Nghị định về xét tặng danh hiệu nghệ nhân: “Yêu nhau như thế, bằng mười phụ nhau”

Hà Thu Thứ tư, ngày 16/07/2014 06:42 AM (GMT+7)
Mòn mỏi chờ đợi suốt 12 năm, Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” mới được ban hành. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, Nghị định này có quá nhiều quy định nhiêu khê, nặng về hành chính. 
Bình luận 0

Ai chờ được 5 năm?

Đã 12 năm trôi qua kể từ khi Bộ VHTTDL được Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu nghệ nhân. Cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2014 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 8.7.2014.

Nghị định quy định, về tiêu chuẩn, danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” (NNND) được xét tặng cho cá nhân đạt đủ các tiêu chuẩn đáng chú ý sau: “Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật; có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Và với nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (NNƯT) thì thời gian hoạt động nghề được tính theo tiêu chuẩn 15 năm và “phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương”.

Không ít ý kiến các nhà nghiên cứu cho rằng quy định thế này thật là bi kịch và thiệt thòi cho các nghệ nhân ở tuổi 80, 90. Bởi vì muốn được danh hiệu nghệ nhân “nhân dân”, họ phải có được danh hiệu “ưu tú”, trong khi đó, lứa tuổi của họ đều đã gần đất xa trời, không thể chờ đợi thêm được nữa.

Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền phân tích rằng, theo nghị định trong đợt phong tặng đầu tiên sẽ chỉ có các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT. Sau đó một thời gian, tiếp tục xét tài năng, cống hiến, thời gian hoạt động nghề, việc xét tặng danh hiệu NNND mới có thể dựa trên số NNƯT đã có. Bao người còn có thể đợi thêm 5 năm để được vinh danh?

Theo ông Hiền, quy định NNƯT chỉ cần “phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương” thì NNND được xác định là phải “phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước”. Như thế với phần lớn các di sản mang tính khu biệt vùng miền, xem ra các NNƯT sẽ chẳng bao giờ có cơ hội lên cấp “nhân dân” bởi họ làm sao có thể thực hiện được mục tiêu “phát huy giá trị di sản” trong “phạm vi cả nước” mà nghị định đã đề ra. Nghệ nhân hát then, đàn tính làm sao có thể “phát huy giá trị di sản” của mình ra cả nước như một kiểu đi “phổ cập” hát then, đàn tính được? Tương tự như vậy, nghệ nhân đờn ca tài tử cũng không thể lên miền núi phía Bắc để truyền dạy di sản của mình.

Làm khó nghệ nhân

Chia sẻ về việc phong tặng danh hiệu này, GS-TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng danh hiệu nghệ nhân là dựa trên tài năng chứ không phải tuổi tác và cũng không nên phân biệt “ông trên, ông dưới”, tất cả đều là nghệ nhân, không thể lượng hóa được. Thêm nữa cách gọi NNND, NNƯT này không hợp lý một chút nào.

Cho dù ở nhiều hội thảo trước đây, đóng góp ý kiến cho quy định xét tặng danh hiệu nghệ nhân, hầu hết các nhà nghiên cứu đều kiến nghị nên bãi bỏ việc yêu cầu các nghệ nhân làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu, nhưng tại nghị định này yêu cầu này vẫn giữ nguyên. Hơn thế, nghệ nhân được phong tặng danh hiệu phải trải qua sự thẩm định của hội đồng cấp tỉnh, hội đồng chuyên ngành cấp bộ và hội đồng cấp nhà nước… Nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, nghệ nhân chủ yếu lớn tuổi, ở khu vực nông thôn, ít cập nhật văn bản, chính sách. Thủ tục rườm rà quá làm khó họ, nhất là với người xứng đáng.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ- một kép đàn bậc thầy của nghệ thuật ca trù, năm nay đã 91 tuổi, cho biết: “Tôi chỉ canh cánh một điều là việc lưu giữ những ngón đàn tuyệt kỹ của ca trù dường như chỉ có mình những người như chúng tôi thực hiện. Các cơ quan chức năng chưa quan tâm và chưa có sự đãi ngộ với những nghệ nhân như chúng tôi. Đến giờ, tôi chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, trừ bằng khen”. Những nghệ nhân như cụ Nguyễn Phú Đẹ, nếu có người đi làm hộ hồ sơ thì cũng chỉ được phong NNƯT, và so với tiêu chuẩn của NNND thì chắc chẳng bao giờ cụ đạt được, thời gian, sức lực của cụ không còn nhiều để phấn đấu phát huy di sản “ra phạm vi toàn quốc” như quy định.

Có được một nghị định để tôn vinh nghệ nhân phải chờ mất 12 năm, nhưng đến lúc nghị định ra đời, cách “yêu” các nghệ nhân như thế này chẳng khác gì phụ lòng họ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem