Tiết lộ bất ngờ về nơi từng được ví là "thủ phủ đúc đồng" cho kinh thành Thăng Long
Tiết lộ bất ngờ về nơi từng được ví là "thủ phủ" đúc đồng cho kinh thành Thăng Long
Kim Duyên
Thứ hai, ngày 29/08/2022 06:09 AM (GMT+7)
Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã (Hà Nội) là một trong số 4 nghề tinh hoa bậc nhất được dân gian nhắc đến đến là: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”...
Làng đồng Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội. Thực hiện: Kim Duyên.
"Thủ phủ" đồng của kinh thành Thăng Long
Ngũ Xã là nơi sản xuất các sản phẩm đồng thau tuyệt hảo cung cấp cho cả kinh thành Thăng Long xưa. Theo sử sách ghi lại, hơn 400 năm trước, vào thời Vua Lê, để có tiền và đồ tế lễ cho nhà vua, triều đình đã tập hợp một số nghệ nhân, thợ đúc đồng có tay nghề cao ở 5 xã: Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Điện Tiền và Đào Viên thuộc huyện Siêu Loại (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) về Thăng Long, chọn vùng đất ven hồ Trúc Bạch lập làng nghề đúc đồng Ngũ Xã.
Tại đây, dân làng lập thành phường, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã. Toàn bộ dân làng đều tập trung sản xuất, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ các sản phẩm đồ đồng. "Thời bấy giờ nghề đúc đồng Ngũ Xã được coi là một trong 4 nghề tinh hoa bậc nhất của Thăng Long", nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng tự hào khẳng định.
Thuở ban đầu, làng Ngũ Xã chuyên đúc tiền và đồ thờ cho triều đình. Theo thời gian, nghề đúc ngày càng phát triển, các nghệ nhân tài hoa, cùng những người thợ có tay nghề cao đã đúc các đồ dùng phục vụ đời sống hằng ngày của người dân như mâm, nồi, chậu đồng... Đồng thời, đúc một số đồ thờ cúng như tượng phật, bát hương, đỉnh, đèn nến, lọ hoa, bộ tam sự, ngũ sự bằng đồng... Cũng bởi vậy mà dân làng đúc đồng Ngũ Xã trở nên quen thuộc gần gũi với người dân khắp mọi miền đất nước.
Ở tuổi ngoài 70, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng luôn nhớ rõ lịch sử phát triển của làng nghề. Thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làng Ngũ Xã cũng tham gia kháng chiến, ông Ứng nhớ lại: "Sau năm 1954, cả làng đúc đồng Ngũ Xã cũng chuyển sang sản xuất phục vụ kháng chiến. Sau khi hòa bình lặp lại, các đền, chùa… được khôi phục, làng Ngũ Xã lại quay lại sản xuất với nghề truyền thống".
2 pho tượng giá trị nhất làng
Nghề đúc đồng Ngũ Xã nổi tiếng đã sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật nổi bật, được xem là kiệt tác nghệ thuật đúc đồng, nói lên tài năng, trí tuệ của các nghệ nhân và thợ đúc đồng làng nghề của Ngũ Xã. Bức tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được đặt tại đền Quán Thánh – trấn Bắc thành Thăng Long (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) là 1 trong những pho tượng mang lại dấu ấn riêng cho nghề đúc đồng Ngũ Xã.
Tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ, được đúc vào năm 1677, tượng cao 3,9m, nặng 3,6 tấn, đặt tại đền Quán Thánh - một trong 4 tứ trấn Thăng Long. Người dân Hà Nội cũng như du khách thập phương trong nước và nước ngoài khi đến thăm đền Quán Thánh sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng đồng đen này.
Ngoài ra, bức tượng A Di Đà nặng 14 tấn, được đúc vào thế kỉ XIX tại chùa Thần Quang (Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội) cũng là bức tượng nổi tiếng, khẳng định nét độc đáo của người thợ đúc đồng làng Ngũ Xã. Theo lời kể lại của ông Ứng, các số đo của từng chi tiết tượng được các nghệ nhân tính toán hết sức kỹ lưỡng, chuẩn xác trong từng công đoạn.
Tượng thể hiện hình ảnh Phật A Di Đà trong tư thế ngồi kiết già trên một đài sen với 96 cánh. Thân tượng cao gần 4m và cân nặng 12,3 tấn, khoảng cách giữa hai đầu gối là 3,6m; Tòa sen cao 1,45m, nặng 3,9 tấn. Tổng thể bức tượng nặng khoảng 16 tấn.
"Theo lời các cụ kể lại, ngày đổ tượng, nhà chùa huy động nhiều thợ trong làng ra hỗ trợ nấu đồng. Cả làng lúc này là một công trường làm việc liên tục. Vì thế, những đường gấp khúc, uốn lượn, chìm nổi trên pho tượng đều thể hiện rất tinh tế liền nhau trong một khối hoàn chỉnh", ông Ứng cho hay.
Sự khác biệt sản phẩm đồng của Ngũ Xã chính là kỹ thuật đúc liền khối. Đúc liền khối đối với các sản phẩm nhỏ đã không đơn giản, đối với các sản phẩm có kích thước cực lớn lại càng khó khăn, phức tạp.
Những thế hệ thợ đúc đồng tại Ngũ Xã vẫn luôn tự hào về nghề truyền thống của làng. Sinh ra tại Ngũ Xã, được tiếp xúc với nghề từ sớm, anh Trần Long (40 tuổi) bộc bạch: "Các sản phẩm đồng Ngũ Xã trải qua bao thăng trầm cùng thời gian vẫn luôn luôn được coi là hình mẫu về nghệ thuật và chất lượng kỹ thuật mà không một xưởng đúc nào trong cả nước sánh kịp.
Thành công của người thợ Ngũ Xã khi tiến hành đúc các sản phẩm bằng đồng do bản năng, sự thông minh sáng tạo, đôi mắt tinh tường, chuẩn xác và bàn tay khéo léo, cùng đức tính cẩn trọng và kinh nghiệm nghề đã tạo nên những tác phẩm kỳ vĩ. Điều đó đã khẳng định tài năng đặc biệt của các nghệ nhân và thợ thủ công đúc đồng".
Làng nghề... trở thành "làng phở cuốn"
Đến Ngũ Xã, ấn tượng đầu tiên với tôi nơi đây không còn là một làng nghề đúc đồng nữa, mà thay vào đó là hàng loạt các cửa hàng ăn nối nhau san sát, tạo cho ta một cảm giác như đang bước vào một khu phố ẩm thực. Trên mỗi biển hiệu của từng cửa hàng đều xuất hiện cái tên "phở cuốn", khiến cho thực khách khó có thể phân biệt được về nét đặc trưng của Ngũ Xã – phố phở cuốn.
Ông Nguyễn Văn Ứng tâm sự: "Giờ người ta biết đến Ngũ Xã với cái tên làng phở cuốn nhiều hơn. Đi đâu cũng chỉ thấy nói phở cuốn Ngũ Xã".
Là người dân làng Ngũ Xã, anh Trần Long cũng chẳng thể biết cái tên "làng phở cuốn" có chính xác vào thời gian nào. Thông tin từ anh Long chia sẻ, hơn 10 năm trước trong làng có 1 gia đình bán phở cuốn. Khách đến ăn, chụp ảnh rồi đăng lên mạng giới thiệu. Cửa hàng ngày một đông khách hơn và cứ thế dần cả làng bán phở cuốn.
Biết đến Ngũ Xã với món phở cuốn, Trần Huyền Diệu sinh viên năm tư, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ cảm nhận: "Phở cuốn là món dễ ăn vì được làm từ những nguyên liệu đơn giản. Biết đến phở cuốn Ngũ Xã là do bạn bè giới thiệu. Và mình cũng đã tìm hiểu thông tin trên mạng nên mình thường xuyên qua đây. Lần đầu ăn thì thấy lạ và thú vị. Sau nhiều lần đến thì mình thấy đây là món mà mình có thể ăn nhiều không hề chán".
Từ khi Ngũ Xã trở nên tấp nập hơn với món phở cuốn nổi tiếng, khi đến làng Ngũ Xã đã không còn bắt gặp cảnh những người thợ đúc đồng cặm cụi tỉ mẩn sửa từng chi tiết trên sản phẩm đúc đồng. Thay vào đó, tiếng mời gọi của những cửa hàng phở cuốn vang vọng khắp con phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.