Ở Hà Tĩnh có mô hình nuôi con chả phải cho ăn, tới kỳ cạy lấy viên ngọc bán đắt tiền

Thứ năm, ngày 04/05/2023 05:18 AM (GMT+7)
Mô hình nuôi trai lấy ngọc đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh được triển khai tại thôn Liên Công, xã Đồng Môn (thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đang là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Ngày 6.4, chị Trần Thị Ánh - chủ mô hình nuôi trai lấy ngọc ở thôn Liên Công, xã Đồng Môn - chia sẻ, xuất phát từ nhu cầu làm đẹp từ sản phẩm ngọc trai của người tiêu dùng cao nên chị đã tìm hiểu, học hỏi mô hình nuôi trai lấy ngọc.

Năm 2020, chị ra tỉnh Ninh Bình nhập về 10.000 con giống trai để nuôi trên diện tích 1ha trong 2 ao. Do ban đầu chưa có kinh nghiệm nên trai bị chết nhiều với tỉ lệ chết khoảng 15%.

Quá trình vừa nuôi vừa đi học hỏi thêm kinh nghiệm ở các tỉnh khác nên cuối cùng mô hình nuôi trai lấy ngọc của chị Ánh cũng thành công khi giữa năm 2021 chị thu hoạch với 80% trai cho ngọc.

Theo chị Ánh, để tỉ lệ trai cho ngọc cao thì việc cấy nhân ngọc trai vào trai là rất công phu và phải đúng kĩ thuật. Mỗi con trai thường được cấy vào 4 nhân ngọc trai. Thời gian nuôi trai khoảng một năm rưỡi đến 2 năm là thu hoạch trai để lấy ngọc.

Về kĩ thuật cấy nhân ngọc trai, theo chị Ánh, đầu tiên phải lựa chọn những con trai có độ tuổi từ 5-8 tháng tuổi, khỏe mạnh, không bị bệnh, vỏ ngoài của chúng sáng, bóng, hình thức đẹp để lấy mô tế bào.

Mô tế bào nằm ở 2 màng áo của trai, kỹ thuật viên phải cắt đúng điểm tạo ngọc nằm ở 2 thành dãi, nếu cắt lệch việc tạo ngọc sẽ không đạt hiệu quả. Công đoạn này cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo.

Sau đó, mỗi con trai thường được cấy vào 4 nhân ngọc và 4 mô tế bào.

Ở Hà Tĩnh có mô hình nuôi con không tốn một đồng thức ăn, tới kỳ "nhả ngọc", bán đắt tiền - Ảnh 1.

Chị Ánh bên mô hình nuôi trai lấy ngọc của mình tại thôn Liên Công, xã Đồng Môn, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn.

Sau gần 2 năm nuôi, viên ngọc nhân tạo trong con trai từ kích thước 0,6 cm ban đầu sẽ lớn đến khoảng 1 cm, độ tròn hoàn hảo là 60% là thu hoạch lấy ngọc.

“Cấy ghép là công đoạn cực quan trọng trong nuôi trai nước ngọt lấy ngọc, quyết định đến 70% tỉ lệ thành công có ngọc, chất lượng của ngọc, màu sắc của ngọc” - chị Ánh chia sẻ.

Sau khi thu hoạch trai lấy ngọc, chị Ánh liên kết với một số công ty vàng, bạc, đá quý trong và ngoài tỉnh để phân loại chất lượng ngọc rồi tạo ra các sản phẩm trang sức có đính ngọc trai rồi bán chia lợi nhuận, hoặc có thể bán thẳng ngọc trai cho các cơ sở kinh doanh trang sức luôn.

Mỗi viên ngọc trai được bán với giá từ 300 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, đặc biệt cũng có những viên to, đẹp thì bán giá đến 10 triệu đồng. Trong đó, phổ biến là trai cho ngọc có giá trị khoảng 300 ngàn đồng/viên.

Nhận thấy mô hình nuôi trai lấy ngọc thị trường đang có nhu cầu lớn nên chị Ánh đã đầu tư mở rộng quy mô, đến nay đã nuôi hơn 30.000 con trai trên diện tích 5ha mặt nước. Mỗi năm thường thu hoạch trai lấy ngọc vào 2 mùa là mùa xuân và mùa đông.

Sản phẩm ngọc trai từ mô hình của chị Ánh đã đạt sản phẩm CCOP 4 sao cấp thành phố. Mô hình nuôi trai lấy ngọc của này đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng.

“Nuôi trai không mất tiền thức ăn vì nó ăn phù du trong tự nhiên, sản phẩm ngọc trai giá trị cao, khi lấy ngọc xong đồng thời còn bán ruột trai làm thực phẩm cho các nhà hàng làm mồi nhậu, cháo trai, súp trai...và bán vỏ trai làm khảm nên tận dụng được tối đa giá trị” - chị Ánh chia sẻ.

Theo chị Ánh, sắp tới chị sẽ đầu tư thêm lĩnh vực bán giống trai vì hiện nay đã có nhiều người đến học tập với ý định nhân rộng mô hình nuôi trai lấy ngọc này của chị.

Trần Tuấn (Báo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem