Nghị định 67 về phát triển thủy sản: Lo tàu, lo cả tính mạng ngư dân

Nguyễn Minh Thứ ba, ngày 15/07/2014 06:46 AM (GMT+7)
Bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi đặc biệt hiện đại hóa tàu cá, Nghị định 67 mà Chính phủ vừa ban hành còn quy định hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật, mua bảo hiểm thuyền viên, đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần... để ngư dân yên tâm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. 
Bình luận 0

Không bảo hiểm- ngư dân “chới với”

Mới đây, PVI (Bảo hiểm Dầu khí) đã trao trả tiền bảo hiểm trị giá 300 triệu đồng cho tàu cá QNg 96084-TS của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh, bị tai nạn cháy nổ gây chìm tàu trên vùng biển Hoàng Sa. Bên cạnh đó, PVI còn bồi thường bảo hiểm tai nạn thuyền viên (cá nhân) cho gia đình ngư dân Đặng Dùm bị tàu lạ đâm dẫn tới tử vong trị giá 50 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải ngư dân hay tàu cá nào cũng may mắn như các trường hợp trên.

Theo thông tin từ Chi nhánh Bảo Việt Đà Nẵng, trong số 260 tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng thì hiện chỉ có 60 tàu mua bảo hiểm. Trong đó chỉ số ít mua bảo hiểm toàn bộ thân vỏ và máy tàu, số còn lại là mua với tỷ lệ thấp. Có trường hợp, trị giá con tàu 5 tỷ đồng, nhưng chủ tàu chỉ mua bảo hiểm 1/10 giá trị. Trong 1 năm, tổng số tàu cá của Đà Nẵng mua bảo hiểm chưa tới 1 tỷ đồng.

Không chỉ ngư dân Đà Nẵng mà hiện tại hầu hết ngư dân tại nhiều địa phương trên cả nước đều chưa tích cực mua bảo hiểm cho tàu cá và cho hoạt động khai thác của mình.

Có những xã như Xuân Hội (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) có khoảng 123 tàu cá, trong đó 27 tàu có công suất trên 320CV, với khoảng 1.000 lao động. Song tất cả số tàu thuyền này đều không mua bảo hiểm thân, vỏ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Việc không tham gia các loại bảo hiểm đối với nghề đi biển đã làm nhiều gia đình ngư dân chới với, trở nên khốn đốn hoặc phá sản khi không may gặp nạn.

Nguyên nhân thì có nhiều, song việc ngư dân còn chủ quan, không muốn đóng phí bảo hiểm; rồi các chính sách bảo hiểm, thủ tục còn rườm rà, phức tạp, bản thân công ty bảo hiểm còn ngại bảo hiểm là những khó khăn chính cản trở ngư dân đến với bảo hiểm.

Chính sách thiết thực…

Theo Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát, với Nghị định 67 vừa ban hành, chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ ở mức cao nhất để ngư dân sản xuất trên biển đạt hiệu quả. Sự hiện diện làm ăn của ngư dân ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng chính là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Theo Bộ NNPTNT, ngoài việc ngư dân được vay vốn đến 90% để đóng tàu vỏ thép (lãi suất 1%, năm đầu tiên không tính lãi); đóng tàu vỏ gỗ được vay vốn 70%, trả lãi 3%, năm đầu tiên không tính lãi), thời hạn đến 11 năm, ngư dân còn có thể sử dụng chính con tàu là tài sản để thế chấp vay vốn. Đặc biệt chủ tàu được hỗ trợ vốn trực tiếp nên có quyền lựa chọn mẫu thiết kế tàu với chất liệu vỏ thép, gỗ hay composite phù hợp với nhóm ngành nghề vừa an toàn, tiết kiệm vừa phát triển kinh tế biển đạt hiệu quả cao nhất.

Riêng các tàu dịch vụ cung ứng lương thực, nhiên liệu cho các tàu cá xa bờ, Chính phủ sẽ hỗ trợ mỗi năm khoảng 10 chuyến (mỗi chuyến ra khơi trở về được hỗ trợ từ 40 - 60 triệu đồng). Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn, đào tạo kỹ thuật đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa tàu cá; mua bảo hiểm thuyền viên, ngư lưới cụ, trang thiết bị liên lạc. Tùy theo công suất của tàu cá, ngư dân được hỗ trợ đến 90% tiền mua bảo hiểm thân tàu.

Song hành với hiện đại hóa tàu cá, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng nhiều cảng cá chuyên dụng, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng, nạo vét luồng lạch, đầu tư trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá quy mô lớn tạo cuộc sống ổn định cho bà con. Ngư dân cũng như doanh nghiệp làm ăn, sản xuất trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được ưu tiên miễn thuế thu nhập, thuế trước bạ, thuế tài nguyên, giá trị gia tăng, nguyên liệu nhập khẩu...

Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt sẵn sàng giúp ngư dân hiện đại hóa tàu cá. Hưởng ứng các chính sách này, Ngân hàng Sacombank và Tổng Công ty CP Bảo Minh cho biết, sẽ hỗ trợ 700 triệu đồng để mua bảo hiểm thân thể trong 1 năm cho 4.000 thuyền viên, ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ trên tàu có công suất trên 90CV; trong đó riệng tại tỉnh Quảng Ngãi thì huyện Lý Sơn được cấp 800 thẻ, huyện Bình Sơn 1.600 thẻ và Đức Phổ 1.600 thẻ.

Có thể nói, với các chính sách bảo hiểm mới, ngư dân từ nay đã có thể phần nào yên tâm khi vươn khơi đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

   Theo Nghị định 67, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ, đội hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên. Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem