Nghề nuôi “vàng” trong bùn ở một xã biển của Kiên Giang thực ra là nuôi con gì mà chả phải cho ăn?

Thứ năm, ngày 11/04/2024 18:50 PM (GMT+7)
Nuôi sò huyết là nghề không mới ở tỉnh Kiên Giang, nhưng làm giàu từ nghề mà người dân nơi đây vẫn gọi là nuôi “vàng” trong bùn, đem lại lợi nhuận cho gia đình mỗi năm vài tỷ đồng như những nông dân ở xã Nam Thái, huyện An Biên thì không phải ai cũng làm được.
Bình luận 0

Suốt hành trình từ trung tâm thành phố Rạch Giá đến xã Nam Thái quãng hơn 40km qua quốc lộ 63, trời mưa như trút nước. 

Cơn mưa trái mùa khiến cho chúng tôi phải di chuyển khá vất vả và mất hơn hai giờ đồng hồ mới đặt chân được đến ấp Sáu Biển. 

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là con đường bê-tông rộng 2,5m kéo dài suốt 3km dọc ấp với nhiều ngôi nhà cao tầng đầy đủ tiện nghi san sát nhau.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) cho biết, toàn xã hiện có 2.065ha mặt nước bãi bồi ven biển được 97 hộ nông dân thuê nuôi sò huyết hằng năm. 

Gần 500 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu đang sinh sống ở đây đều là dân gốc địa phương. Chính vì vậy họ rất cần cù, chịu khó, kiên trì với nghề nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ, trên bãi bồi ven biển và họ đã trở thành tỷ phú nức tiếng vùng Miệt Thứ.

Nghề nuôi “vàng” trong bùn ở một xã biển của Kiên Giang thực ra là nuôi con gì mà chả phải cho ăn?- Ảnh 1.

Ðiểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là gia đình anh Nguyễn Văn Vui, người có hơn 15 năm nuôi sò huyết.

Lúc này, anh Vui đang cùng nhân công của gia đình đóng những bao hàng sò huyết vừa thu hoạch để chuẩn bị chuyển đi cho thương lái theo đơn đặt hàng trong ngày. Anh chia sẻ: “Năm nay thả sò giống nuôi gặp thời tiết thuận lợi, ít hao hụt. Sò lớn nhanh, vỏ mỏng, có mầu sáng, khỏe mạnh nên năm nay hứa hẹn thu hoạch sẽ trúng lớn”.

Trong nuôi sò, chi phí con giống chiếm khoảng 30%. Vì vậy, nếu sò giống không bảo đảm chất lượng, thì hàng trăm triệu đồng vốn đầu tư coi như mất.

Anh Nguyễn Văn Vui

15 năm trước, anh Vui khởi nghiệp với nghề nuôi hến nhưng không hiệu quả. Nguồn con giống cạn kiệt, anh chuyển sang nuôi sò huyết với diện tích ban đầu 20-30ha. Anh Vui cho biết, trong nuôi sò, chi phí con giống chiếm khoảng 30%. Vì vậy, nếu sò giống không bảo đảm chất lượng, thì hàng trăm triệu đồng vốn đầu tư coi như mất.

Chính vì vậy, anh chỉ mua sò giống ở hai huyện Hòn Ðất và Kiên Lương (Kiên Giang) hoặc sang Bến Tre, Trà Vinh lấy về ương trước khi thả nuôi và cung cấp sò giống cho người dân địa phương. 

Nhờ cần cù, chịu khó, đúc rút kinh nghiệm cho bản thân nên vụ nào anh Vui cũng thắng lớn, diện tích mặt nước nuôi trồng ngày càng mở rộng. Theo anh, sò huyết dễ nuôi, rủi ro thấp, đầu ra ổn định, có thể giúp nông dân làm giàu sau vài vụ nuôi sò thành công.

Khi được hỏi bí quyết thành công của mình, anh Vui chia sẻ: “Một trong những yếu tố thành công khi nuôi là thả thưa không nên thả dày. 

Mới đầu diện tích nuôi trồng của tôi chỉ 20-30ha, tôi thả con giống dày không bảo đảm nguồn thức ăn, dịch bệnh khiến con giống bị lây nhiễm chéo dẫn đến hao hụt và chết nhiều. Sau đó tôi mở rộng diện tích lên 80-90ha thả thưa, giúp cho con giống bảo đảm nguồn thức ăn. 

Thứ hai là thường xuyên sục bùn để tạo thức ăn tự nhiên cho sò. Thứ ba, điều kiện thời tiết vào tháng 7 âm lịch mưa nhiều, người dân bơm nước ra từ cánh đồng để xả lũ dễ làm sò bị sốc chết. Chính vì vậy, người nuôi cần tính toán làm sao để thả và thu hoạch trước, sau vụ lúa sẽ quyết định thành công hay còn gọi là thu hoạch né vụ lúa”.

Nghề nuôi “vàng” trong bùn ở một xã biển của Kiên Giang thực ra là nuôi con gì mà chả phải cho ăn?- Ảnh 2.

Với diện tích mở rộng hiện nay lên 300ha giúp cho gia đình anh Vui có thể thu hoạch sò quanh năm, con bé một năm tuổi, con lớn hai năm tuổi, khoảng hai tháng nữa sẽ thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt 50 tấn. 

Hiện sò huyết của gia đình anh đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cho nên giá thu mua sò huyết ở mức cao khi giao cho thương lái: loại một năm tuổi tầm 80 con/kg có giá 100 nghìn đồng; loại hai năm tuổi tầm 60 con/kg có giá 200 nghìn đồng. Ước chừng anh Vui thu về khoảng 7 tỷ đồng, trừ chi phí con giống 1,2 tỷ đồng, nhân công khoảng 500 triệu đồng, anh sẽ lãi khoảng 5,3 tỷ đồng.

Tạo việc làm cho 10 nhân công với mức thu nhập từ 6-9 triệu đồng/tháng, trong đó bảy người ăn ở trực tiếp tại khu nuôi trồng, anh Vui còn hỗ trợ các hộ dân kinh doanh nhỏ bằng cách thu mua lại sò huyết từ các gia đình trung bình 100-150 tấn/năm để xuất sang Campuchia hoặc giao cho chợ đầu mối.

“Năm 2023 tôi dự định mở rộng thêm 200ha mặt nước để nuôi trồng thêm sò huyết, đến nay đã chuẩn bị xong việc xây dựng cơ sở vật chất, ký hợp đồng thuê với huyện và đang chờ con giống để chuẩn bị thả nuôi”, anh Vui bật mí.

Chia tay anh Vui, chúng tôi cùng xuống tàu, hướng thẳng ra biển thăm gia đình ông Trần Văn Ðiều, 62 tuổi, ở ấp Năm Biển, xã Nam Thái. 

Dọc quãng đường đi ra bãi bồi ven biển, là bạt ngàn những vạt rừng phòng hộ ven biển An Biên-An Minh tự nhiên và do người dân trong xã trồng, dài mút tầm mắt. Xa xa, những chòi canh sò ven biển của các hộ nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng cũng dần hiện ra trước mắt.

Chỉ tay về khu vực rộng lớn trên bãi bồi ven biển, anh Trang Minh Tú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên cho biết: “Mấy năm nay nhiều người dân nuôi sò huyết, vẹm xanh ở bãi bồi ven biển này có thu nhập khá. 

Ðể tránh chồng lấn nhau, người dân dùng các thân cây dài cắm chung quanh diện tích mặt biển mình thuê, tạo thành những khu nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ riêng biệt, được người dân gọi là những bàu sò trên biển. 

Ở mỗi khu vực, tùy diện tích mặt biển mà chủ nuôi cất một hoặc hai, thậm chí nhiều chòi để canh sò tránh bị người lạ khai thác. Một vài căn chòi được chủ chăm chút hơn với những trụ bê-tông, lợp tôn mới tinh; còn lại các chòi chỉ làm đơn giản bằng cọc, cây gỗ, lợp lá hoặc thiếc có phần tạm bợ".

Nghề nuôi “vàng” trong bùn ở một xã biển của Kiên Giang thực ra là nuôi con gì mà chả phải cho ăn?- Ảnh 3.

Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái, từ năm 2015, tình hình trật tự trên biển phức tạp, lực lượng công an, quân sự, biên phòng kết hợp tuần tra đẩy đuổi tuy nhiên không hiệu quả. 

Các đối tượng đi trên 5-7 tàu, mỗi tàu cả chục người nên khi chúng đổ bộ lấy trộm hải sản của dân sau đó nhanh chóng rút chạy. Trước tình hình trên UBND xã thành lập câu lạc bộ phòng, chống tội phạm trên biển, có sự tham gia của người dân và các lực lượng chức năng, trang bị công cụ hỗ trợ, chính vì vậy đã góp phần đẩy lùi tình trạng trên, giúp người dân yên tâm làm ăn, kinh doanh.

Sau một hồi len lỏi giữa những bàu sò rộng lớn, chúng tôi ghé căn chòi giữa biển của gia đình ông Trần Văn Ðiều. Chòi chỉ rộng khoảng 7-8m2 nhưng có đủ dụng cụ sinh hoạt.

Với tình yêu với nghề nuôi sò huyết, ông Ðiều khẳng định chắc nịch với chúng tôi rằng: “Ðây là “vàng”, thứ “vàng” ở trong bùn của xứ này các chú ạ”. Có năm nước ô nhiễm sò chết hết, có năm hòa vốn, có năm lãi từ 2-3 tỷ đồng. Những năm sau, tôi càng có kinh nghiệm hơn, năm 2019, tôi trúng đậm, thả sò giống 400 triệu đồng, cuối năm thu về hơn 2,6 tỷ đồng”.

Rồi ông kể tiếp: “Nuôi sò trên bãi bồi ven biển không tốn tiền mua thức ăn. Kỹ thuật nuôi sò huyết cũng dễ, tỷ lệ sò giống sống đạt 30% là có lãi. Ðể sò ít hao hụt phải chọn bãi nuôi tốt, cách bờ từ 0,5-1km. Do sò có thể di chuyển cho nên khi nuôi phải giăng lưới thật sâu, từ mặt bãi bồi lên trên khoảng 1m".

Nuôi sò trên bãi bồi ven biển không tốn tiền mua thức ăn. Kỹ thuật nuôi sò huyết cũng dễ, tỷ lệ sò giống sống đạt 30% là có lãi. Ðể sò ít hao hụt phải chọn bãi nuôi tốt, cách bờ từ 0,5-1km. Do sò có thể di chuyển cho nên khi nuôi phải giăng lưới thật sâu, từ mặt bãi bồi lên trên khoảng 1m.

Ông Trần Văn Ðiều

Làm nghề nuôi sò trên biển tuy không vất vả, thu nhập ổn định nhưng buổi tối bắt buộc người nuôi phải ra chòi ngủ. Trước kia, nạn trộm sò diễn ra nhiều, giờ đỡ hơn nhưng vẫn phải canh, có khi chỉ cần cầm đèn rọi nhưng nhiều lúc phải chạy vỏ máy đi kiểm tra vài lần mỗi đêm. 

Vốn là bộ đội xuất ngũ về địa phương, mặc dù có ba căn nhà mái ngói đỏ tươi cất theo kiểu biệt thự liền kề, mỗi căn trị giá 700 triệu đồng từ tiền nuôi sò nhưng ông Ðiều vẫn chọn cho mình cách sống giản dị của người lính khi ở ngoài chòi canh, vừa thư giãn, vừa mát mẻ. Hằng ngày, các con sẽ đi tàu mang đồ ăn ra chòi cho ông.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên Trang Minh Tú chia sẻ: Ðể phát triển tiềm năng bãi bồi ven biển huyện An Biên, đồng thời thực hiện đề án nuôi biển của UBND tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch triển khai đề án nuôi biển phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có đề ra các lộ trình và giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục sắp xếp lại các vị trí hộ nuôi, tiếp tục tổ chức hướng dẫn hộ nuôi đăng ký thủ tục nuôi theo quy định của Nhà nước về cho thuê mặt nước bãi bồi ven biển để nuôi trồng thủy sản. 

Thứ hai, xây dựng các mô hình phát triển bền vững nuôi sò huyết, ứng dụng khoa học kỹ thuật để người nông dân nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Thứ ba, kịp thời thông tin về diễn biến thời tiết và thiên tai trên biển để người nuôi kịp phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân. Từ đó, phát triển, nâng cao chất lượng đạt chuẩn OCOP của sò huyết địa phương.

Nghề nuôi “vàng” trong bùn ở một xã biển của Kiên Giang thực ra là nuôi con gì mà chả phải cho ăn?- Ảnh 4.

Từ khi thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, đặc biệt là triển khai mô hình nuôi sò huyết trên mặt nước bãi bồi ven biển, người dân xã Nam Thái đã thu được nhiều thành tựu về kinh tế. Các mô hình sản xuất này còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. 

Một hộ nuôi, giúp cho khoảng 7-10 lao động thường xuyên có việc làm, thu nhập ổn định từ 7-9 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, còn một lực lượng lớn lao động khi đến mùa vụ cào sò giống về bán lại cho các hộ nuôi sò huyết.

Trước đây, tại địa phương, cầu, đường đi lại khó khăn, nhà cửa xiêu vẹo thì từ khi thực hiện phát triển kinh tế biển, nhất là tập trung vào thả nuôi sò huyết, đời sống kinh tế của người dân khấm khá hơn, xây được nhà khang trang, đóng góp tiền làm cầu, đường mở hướng giao thương mua bán và cho con em đến trường thuận tiện.

Bí quyết thành công của những nông dân tỷ phú nuôi sò huyết ở huyện An Biên là ngoài kinh nghiệm trong chăn nuôi, luôn cập nhật những kiến thức mới, còn có sự am hiểu nhu cầu thị trường, tìm hướng liên kết trong sản xuất để hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, từ đó làm giàu trên chính đồng đất quê nhà.

Tuấn Dũng-Quốc Trinh (Báo Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem