mình nữa”. Agrun bảo mấy hôm nay ông đang đi tìm nứa để làm lại mấy loại nhạc cụ còn thiếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem