Trong suốt những ngày rong ruổi, len lỏi khắp các làng quê viết bài về dự án đường Vành đai 4 (Hà Nội), tiếp xúc với nhiều hộ dân có đất bị thu hồi, câu hỏi lớn nhất luôn thường trực trong tôi là “mong muốn của dân hợp lý, cán bộ thực hiện cũng không sai, thế thì vướng mắc nằm ở đâu?”.
Văn Khê hiện vẫn đang là "điểm nghẽn" trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án Vành đai 4 của huyện Mê Linh (Hà Nội). Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là cơ chế xác định giá đất bồi thường cho người dân chưa sát với thực tế, còn giá tại khu tái định cư lại cao hơn mức bồi thường khiến người dân phải bù khoản tiền chênh lệch khá lớn.
Theo văn bản mới nhất ngày 3/4/2024 của UBND huyện Mê Linh, mức giá bồi thường dao động từ 18,8 - 20,1 triệu đồng/m2, trong khi đó, mức giá khu tái định cư dự kiến từ 19,7 – 22,8 triệu đồng/m2. Như vậy người dân có diện tích đất bị thu hồi sẽ phải bù từ 900.000 – 2,7 triệu đồng/m2 tùy vị trí đất.
Tuy nhiên, mức chênh lệch trên vẫn chưa là gì so với giá mà UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) đang áp dụng đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân thôn Hạ, xã Cự Khê. Theo đó, mức giá mà huyện áp dụng bồi thường cho người dân là 29,5 triệu đồng/m2, trong khi mức giá ở khu tái định cư cao nhất là 61,3 triệu đồng/m2, chênh nhau gần gấp đôi.
Lý giải về sự chênh lệch quá lớn này, đại diện UBND huyện Thanh Oai cho rằng do khu tái định cư được bố trí gần Khu đô thị Thanh Hà, được "hưởng" chung hạ tầng, cơ sở vật chất của khu đô thị này nên giá cao hơn nơi ở cũ của dân là điều dễ hiểu (?!). Thế nhưng với những người dân thôn Hạ, việc được ra nơi ở mới khang trang to đẹp, sát nội thành không quan trọng bằng "tiền đâu để mua đất, xây nhà trong khu tái định cư".
Điều đáng nói, đất tại thôn Hạ đang được giao dịch trên thị trường với giá từ 50-70 triệu đồng/m2 tùy vị trí, còn "Nhà nước chỉ trả chúng tôi chưa đến 30 triệu đồng/m2 thì quá thiệt thòi cho dân" – một người thôn Hạ chia sẻ với chúng tôi.
Rõ ràng giá đất là một phần quan trọng của chính sách tài chính về đất đai, thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở cho tiêu cực, tham nhũng, làm cản trở sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Trên thực tế khung giá đất của Nhà nước hiện chỉ bằng khoảng 15% - 20% khung giá đất thị trường. Chính điều này đã dẫn đến bất cập khi thu hồi đất, bởi giá đền bù quá xa giá thị trường khiến người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hầu hết các dự án đều gặp vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng khi các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ cho các dự án chưa thỏa mãn với chính sách đền bù, tái định cư.
Chưa kể toàn bộ quy trình định giá đất đều do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện, người bị thu hồi đất đứng ngoài quy trình; do vậy giá đất mang nặng tính "áp đặt" và gần như tất cả các trường hợp giá đất được bồi thường đều thấp hơn giá thị trường ở mọi thời điểm.
Quay lại với Dự án đường vành đai 4. Đây là dự án trọng điểm của vùng thủ đô, bất kể sự chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân nơi dự án đi qua đều ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Do vậy, việc xây dựng chính sách tái định cư đúng đắn, thỏa đáng sẽ sớm nhận được sự đồng thuận của người dân.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, giải phóng mặt bằng liên quan đến đất thổ cư là vấn đề rất phức tạp. Thực tế cho thấy, thời gian qua đã xảy ra những trường hợp giải phóng mặt bằng treo do những sơ suất trong những văn bản, quy định của cơ quan quản lý Nhà nước hay sự không thỏa mãn giữa nhu cầu của người dân với những chính sách giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến việc giao đất cho các dự án.
GS. Đặng Hùng Võ chia sẻ: "Theo kinh nghiệm của các nước, nếu có quy hoạch thiết kế thì cố gắng chừa vùng thổ cư của người dân. Trong trường hợp không tránh được thì phải thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư thật thỏa đáng. Cách tốt nhất là chúng ta phải nghiên cứu những thiệt hại của người dân khi bị thu hồi đất tại nơi ở và cố gắng bỏ tiền cao nhất để làm việc này".
Còn bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, ĐBQH khóa XIII khẳng định: "Công tác tái định cư cho các hộ dân thuộc diện thu hồi đất đai, tài sản trên đất là công việc rất phức tạp, khó khăn. Những chính sách tái định cư vừa phải đảm bảo đúng pháp luật nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, không để người dân rơi vào cảnh mất việc làm, mất thu nhập".
Trước những hạn chế, vướng mắc trên, nhiều người hy vọng Luật Đất đai 2024 sẽ là "phao cứu sinh" giúp người dân đỡ thiệt thòi hơn khi bị thu hồi đất.
Theo đó, Luật Đất đai 2024 đã bỏ quy định về khung giá đất, đồng thời nhấn mạnh việc định giá đất phải theo nguyên tắc thị trường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bảng giá đất mới sẽ tiệm cận với giá đất thị trường và giá đền bù cũng sẽ tăng so với hiện nay.
Thế nhưng, đến 1/1/2025 Luật Đất đai 2024 mới chính thức có hiệu lực, kể cả trong trường hợp các bộ, ban ngành trình Quốc hội xem xét để Luật sớm đi vào cuộc sống từ 1/7/2024, thì quy định về khung giá đất như hiện nay vẫn có hiệu lực đến hết 31/12/2025, và người dân sẽ phải chờ sang năm 2026 mới có bảng giá đất mới tiệm cận hơn với giá thị trường theo quy định của Luật.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã Ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển cho thu nhập cao.
Nghị quyết nêu rõ: Bỏ khung giá đất. Có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất.
Thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW, Luật Đất đai 2024 cũng quy định một trong những điều kiện thu hồi đất là phải hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nghĩa là việc phê duyệt phương án cũng như thực hiện bố trí tái định cư phải đi trước một bước.
Nghị quyết 18-NQ/TW cũng đã đưa ra nguyên tắc khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đảm bảo cho người có đất bị thu hồi có cuộc sống ít nhất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Người dân mong mỏi Nghị quyết 18-NQ/TW phải được thực thi, soi rọi ngay tức thì ở thời điểm này. Mong mỏi ấy hoàn toàn hợp lý và không phải điều gì xa vời mà rất nhân văn, bình đẳng và công bằng.
Bởi, trên thực tế, dù giải phóng mặt bằng để làm đường, các công trình trọng điểm hay dự án kinh doanh… đều nhằm mục đích mang lại sự phát triển cho xã hội, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho nhân dân; do đó những người bị thu hồi đất phải được hưởng lợi hoặc chí ít cũng không bị thiệt thòi.
"Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Ở bất cứ thời đại nào tư tưởng dựa vào dân, dân là gốc vẫn là cách "trị quốc" vững bền nhất.
Nghĩ cho dân, vì lợi ích của dân, đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm trong mọi quyết sách thì sẽ luôn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.