Nghệ sĩ Công Lý: 'Nghề diễn không như... chạy xe ôm'

Minh Quân Thứ ba, ngày 05/01/2016 10:22 AM (GMT+7)
"Nếu mình buông ra, chỉ làm cho xong thì như việc chạy xe ôm, chạy bao nhiêu cuốc thì có bấy nhiêu tiền".
Bình luận 0

- Tết Bính Thân sắp đến, Công Lý sẽ khiến khán giả ngạc nhiên khi xuất hiện trong đĩa hài “Đại gia chân đất”. Ngoài chương trình hài “Gặp nhau cuối năm” trên truyền hình, anh hiếm khi đóng đĩa hài. Anh có thể cho biết lý do của sự thay đổi này?

Tôi là người khá kén chọn trong việc tham gia làm dự án đĩa hài tết cuối năm. Đây là lý do tôi là một trong số những nghệ sĩ ít làm đĩa hài tết. Bản thân nhà sản xuất cũng biết tính cách của tôi nên ít mời. Tuy nhiên, đạo diễn Bình Trọng là một trong số người bạn thân thiết và hiểu tính tôi. Khi bạn mời thì cũng hiểu được khả năng tôi có thể đóng góp gì trong tác phẩm nên tôi yên tâm nhận lời.

img

Nghệ sĩ Công Lý (thứ 2 từ trái) trên trường quay “Đại gia chân đất”.  Ảnh: M.Q

- Anh thường không chạy theo số lượng, bằng chứng là anh luôn chọn lọc các chương trình để xuất hiện. Hẳn anh phải có lý do riêng?

Để tôi nhận lời tham gia một dự án phim hay một vở diễn sân khấu, điều tôi quan tâm đầu tiên là thời gian sẽ diễn ra trong bao nhiêu ngày, vì tôi không muốn công việc của mình ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất chung của dự án. Thứ hai, về kịch bản, tôi đọc phải thấy có gì đáng để mình tham gia hay không. Quan điểm của tôi phải chọn lọc mới làm, không phải bằng mọi giá.

Nếu mình yêu nghệ thuật thì hãy cố gắng làm hết sức, tôi nghĩ nghề sẽ không phụ mình. Nghề diễn khác với nghề chạy xe ôm. Nếu mình buông ra, chỉ làm cho xong thì như việc mình chạy xe ôm, chạy bao nhiêu cuốc thì có bấy nhiêu tiền, làm nghệ thuật không phải như vậy.

-Hiện nay, các game show hài đang bùng nổ trên sóng truyền hình. Anh  nhận xét gì về các chương trình này?

Tôi thấy “Ơn giời, cậu đây rồi” là một chương trình tốt bởi không chỉ đơn giản là lên sân khấu diễn một tiểu phẩm, mà chương trình có trưởng phòng, người chơi, trong đó cả hai bên phải  động não không đơn giản chút nào. Ở đây đòi hỏi sự vận động nhanh nhạy của người chơi và bản thân trưởng phòng để đem đến một câu chuyện cười tới khán giả. Bên cạnh đó, năm nay, chương trình có sự bắt cặp nghệ sĩ người Nam- người Bắc nên đem đến sự thú vị cho khán giả.

- Sân khấu hài nhiều năm nay vẫn bị khán giả nhận xét là “nhạt, nhảm, dung tục”. Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này, anh nghĩ gì về đánh giá này?

 "Quan điểm của tôi phải chọn lọc mới làm, không phải bằng mọi giá. Nếu mình yêu nghệ thuật thì hãy cố gắng làm hết sức, tôi nghĩ nghề sẽ không phụ mình” - Nghệ sĩ Công Lý.

- Quan điểm cá nhân tôi, bất kể kịch bản hay tiểu phẩm hài nào cũng đều có nội dung, có thông điệp. Nhưng để làm thành tác phẩm cho khán giả chấp nhận thì là vấn đề khác hẳn. Tôi nghĩ khán giả xem mà không cảm nhận được  gì thì đó là tầm phào. Về mặt kịch bản, riêng mảng sân khấu nhiều năm nay cực thiếu kịch bản. Các bạn học biên kịch trong trường sân khấu điện ảnh thường không chú tâm, nói thẳng là đang yếu và thiếu.

- Ngoài kịch bản, chúng ta còn gặp vấn đề về diễn viên hài, anh có thấy thế không?

Mọi người vẫn gọi tôi là nghệ sĩ hài, danh hài, diễn viên hài nhưng tôi luôn phủ định điều đó. Trước tiên, tôi là một nghệ sĩ chứ không chỉ là diễn viên hài. Quan điểm của tôi, đã làm nghề diễn thì phải diễn được đa dạng vai, không phải cứ diễn hài thì không diễn được chính kịch hay bi kịch… Không được phép quan niệm làm nghề như vậy.

Những tượng đài tôi thần tượng về hài kịch là NSND Trần Tiến, NSƯT Phạm Bằng, còn nhiều nghệ sĩ gạo gội tên tuổi mà tôi được xem từ bé nữa.  Tôi nghĩ, đến một ngày nào đó, tôi phải làm được như thế. Nếu không có thế hệ chúng tôi, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Quang Thắng… thì không có nghĩa sẽ không có thế hệ sau. Tôi tin chắc sẽ còn có nhiều thế hệ diễn tốt hơn chúng tôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem