Nghệ nhân ở làng đúc đồng nức tiếng Hà thành chia sẻ bí quyết làm ra sản phẩm "vạn người mê"

Kim Duyên Thứ tư, ngày 31/08/2022 10:55 AM (GMT+7)
Nghề đúc đồng Ngũ Xã (Hà Nội) được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa của Thăng Long xưa. Hiện nơi đây chỉ còn lại ngôi đình Ngũ Xã, chùa Thần Quang và gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng còn gắn bó, lưu giữ nghề tinh hoa của Hà Nội.
Bình luận 0

Video Xưởng đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình, Hà Nội) của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn ứng. Thực hiện: Kim Duyên.

Được ví là một trong tứ trụ tinh hoa bậc nhất của Thăng Long xưa, làng đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng là nơi chuyên sản xuất và chế tác các loại đồ đồng tinh xảo, giàu tính nghệ thuật.

Ngôi làng xưa nổi tiếng với nghề đúc tiền và những đồ mang hơi thở tâm linh nằm ở ven hồ Trúc Bạch. Thế chỗ cho những xưởng đúc đồng xưa giờ đây chính là nhà cửa san sát, các hàng quán, những cửa tiệm hiện đại,...

Nghệ nhân ở làng đúc đồng nức tiếng Hà Thành chia sẻ bí quyết làm ra sản phẩm "vạn người mê" - Ảnh 2.

Người thợ đang định hình khuôn đúc cho sản phẩm. Ảnh: Kim Duyên.

Để có trải nghiệm đúng nghĩa với nghề truyền thống nổi danh đất kinh kỳ, chúng tôi được giới thiệu đến gia đình ông Nguyễn Văn Ứng – gia đình hiện có 4 nghệ nhân còn theo nghề đúc đồng truyền thống.

Bí quyết tạo nên thương hiệu đồng Ngũ Xã

Theo lời chỉ dẫn của người dân Ngũ Xã, không khó để tìm thấy nhà của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng. Với nét đặc trưng của người con đất Hà thành nhiệt tình, niềm nở, ông Ứng đã giúp chúng tôi hiểu về những trải nghiệm thực tế với nghề đúc đồng truyền thống.

Ông Ứng cho biết, một sản phẩm đồng Ngũ Xã muốn hoàn thành phải trải qua nhiều giai đoạn, từ nhào đất, tạo khuôn, làm lõi bên trong, phơi khô rồi nấu đồng, làm nguội, chạm khắc và đốt đồng, tô màu. Trong đó kĩ thuật chọn đất, nhào đất là một yếu tố cơ bản quyết định vẻ đẹp, độ bền và độ nổi hoa văn của tượng.

Nghệ nhân ở làng đúc đồng nức tiếng Hà Thành chia sẻ bí quyết làm ra sản phẩm "vạn người mê" - Ảnh 3.

Để có được sản phẩm hoàn hảo, người thợ phải tỉ mỉ từng chi tiết từ tạo khuôn đến đánh bóng. Ảnh: Kim Duyên.

Để có những bức tượng chuẩn mực phải do những thợ đúc đồng có "hạng", với công sức, thời gian và tâm huyết mới có thể làm được. Có tác phẩm chỉ làm hai tháng, có tác phẩm lại phải làm trong 6 tháng, có khi là hàng năm trời mới xong.

"Hưng thịnh nhất của nghề là giai đoạn chiến tranh chống Mỹ. Người dân làng nghề lúc đó đúc nhôm, những vật dụng phục vụ cho chiến tranh. Những người không phải đi sơ tán vẫn sản xuất phục vụ cho chiến trường. Tết là dịp họ trở về, người đi kẻ ở gặp lại nhau tay bắt mặt mừng bên nồi bánh chưng", ông Ứng trầm ngâm nhớ lại.

Các sản phẩm của đồng Ngũ Xã làm ra luôn tạo sự khác biệt với sản phẩm nơi khác nhờ vào bí quyết nghề ở Ngũ Xã. Đây là kết hợp của đồng, nhôm, chì theo tỷ lệ chuẩn mực. Vì thế sản phẩm đồng Ngũ Xã không bị rỗ, bị phai, hàng trăm năm vẫn bền vững.

Nghệ nhân ở làng đúc đồng nức tiếng Hà Thành chia sẻ bí quyết làm ra sản phẩm "vạn người mê" - Ảnh 4.

Với đặc thù là nghề thủ công truyền thống, nên có những sản phẩm người thợ phải mất hàng tháng để hoàn thành. Ảnh: Kim Duyên.

Tiếc thay, làng Ngũ Xã giờ đã thành phố, nhà cao tầng với những quán phở cuốn, thay thế những xưởng đúc đồng xưa. Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng trăn trở: "Thanh niên giờ đây không còn tâm huyết với nghề, không kiên trì như xưa. Cha muốn truyền mà con không học thì nghề phải mất".

1 gia đình, 4 nghệ nhân vẫn loay hoay truyền nghề

Theo lời kể của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, thời bình lập lại việc đúc đồng không còn được ưa chuộng, nhiều gia đình đã thay đổi sang làm nhôm. Ngày đó chính bản thân ông đã có lúc "lấy nghề nhôm nuôi nghề đồng". Dù trong tình cảnh khó khăn, nhưng ông chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ nghề truyền thống của gia đình.

Nghệ nhân ở làng đúc đồng nức tiếng Hà Thành chia sẻ bí quyết làm ra sản phẩm "vạn người mê" - Ảnh 5.

Ở tuổi ngoài 70, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng vẫn luôn trăn trở về việc lưu giữ nghề truyền thống. Ảnh: Kim Duyên.

Ông Ứng tự hào: "May mắn cả hai người con đều theo nghề truyền thống gia đình. Đã có không ít nước sau khi nghiên cứu về truyền thống đúc đồng hoặc nghe danh làng ở Việt Nam, không tiếc tiền của mời tôi sang. Nhưng tôi chỉ muốn nối nghiệp gia đình, phát triển nghề truyền thống".

Hiện nay, vợ và 2 con trai đều đã được vinh danh trở thành nghệ nhân đúc đồng. Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn (con trai nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng) tâm sự: "Mới đầu làm chỉ vì thích và muốn giữ nghề truyền thống. Giờ đây, khi thị trường đã rộng mở hơn, sản phẩm đúc đồng truyền thống được nhiều người quan tâm hơn, thì mình mới chọn sống với nghề".

Nghệ nhân ở làng đúc đồng nức tiếng Hà Thành chia sẻ bí quyết làm ra sản phẩm "vạn người mê" - Ảnh 6.

Thế nhưng ông Ứng vẫn luôn trăn trở: "Không biết có thể giữ được nghề đến lúc nào. Làm đồng cần trau chuốt từng công đoạn nên mất thời gian nhiều. Để có thể học và thành thạo được nghề người thợ phải mất hàng năm. Còn để làm được sản phẩm hoàn hảo, được khách hàng đón nhận thì người thợ phải học cả đời".

Theo chân anh Tuấn đến tận xưởng đúc đồng Ngũ Xã của gia đình, nhìn những thợ ngồi tỉ mỉ hàng giờ để hoàn thiện từng sản phẩm, tôi phần nào hiểu được khó khăn vất vả của người thợ đúc đồng. Sinh ra và lớn lên tại Ngũ Xã, anh Trần Long (45 tuổi) đã gắn bó với xưởng đúc đồng Ngũ Xã hàng chục năm, anh cũng đã chứng kiến không ít người đến rồi lại đi. 

Nghệ nhân ở làng đúc đồng nức tiếng Hà Thành chia sẻ bí quyết làm ra sản phẩm "vạn người mê" - Ảnh 7.

Các sản phẩm đúc đồng truyền thống chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng. Ảnh: Kim Duyên.

Anh tâm sự: "Nghề đúc đồng truyền thống phải làm thủ công hoàn toàn, người thợ phải cẩn thận tỉ mỉ từng chi tiết, công đoạn. Vì vậy rất nhiều người đến học và làm việc nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn. Chúng tôi muốn trong tương lai sẽ có nhiều người học nghề này và lưu giữ nghề truyền thống tinh hoa này nhiều hơn nữa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem