Nghệ sỹ thị giác – giám tuyển Nguyễn Thế Sơn: Cần các thiết chế chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh nghệ thuật
Nghệ sỹ thị giác – giám tuyển Nguyễn Thế Sơn: Cần các thiết chế chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh nghệ thuật
Anh Thư
Thứ sáu, ngày 23/06/2023 10:58 AM (GMT+7)
Được triển khai từ cuối tháng tư và kéo dài đến đầu tháng sáu năm nay, sự kiện Photo Hà Nội 23 - Bienale nhiếp ảnh quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta, với sự phối hợp giữa Viện Pháp tại Việt Nam và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.
Qua hơn 20 triển lãm cùng các buổi tọa đàm, tour nghệ thuật diễn ra tại các không gian nghệ thuật trên địa bàn 7 quận, huyện của Thành phố Hà Nội. Photo Hà Nội 23 đã đem tới những hình dung mới mẻ về nhiếp ảnh nghệ thuật, làm lộ những khoảng trống trong đào tạo và thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật ở nước ta, đồng thời cũng mở ra những tiềm năng cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Thưa nghệ sỹ thị giác - giám tuyển Nguyễn Thế Sơn, vì sao Photo Hà Nội 23 thiếu vắng những tên tuổi kỳ cựu của nhiếp ảnh Việt?
- Những hoạt động về nhiếp ảnh ở trong nước cũng không thiếu, nhưng chúng ta đang rất thiếu môi trường chuyên nghiệp. Photo Hà Nội 23 muốn đưa lại cho công chúng cũng như những người thực hành nhiếp ảnh hình dung về môi trường nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp trên thế giới đang diễn ra như thế nào, với những tiêu chuẩn gì. Những triển lãm do tôi giám tuyển rất chú trọng tới cách in ấn, giới thiệu cũng như trưng bày tác phẩm, ở một tiêu chuẩn rất phổ biến trên thế giới. Điều này ở trong nước hoàn toàn không có. Phần lớn mọi người chỉ chú ý đến hình ảnh, mà thực ra với nhiếp ảnh nghệ thuật thì phần in ấn giới thiệu chiếm đến một nửa câu chuyện của tác phẩm.
Ở trên thế giới, với một người thực hành về nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp, tác phẩm sẽ được giới thiệu ở gallery nghệ thuật, được sưu tập hoặc được giới thiệu trong bảo tàng nghệ thuật, và quan trọng hơn nữa là sẽ phải được công bố và trưng bày ở trong các bienale nghệ thuật quốc tế. Đấy là ba tiêu chí về tác phẩm mà một người thực hành về nhiếp ảnh nghệ thuật phải đạt tới.
Nhân dịp này, tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, ở nước ta nhiếp ảnh chưa bao giờ được coi là một chất liệu nghệ thuật (Art). Bằng chứng là các bảo tàng mỹ thuật chưa bao giờ có bộ sưu tầm về nhiếp ảnh, các triển lãm mỹ thuật từ cấp khu vực cho đến toàn quốc chưa bao giờ có nhiếp ảnh, và hầu như không có gallery nào giới thiệu các tác giả nhiếp ảnh.
Anh vừa nói tới các triển lãm mỹ thuật, các bảo tàng mỹ thuật không dành không gian cho nhiếp ảnh. Có phải vì chúng ta đã có hội mỹ thuật riêng, hội nhiếp ảnh riêng?
- Đó là một vấn đề. Chính vì chúng ta phân chia ra như vậy, nên nhiếp ảnh không nằm trong mỹ thuật. Còn trên thế giới không có chuyện chia tách đó. Nhiếp ảnh chính là mỹ thuật, là một phần của mỹ thuật, nằm trong mỹ thuật. Tôi đã đi xem rất nhiều bảo tàng ở châu Âu và Mỹ, bảo tàng nào cũng phải có bộ sưu tập nhiếp ảnh, và nhiếp ảnh đóng vai trò bình đẳng với tất cả các thực hành nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, hay video art.
Chỉ có ở Việt Nam mới thành lập một hội nghề nghiệp riêng. Thế nên nhiếp ảnh lửng lơ, nó không hẳn theo tiêu chí là ảnh tài liệu, ảnh báo chí hay ảnh nghệ thuật. Nó đâu có phải là chất liệu của nền mỹ thuật này. Tôi nghĩ đấy là vấn đề mấu chốt nhất. Điều này tôi không thấy xảy ra ở các bức tranh về nghệ thuật, thị trường nghệ thuật mà tôi từng biết trên thế giới.
Nhưng anh cũng thấy đó, chúng ta có rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.
- Vâng đúng. Nhưng có lẽ danh xưng đó chỉ là do mình gọi với nhau thôi. Còn trên thực tế nếu người thực hành nhiếp ảnh có tác phẩm được công bố ở trong gallery, trong bảo tàng nghệ thuật, hoặc là trong các biennale có tên tuổi trên thế giới, lúc đó mới gọi là bước chân vào một thiết chế nghệ thuật. Điều này không có gì mới, và tất cả những nước xung quanh chúng ta như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, nhiếp ảnh luôn gắn với các thiết chế nghệ thuật.
Tác phẩm của Nghệ sĩ Hứa Như Xuân tại triển lãm Nhiếp ảnh thời trang, trong khuôn khổ Photo Hà Nội 23.
Nếu bạn để ý sẽ thấy ở Photo Hà Nội 23, tất cả triển lãm và tọa đàm đều được diễn ra ở trong các không gian của thiết chế nghệ thuật, và quan trọng nhất là nằm trong một biennale nghệ thuật có giám tuyển. Đấy là điều rất khác biệt từ xưa đến giờ. Nhiều người cứ nghĩ tại sao phải cần giám tuyển, thì đây là một biennale theo đúng format quốc tế, bất cứ triển lãm nào cũng phải có giám tuyển, cũng như phải có ý tưởng tổng thể. Những Gallery như Hà Nội Studio, Art Việt Nam Gallery, những không gian nghệ thuật như Mơ Art Space, Manzi… đều được trưng dụng, đều được mời tham gia, nằm trong mạng lưới của biennale lần này. Cũng phải nói thêm là suốt 20 năm nay tác phẩm có sử dụng nhiếp ảnh hoặc là tác phẩm nhiếp ảnh của tôi đều được giới thiệu, trưng bày, triển lãm, mua bán ở trong gallery mỹ thuật. Đó là điều tôi nghĩ cần phải làm rõ, bởi không phải cứ cầm máy ảnh chụp ảnh lâu năm thì có nghĩa là tham gia vào thị trường hoặc là thiết chế nhiếp ảnh nghệ thuật đâu. Không phải đâu.
Ngay trong giới chụp ảnh chuyên nghiệp nước ta vẫn có quan niệm rất truyền thống về nhiếp ảnh, như nhiếp ảnh là khoảnh khắc, nhiếp ảnh là hiện thực. Anh lý giải điều này như thế nào?
- Vâng, quả thật quan niệm này cũng có nguyên nhân sâu xa. Ở Việt Nam trước năm 1954, nhiếp ảnh chưa bị tách ra khỏi thế giới nghệ thuật. Từng có những cuộc triển lãm chung giữa nhiếp ảnh, hội họa và điêu khắc. Nhưng chỉ từ sau 1954, nhiếp ảnh bị tách ra khỏi nghệ thuật (Art), thiên nhiều về bên tài liệu, báo chí hơn. Đấy là thực tế. Các quan niệm như nhiếp ảnh là hiện thực, nhiếp ảnh là khoảnh khắc đều đang nằm trong tiêu chí của nhiếp ảnh tài liệu, mà nhiếp ảnh nghệ thuật lại không cần thiết. Lịch sử của nhiếp ảnh nằm trong lịch sử của nghệ thuật, đến bây giờ đã gần 200 năm. Ở nước ngoài, nhiếp ảnh nghệ thuật được dạy trong trường mỹ thuật. Bản thân tôi tốt nghiệp thạc sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật ở Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc.
Khai mạc triển lãm Hà Nội - một thành phố trong nhiếp ảnh.
Tốt nghiệp ra thì cũng không ai phân định nhiếp ảnh thấp hơn các ngành nghệ thuật khác như điêu khắc hay hội họa đâu. Chỉ có ở Việt Nam. Then chốt là bởi vì nó đã không nằm trong hệ thống đào tạo nghệ thuật từ đầu. Hiện nay các sinh viên thường theo học Nhiếp ảnh ở trường Sân khấu điện ảnh hay bên Học viện báo chí – tuyên truyền. Trong khi đó những người học về nhiếp ảnh nghệ thuật ở nước ngoài đều gắn với mỹ thuật, nằm trong câu chuyện của mỹ thuật, đều phải hiểu rất rõ về lịch sử nghệ thuật, và nhiếp ảnh đóng vai trò gì trong lịch sử phát triển nghệ thuật. Điều này nghe thì hơi xa vời với phần lớn những người cầm máy ở nước ta. Nhưng rõ ràng nhiếp ảnh cũng trải qua những giai đoạn như siêu thực, trừu tượng, biểu hiện, có đầy đủ các trào lưu như lịch sử phát triển của hội họa, của mỹ thuật nói chung, thậm chí có những giai đoạn mà nhiếp ảnh còn tác động ngược trở lại của lịch sử nghệ thuật, ví dụ như trào lưu Pop-art. Tôi nghĩ tất cả những điều này đang thiếu hụt rất lớn, là một khoảng trống rất lớn trong đào tạo nghệ thuật nói chung và trong đào tạo về nhiếp ảnh nghệ thuật ở nước ta nói riêng.
Điều quan trọng nhất của nhiếp ảnh nghệ thuật là gì, thưa anh?
- Với nhiếp ảnh nghệ thuật, điều quan trọng nhất là ý niệm về nghệ thuật, dùng hình ảnh để mang lại một ý niệm chứ không phải câu chuyện ảnh có thật hay không. Nghệ sĩ sử dụng nhiếp ảnh là phương tiện hình ảnh để tạo ra một thế giới song song với thế giới hiện thực. Hiện thực của nghệ thuật có thể rất khác với hiện thực của đời sống. Điều này có vẻ hơi thách thức nhưng vốn rất phổ biến trên thế giới. Biennale lần này đã làm nhiệm vụ đó, mang những thực hành tưởng rất xa vời ở thế giới về gần với công chúng Việt Nam, với những người làm nghề.
Nếu nhiếp ảnh nghệ thuật được đào tạo được phát triển trong môi trường chuyên nghiệp thì sẽ mở ra những cơ hội mới để hình thành và phát triển thị trường, mang lại những lợi ích rất lớn cho ngành công nghiệp văn hóa – điều mà những người làm chính sách vốn đang trăn trở, đang tìm hướng đi.
Một góc Nhiếp ảnh thời trang trưng bày tại phố đi bộ Bờ Hồ.
Vậy theo anh ở nước ta đã có nhiếp ảnh nghệ thuật chưa?
- Nếu theo tiêu chí của thế giới thì chưa, bởi vì phải được giới thiệu trong thiết chế chuyên nghiệp. Nếu khi nào chúng ta nhìn thấy nhiếp ảnh được sưu tập như là tác phẩm, có mặt trong các triển lãm mỹ thuật chính danh của Nhà nước, được trưng bày trong bảo tàng nghệ thuật, được giới thiệu và mua bán trong các gallery nghệ thuật thì lúc ấy bắt đầu mới thấy sự xuất hiện của nhiếp ảnh nghệ thuật một cách chuyên nghiệp, đúng nghĩa.
Còn hiện tại bây giờ theo quan sát của tôi, nhiếp ảnh trong nước đang thiên nhiều về câu chuyện chụp ảnh đẹp. Quan niệm này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, nên chưa bao giờ tôi thấy cái chữ nghệ thuật được lạm dụng nhiều như bây giờ. Rõ ràng trong thế giới nghệ thuật chuyên nghiệp phải tuân thủ theo những tiêu chí rất khắt khe. Một bản in nhiếp ảnh phải được kiểm soát về số lượng, màu sắc, chất lượng của giấy in, của mực in, để đảm bảo có độ axit hay không. Còn nếu chỉ chụp để đăng trên mạng hoặc là gửi file ảnh tham dự một số cuộc thi thì chưa được tính. Quan trọng nhất là bản in cuối cùng. Bản in ấy phải kiểm soát toàn bộ về chất lượng, có đủ điều kiện để lưu trữ được 100 năm không, 50 năm không, và sẽ phải được giới thiệu ở trong những thiết chế nghệ thuật chuyên nghiệp. Tiêu chí này rất quan trọng.
Thực tế hiện nay ở nước ta đang in trên giấy ảnh chứa đầy axit, mực in đầy những vấn đề. Nếu in ảnh ở Việt Nam thì cơ bản 10 năm không còn nữa. Nó sẽ bị biến màu biến sắc rất nhiều. Nghệ sĩ khi công bố tác phẩm của mình phải được kiểm soát về số lượng, chứ không phải muốn in bao nhiêu thì in. Cũng không phải cứ chụp một vài tấm ảnh đẹp là trở thành nghệ sỹ. Không có chuyện dễ như thế.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Nghệ sỹ thị giác – giám tuyển Nguyễn Thế Sơn sinh năm 1978 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhận bằng Thạc sĩ Nghệ thuật, chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc. Hiện anh là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhiếp ảnh với anh là một trong những phương tiện thực hành nghệ thuật. Tên tuổi Nguyễn Thế Sơn gắn với nhiều dự án nghệ thuật đương đại và nghệ thuật cộng đồng. Tác phẩm của anh có mặt ở nhiều bảo tàng và triển lãm lớn trên thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.